Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam: Vai trò điện năng trong xây dựng nông thôn mới

Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã có nhiều đóng góp quan trọng trong công cuộc xây dựng nông thôn mới. Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia Xây dựng nông thôn mới.

Ông Trần Thanh Nam

PV: Ông đánh giá thế nào về vai trò của điện năng trong Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015? 

Thứ trưởng Trần Thanh Nam: Điện là tiêu chí thứ 4 trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM). Tiêu chí này gồm 2 phần: Hệ thống lưới điện hạ áp nông thôn đảm bảo yêu cầu về kỹ thuật và đạt tỷ lệ số hộ dân được sử dụng điện thường xuyên, an toàn. 

Những năm trước, hệ thống lưới điện hạ áp nông thôn trên cả nước được xây dựng chắp vá, thiếu đồng bộ, không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn. Trong quá trình vận hành, lưới điện ở nhiều địa phương đã xuống cấp trầm trọng, chất lượng điện không bảo đảm, điện áp cuối nguồn thấp, tỷ lệ tổn thất điện năng cao. 

Sau hơn 5 năm triển khai Chương trình Xây dựng nông thôn mới, lưới điện hạ áp nông thôn tại các địa phương do ngành Điện quản lý và tổ chức bán điện đã được đầu tư cải tạo, nâng cấp đồng bộ. Phần nhỏ còn lại của lưới điện hạ áp nông thôn do các hợp tác xã dịch vụ điện quản lý. Các đơn vị này đã phối hợp với các công ty điện lực thuộc EVN đầu tư vốn cải tạo, sửa chữa, nâng cao chất lượng lưới điện hạ áp nông thôn và bảo đảm khoảng cách an toàn; phát quang hành lang lưới điện, lắp đặt mới công tơ đo đếm điện năng. Từ đó, chất lượng dịch vụ cung cấp điện ở nông thôn đã có chuyển biến rõ rệt; tạo động lực phát triển sản xuất nông nghiệp, công nghiệp chế biến và các ngành nghề dịch vụ nông nghiệp.

Vì vậy, cần phải ghi nhận rằng, việc đưa điện về nông thôn trong thời gian qua của các đơn vị Điện lực thuộc EVN đã góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo nông thôn, đáp ứng cơ bản nhu cầu sản xuất, sinh hoạt và chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn trong cả nước, thực hiện tốt Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Chương trình xây dựng NTM được triển khai vào thời kỳ kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến việc huy động vốn đầu tư. Ông đánh giá thế nào về vốn đầu tư cho Chương trình nói chung và nguồn vốn do EVN huy động?

5 năm qua, mặc dù kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn và chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, song cả nước vẫn huy động được gần 852.000 tỷ đồng xây dựng NTM.

Riêng đối với EVN, nguồn vốn để thực hiện tiêu chí số 4 được huy động từ vốn khấu hao cơ bản, sửa chữa lớn hàng năm, vốn hỗ trợ từ Ngân sách. Có được sự cam kết của Chính phủ Việt Nam, EVN còn tiếp cận và vay vốn ODA từ các tổ chức tài chính quốc tế như WB, ADB, JIBIC, AFD, KfW… Từ năm 2011 – 2015, các đơn vị của EVN đã huy động, đầu tư khoảng 13.400 tỷ đồng; xây dựng, cải tạo và phát triển lưới điện nông thôn với khối lượng 15.800 trạm biến áp phân phối, 8.900 km đường dây trung thế, 32.400 km đường dây hạ thế…góp phần nâng chất lượng lưới điện hạ áp khu vực nông thôn, đưa điện về nhiều thôn, xã ở các vùng biên giới, hải đảo trên cả nước. 

Bên cạnh đó, trong giai đoạn 2011 – 2015, EVN đã tiếp nhận, quản lý vận hành lưới điện nông thôn từ các tổ chức, HTX địa phương tại 1.368 xã với 21.738 km đường dây hạ áp; tổ chức đào tạo tại chỗ và bổ sung CBCNV chuyên nghiệp xuống các xã hỗ trợ chuyển đổi mô hình quản lý điện nông thôn, góp phần giảm tổn thất điện năng. Đến cuối năm 2015, EVN và các đơn vị đã bán điện trực tiếp đến 99,57% số huyện, 86,68% số xã với 88,67% số hộ dân nông thôn.

Điện là tiêu chí số 4 trong xây dựng nông thôn mới

Trong 19 tiêu chí xây dựng NTM, có khi nào tiêu chí về điện lại hoàn thành chậm hoặc sau các tiêu chí khác không, thưa ông?

Trong các tiêu chí thuộc kết cấu hạ tầng “Điện, đường, trường, trạm”, tiêu chí về điện luôn được các địa phương ưu tiên hàng đầu, và ngành Điện cũng luôn đi trước một bước, hoàn thành đầu tiên so với các tiêu chí khác. Đến cuối năm 2015, các đơn vị Điện lực đã phối hợp cùng các địa phương hoàn thành tiêu chí số 4 về điện tại 6.165/8.990 xã, chiếm 68,6% số xã ở nông thôn có điện lưới quốc gia trên cả nước. 

Khi có sự đầu tư của ngành Điện, hệ thống lưới điện hạ áp nông thôn được đổi mới toàn diện, người dân được sử dụng điện an toàn, ổn định. Đồng thời, EVN cũng thường xuyên tuyên truyền, phổ biến kiến thức về sử dụng điện an toàn trong nhân dân. Ban Chỉ đạo Xây dựng  NTM đặc biệt ghi nhận sự nỗ lực của EVN trong việc thực hiện Chương trình này.

Theo ông, để đảm bảo tiêu chí về điện trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020, ngành Điện cần phải làm gì?

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, mục tiêu đến năm 2020, 100% số xã và hầu hết số hộ dân nông thôn trên cả nước được sử dụng điện; số xã đạt tiêu chí số 4 đạt tỷ lệ 95%. 

Để đạt được mục tiêu trên, EVN cần có kế hoạch, giải pháp cụ thể, đầu tư cải tạo, nâng cấp lưới điện hạ áp nông thôn hiện có; đầu tư mở rộng đưa điện về những vùng nông thôn chưa có điện. Tiếp tục thực hiện tốt các dự án điện nông thôn đã triển khai; tìm nguồn đầu tư các dự án điện nông thôn mới.

Đặc biệt, EVN cần tranh thủ các nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi theo kế hoạch nhà nước hàng năm và vốn tài trợ quốc tế theo các Hiệp định; vốn ngân sách từ trung ương và địa phương; vốn của các đơn vị kinh doanh hạ tầng, dịch vụ, các khách hàng lớn; các nguồn vốn hợp pháp khác và nguồn vốn đóng góp của nhân dân. 

Thực tế cho thấy, ở những nơi mà lãnh đạo địa phương chỉ đạo sát sao với các chương trình hành động cụ thể, giải pháp khả thi, xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc thì việc xây dựng nông thôn mới đạt được kết quả khả quan. 

Chương trình xây dựng nông thôn mới là chương trình vì mục đích của cộng đồng ở nông thôn. Vì vậy, EVN cần phải phối hợp chặt chẽ với các địa phương nhất là những địa bàn vùng sâu, vùng xa, triển khai đồng bộ các giải pháp, góp phần hoàn  thành tiêu chí số 4 về điện trong xây dựng nông thôn mới. 

Xin cảm ơn Thứ trưởng! 

Kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015 của EVN:

- Tổng vốn đầu tư: Hơn 13.400 tỷ đồng.
- Xây dựng, cải tạo và nâng cấp: 15.800 TBA phân phối, 8.900 km đường dây trung thế, 32.400 km đường dây hạ áp nông thôn.
- Tiếp nhận, quản lý vận hành lưới điện nông thôn từ các hợp tác xã, tổ quản lý điện: 1.368 xã với 21.738 km đường dây hạ áp.
* Cấp điện cho:
+ Hơn 116.000 hộ dân ở 5 tỉnh Tây Nguyên.
+ 91.591 hộ dân khu vực Tây Nam bộ (các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang).
+ 52.725 hộ dân khu vực Tây Bắc (Điện Biên, Lai Châu, Sơn La).
- Đưa điện, tiếp nhận, quản lý bán điện trực tiếp tại: 9/12 huyện đảo. Mỗi năm bù lỗ hàng trăm tỷ đồng cho các huyện đảo sử dụng nguồn điện Diesel tại chỗ.
- Tính đến cuối năm 2015: 
+ 99,8% số xã và 98,76% số hộ dân nông thôn được sử dụng điện;
+ 6.165 xã hoàn thành tiêu chí điện trong xây dựng nông thôn mới (tăng 2.653 xã so với năm 2011), chiếm 68,6% số xã trong cả nước;
- Mục tiêu đến năm 2020: 100% số xã và 99,5% số hộ dân nông thôn có điện, trong đó 95% số xã đạt tiêu chí số 4. 

Nguồn: Báo cáo Sơ kết phong trào thi đua "Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới" giai đoạn 2011-2015 của EVN.

 


  • 08/06/2016 02:34
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 7522