Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao vai trò của các bộ, ngành, địa phương, trong đó có ngành Điện trong công tác phòng chống thiên tai năm 2017
|
Hội nghị còn có sự tham gia của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng; Bộ Trưởng Bộ NN&PTNT, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT Nguyễn Xuân Cường cùng lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế,…
Về phía EVN, có sự tham dự của ông Đặng Hoàng An - Tổng Giám đốc Tập đoàn.
Đánh giá công tác phòng chống thiên tai năm 2017, Thủ tướng ghi nhận công tác chỉ đạo, điều hành đã có nhiều tiến bộ, sâu sát; tinh thần "4 tại chỗ" được phát huy kịp thời, đúng lúc, đúng chỗ; công tác truyền thông kịp thời; hoạt động cứu trợ được triển khai khẩn trương...
Trong đó, Thủ tướng biểu dương Điện lực các địa phương đã vào cuộc rất quyết liệt, cấp điện kịp thời cho các máy bơm vận hành cứu lúa sau bão.
“Chúng ta đã có nỗ lực, nhưng thiệt hại do thiên tai gây ra trong năm 2017 vẫn còn rất lớn, hơn 60.000 tỷ đồng” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng; việc phân tích, dự báo, quan trắc còn kém; nhiều địa phương còn chủ quan gây ra thiệt hại lớn về người và tài sản; chưa ứng dụng hiệu quả khoa học công nghệ trong PCTT,… là những vấn đề còn tồn tại trong công tác này - Thủ tướng chỉ rõ.
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, cần phải xem PCTT là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, toàn dân, toàn xã hội, với phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm. PCTT theo hướng quản lý rủi ro; phòng là chính; ứng phó, khắc phục kịp thời, với phương châm 4 tại chỗ.
“Phải xây dựng được bộ máy và thể chế trong công tác PCTT tốt hơn nữa: Bộ máy phải tin, gọn; cán bộ phải giỏi, trách nhiệm cao, gắn với quyền lợi của nhân dân; các chính sách, pháp luật về PCTT phải tiếp tục được hoàn thiện; đẩy mạnh ứng dụng KHCN vào công tác ứng phó với thiên tai, đồng thời kế thừa những kinh nghiệm truyền thống. Đặc biệt, công tác truyền thông về PCTT phải được ưu tiên hàng đầu” - Thủ tướng chỉ đạo.
Theo ông Nguyễn Xuân Cường - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT, năm 2017 ghi nhận số lượng kỷ lục với 16 cơn bão và 4 áp thấp nhiệt đới xuất hiện, hoạt động trên biển Đông.
Trong đó, bão số 10, 12 đổ bộ vào khu vực Bắc và Nam Trung bộ; bão số 16 đi qua quần đảo Trường Sa với sức gió trên cấp 11-12, giật cấp 13-15. Lần đầu tiên Việt Nam cảnh báo rủi ro thiên tai cấp độ 4 trong PCTT - ông Nguyễn Xuân Cường cho biết.
Ngoài ra, năm 2017, cũng ghi nhận kỉ lục về nắng nóng tại miền Bắc, khi nhiệt độ lên tới 42 độ C. Trước những diễn biến bất thường, khốc liệt của thiên tai, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, từ Trung ương đến địa phương, thiệt hại về người và tài sản do thiên tai đã được giảm thiểu.
Riêng ngành Điện, sau các đợt mưa bão, các đơn vị điện lực đã huy động mọi nguồn lực để nhanh chóng khôi phục cung cấp điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân; đảm bảo cung cấp điện đối với các phụ tải quan trọng phục vụ điều hành, ứng phó với thiên tai.
Đặc biệt, các hồ thủy điện do EVN quản lý đã chủ động quan trắc khí tượng thủy văn, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các cơ quan có liên quan trong công tác vận hành hồ chứa. Nhiều hồ chứa đã cắt, giảm, làm chậm lũ, góp phần quan trọng vào việc bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhận dân vùng hạ du.
Thiệt hại do thiên tai gây ra trong năm 2017:
- 386 người chết và mất tích, 664 người bị thương;
- 8.166 ngôi nhà bị đổ, trôi; 607.666 ngôi nhà bị ngập, hư hỏng và di dời khẩn cấp;
- 363.890 ha lúa và hoa màu bị ngập, thiệt hại; 169.640 ha cây công nghiệp, cây ăn quả và 143.438 ha rừng bị đổ, gãy…
- 69.757 con gia súc và gần 2 triệu gia cần bị chết, trôi; 60.392 ha nuôi trông thủy sản và 76.490 lồng bè bị mất, thiệt hại;
- Thiệt hại về kinh tế ước tính khoảng 60.000 tỷ đồng.
- Thiệt hại đối với ngành Điện: 3 đường dây 500 kV, 13 đường dây 220 kV, 43 đường dây 110 kV bị sự cố; hơn 18.200 cột điện cao, hạ thế bị độ gãy. Thiệt hại ước tính 488 tỷ đồng.
|
Thùy Lê
Share