Thực hiện giảm giá điện, tiền điện: EVN huy động tối đa nguồn lực

Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm thế nào để thực hiện tốt việc giảm giá điện, giảm tiền điện cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng vẫn phải đảm bảo cân bằng tài chính trong năm 2020? Phóng viên Tạp chí Điện lực có cuộc trao đổi với ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng giám đốc EVN xoay quanh nội dung này.

Ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng giám đốc EVN

PV: Thưa ông, việc giảm giá điện, giảm tiền điện cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng của COVID-19 đã được EVN triển khai như thế nào?

Ông Võ Quang Lâm: Ngay sau khi Bộ Công Thương ban hành Công văn số 2698/BCT-ĐTĐL ngày16/4/2020, về việc hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện cho các khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, EVN đã kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị khẩn trương triển khai theo quan điểm, chủ động, nhanh chóng, hỗ trợ kịp thời cho khách hàng.

Theo đó, các Tổng công ty Điện lực/Công ty Điện lực đã tập trung nguồn lực, tranh thủ thời gian kể cả ngày nghỉ; chủ động làm việc với cơ quan chức năng tại địa phương, cập nhật chính xác, đầy đủ dữ liệu liên quan về các đối tượng khách hàng được giảm giá điện, giảm tiền điện. Từ đó, thực hiện một cách nhanh chóng, đúng đối tượng, đúng quy định pháp luật. Tập đoàn cũng đã nâng cấp công cụ tính toán hóa đơn trực tuyến tại chuyên mục “EVN & Khách hàng” trên website của EVN (evn.com.vn), giúp khách hàng có thể tự theo dõi, tính toán hóa đơn điện, nắm rõ được số tiền được giảm trên hóa đơn điện. Tính đến ngày 12/5, EVN đã thực hiện giảm giá điện cho 12,4 triệu khách hàng với số tiền giảm là 1.739 tỷ đồng.

PV: Trong quá trình triển khai giảm giá điện, tiền điện cho khách hàng, EVN gặp khó khăn gì, thưa ông?

Ông Võ Quang Lâm: Trước tiên, đó là xác định đối tượng cơ sở lưu trú du lịch. Theo văn bản số 2698 của Bộ Công Thương, khách hàng phải cung cấp hồ sơ xác định “cơ sở lưu trú du lịch” theo quy định của Luật Du lịch năm 2017 và các văn bản pháp luật. Tuy nhiên, trên thực tế, một số đơn vị chưa cung cấp đầy đủ các giấy tờ.

Vì vậy, EVN cũng đã chủ động làm việc với Tổng cục Du lịch, đề xuất các giải pháp, thống nhất các phương án xác định đối tượng cơ sở lưu trú du lịch. Với những khách hàng chưa đủ hồ sơ, các đơn vị Điện lực vẫn tiếp nhận yêu cầu, tổng hợp số liệu gửi Sở Du lịch, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch các địa phương liên quan xác nhận. Đồng thời, EVN cũng tạo điều kiện cho những khách hàng này bằng việc tiến hành bước 1 là giảm 10% giá điện. Khi khách hàng cung cấp đủ hồ sơ, Điện lực sẽ tiếp tục thực hiện bước 2 là giảm từ giá kinh doanh xuống giá điện dành cho sản xuất. EVN cũng cam kết đảm bảo đầy đủ quyền lợi được hỗ trợ tiền điện các kỳ hóa đơn trong vòng 03 tháng (từ ngày 16/4-15/7).

Ngoài ra, với các cơ sở cách ly y tế tập trung, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tập trung đang phục vụ phòng, chống dịch COVID-19, để xác định chính xác các trường hợp được giảm 20%, 100%,... EVN đã có Công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 tỉnh, Sở Y tế, hàng tháng xác nhận danh sách để EVN thực hiện giảm tiền điện theo đúng quy định.

Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội phát khẩu trang miễn phí cho người dân.

PV: Việc giảm giá điện, giảm tiền điện đã ảnh hưởng như thế nào đến kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của EVN, thưa ông?

Ông Võ Quang Lâm: Phải nói rằng, đây là lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam thực hiện giảm giá điện với số tiền rất lớn. Thực tế, đây cũng là gánh nặng đối với tài chính của EVN. Trong cơ cấu giá điện, chi phí mua điện của EVN từ các nhà máy điện độc lập (BOT, IPP), các nguồn điện khác chiếm tới 82%. Trong khi đó, năm 2020 tình hình thủy văn không thuận lợi, để cung ứng đủ điện, EVN đã phải huy động tối đa các nguồn nhiệt điện. Riêng 4 tháng đầu năm 2020, hệ thống điện đã phải huy động trên 1 tỷ kWh điện chạy dầu, tăng 2,5 lần so cùng kỳ 2019.

Đó là chưa kể, dịch COVID-19 khiến các ngành dịch vụ, sản xuất công nghiệp bị đình trệ, ngừng sản xuất cũng đã tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác kinh doanh điện, đến tiến độ triển khai các dự án nguồn và lưới điện…

Trong bối cảnh khó khăn đó, việc giảm giá điện, giảm tiền điện là nỗ lực rất lớn của EVN, nhất là khi Tập đoàn vẫn phải huy động nguồn vốn lớn để thực hiện đầu tư xây dựng nguồn và lưới điện.

PV: Để vượt qua khó khăn, hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch năm 2020 và kế hoạch giai đoạn 2016-2020, EVN sẽ những giải pháp gì, thưa ông?

Ông Võ Quang Lâm: Trước mắt, EVN đã và đang nỗ lực thực hiện tốt “nhiệm vụ kép”, vừa đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh, cung ứng đủ điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, vừa phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả.

Đặc biệt, Tập đoàn đã đề ra nhiều giải pháp cân bằng tài chính, đảm bảo hiệu quả sản xuất, kinh doanh năm 2020. Cụ thể, chỉ đạo Trung tâm Điều độ hệ thống Điện Quốc gia (A0) vận hành hệ thống điện an toàn, hiệu quả và kinh tế. Đồng thời, triển khai quyết liệt các giải pháp tối ưu chi phí, nâng cao hiệu quả thực hành chống lãng phí trên tất cả các lĩnh vực. Tập đoàn cũng yêu cầu các đơn vị tiết kiệm 10% chi phí định mức, cao hơn yêu cầu mà Chính phủ đề ra (7,5%); tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại, phấn đấu năng suất lao động tiếp tục tăng 8-10%... Khó khăn, thách thức ở phía trước là rất lớn, nhưng lãnh đạo, CBCNV EVN vẫn quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch năm 2020 và kế hoạch giai đoạn 2016-2020.

PV: Xin cảm ơn ông!


  • 01/06/2020 10:37
  • Theo TCĐL chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 5572