Thông tin - truyền thông về điện hạt nhân: Quan trọng nhất tại nơi đặt nhà máy

Hoạt động này một lần nữa tiếp tục được các chuyên gia trong và ngoài nước nhấn mạnh tại Hội thảo thông tin - truyền thông về điện hạt nhân diễn ra tại Ninh Thuận (tháng 11/2015). Đồng thời, đối với một quốc gia bắt đầu phát triển điện hạt nhân như Việt Nam thì công tác tuyên truyền càng cần phải đi trước một bước và duy trì thường xuyên, đều đặn hơn.

Theo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), thông tin - tuyên truyền là 1 trong 19 vấn đề phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân và công tác tuyên truyền phải thường xuyên, liên tục trong thời gian chuẩn bị xây dựng, xây dựng, vận hành và kể cả khi dừng vận hành Nhà máy điện hạt nhân (NMĐHN). Kinh nghiệm quốc tế cũng chỉ ra rằng, sự ủng hộ tại nơi đặt nhà máy điện hạt nhân đóng vai trò then chốt trong sự thành công của dự án. Xác định vai trò quan trọng của hoạt động này, ngày 28/2/2013 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 370/QĐ-TTg phê duyệt Đề án thông tin, tuyên truyền về phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam đến năm 2020. 
 
Ông Lê Kim Hùng - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Thuận cho biết, là tỉnh đặt dự án nhà máy điện hạt nhân đầu tiên trên cả nước, tỉnh Ninh Thuận đã xây dựng kế hoạch hành động cụ thể, phối hợp với các sở, ban ngành và cơ quan liên quan tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức để người dân vùng dự án hiểu về điện hạt nhân; vận động nhân dân đồng thuận thực hiện việc di dân, tái định cư đến chỗ ở mới, bàn giao mặt bằng để thực hiện xây dựng 2 Nhà máy ĐHN Ninh Thuận. 
 

Các chuyên gia quốc tế tham quan, tìm hiểu tại địa điểm xây dựng Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1
 - Ảnh: PT
 
Chủ đầu tư là Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Ban Quản lý Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền tại vùng dự án, như chương trình ngoại khóa tìm hiểu về năng lượng và năng lượng nguyên tử cho học sinh khối 12, tổ chức các buổi tham quan, tìm hiểu về điện hạt nhân cho các tổ chức chính trị, đoàn thể và người dân địa phương tại phòng trưng bày điện hạt nhân (đặt tại trụ sở Ban QLDA ĐHN Ninh Thuận) hay Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt… “Đến nay, một bộ phận người dân Ninh Thuận đã đồng tình với dự án điện hạt nhân” – ông Lê Kim Hùng khẳng định. 
 
Tuy nhiên, cần phải thẳng thắn thừa nhận các hoạt động tuyên tuyền còn rời rạc, chưa đồng bộ, chưa mang tính đại chúng và có sức lan rỏa rộng. Phân tích nguyên nhân, ông Lê Kim Hùng chỉ ra rằng, do tiến độ xây dựng Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận có sự điều chỉnh và hiện tại vẫn chưa xác định được thời điểm khởi công xây dựng, nên ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý người dân tại vùng dự án và gây khó khăn nhất định đến công tác thông tin tuyên truyền cho người dân.
 
Vì vậy, ông Hùng kiến nghị UBND tỉnh Ninh Thuận đề xuất Chính phủ, các bộ ngành liên quan sớm xác định mốc thời gian xây dựng Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận cụ thể, làm cơ sở cho Ninh Thuận định hướng tuyên truyền và triển khai đồng bộ xây dựng: Kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân; Hệ thống quan trắc phóng xạ môi trường và Năng lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử. Đồng thời, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sớm triển khai xây dựng một Trung tâm quan hệ công chúng về điện hạt nhân tại tỉnh Ninh Thuận để tổ chức thực hiện chuyên trách về thông tin, tuyên truyền cho mọi tầng lớp dân cư, các thành phần xã hội của tỉnh trước, trong và sau khi triển khai thực hiện Dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận. Góp phần định hướng đúng đắn dư luận xã hội, tạo dựng và củng cố lòng tin của công chúng đối với dự án đặc biệt quan trọng này. 
 
Dự án nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1:
 
- Thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận;
- Gồm 4 tổ máy, công suất từ 1.000 - 1.200 MW/tổ;
- Dự án đang được thẩm định hồ sơ FS và SAD (hồ sơ phê duyệt địa điểm và dự án đầu tư); thu xếp cơ chế tài chính và phương án thu xếp vốn.
Dự án nhà máy ĐHN Ninh Thuận 2:
- Thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải;
- Gồm 4 tổ máy, công suất từ 1.000 - 1.200 MW/tổ;
- Dự án đã kết thúc khảo sát bổ sung, đang hoàn thiện hồ sơ phê duyệt địa điểm và báo cáo nghiên cứu khả thi.
 
Bà Tiina Tigerstedt – Chuyên gia IAEA: Mỗi dự án điện hạt nhân cần phát triển trong thời gian dài, trung bình khoảng 100 năm. Việc duy trì hoạt động thông tin – truyền thông sẽ tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến việc triển khai dự án, do đó cần cung cấp thông tin cho người dân địa phương bởi việc đồng ý và thấu hiểu của cộng đồng khu vực thi công nhà máy rất quan trọng, quyết định sự thành công của dự án.
 
Một số hoạt động thông tin, truyền thông về điện hạt nhân do Ban Quản lý Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận phối hợp tổ chức và tham gia:
 
- 4 triển lãm quốc tế và 2 triển lãm trong nước;
- 17 đoàn tham quan, kiến tập tại Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt và Trung tâm Ứng dụng hạt nhân trong công nghiệp, tham quan khu dân cư sinh sống và sản xuất quanh khu vực Lò phản ứng với khoảng 700 đại biểu là cán bộ lãnh đạo các cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội… các tầng lớp nhân dân trong Tỉnh và các báo đài Trung ương, địa phương;
- 2 khóa đào tạo tuyên truyền về điện hạt nhân (năm 2009 và 2010) cho khoảng 30 học viên là những người có uy tín, các cán bộ lãnh đạo, đoàn thể, cơ quan báo chí tại địa điểm dự án và Ninh Thuận;
- Tham gia các sự kiện trưng bày, triển lãm, các hội chợ Thương mại – Làng nghề, các hội thi tuyên truyền, chương trình “Tư vấn mùa thi” cho học sinh khối 12 từ năm 2009 đến nay…
- Các hội thảo chuyên đề về điện hạt nhân (phối hợp với các đối tác nước ngoài như Nga, Nhật, Pháp…) cho các cơ quan, đơn vị và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.
 
 


  • 27/11/2015 02:41
  • Theo Tạp chí Điện lực chuyên đề Thế giới điện
  • 5561


Gửi nhận xét