Tập đoàn Điện lực Việt Nam đổi mới sáng tạo, tối ưu chi phí

Hội đồng Thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa thông qua Nghị quyết số 632/NQ-HĐTV, trong đó, xác định chuyển đổi số trong EVN là chủ đề năm 2021. Mục tiêu đặt ra là tích hợp công nghệ số và mô hình quản trị phù hợp với quá trình ứng dụng công nghệ kỹ thuật số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn, nhằm tăng hiệu quả hoạt động, đổi mới sáng tạo, tối ưu hóa chi phí, nâng cao trải nghiệm và mức độ hài lòng của khách hàng.

Nghị quyết đề ra mục tiêu, phấn đấu đến hết năm 2022, EVN cơ bản chuyển đổi thành doanh nghiệp hoạt động theo mô hình doanh nghiệp số. Đồng thời, nhận diện, lựa chọn và phát triển các trọng tâm chuyển đổi số như số hóa dữ liệu với mục tiêu “một hạ tầng, một cơ sở dữ liệu”, số hóa khách hàng, số hóa quy trình nghiệp vụ, tiếp tục lộ trình ứng dụng khoa học công nghệ trong các hoạt động của Tập đoàn, tận dụng thành tựu nghiên cứu Cách mạng Công nghiệp 4.0... Các Ban/đơn vị trong Tập đoàn sẽ xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai Chủ đề năm 2021 theo đúng định hướng, trình Hội đồng Thành viên EVN xem xét trước ngày 20.12.2020.

Thực tế cho thấy, những năm qua, EVN đã ứng dụng mạnh mẽ, đồng bộ hệ thống công nghệ thông tin, phục vụ hiệu quả công tác quản lý cũng như trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn. Nhờ đó, mang tới nhiều lợi ích cho khách hàng sử dụng điện và góp phần xây dựng nền kinh tế số.

Cụ thể, trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, đến giữa tháng 10.2020, có khoảng 1.900 loại thủ tục trực tuyến được phục vụ với tổng số 493.000 bộ hồ sơ dịch vụ trực tuyến được thực hiện qua Cổng. Đáng chú ý, có khoảng 90% trong tổng số hồ sơ là các yêu cầu về dịch vụ điện. Con số này phản ánh nhu cầu thực tế về dịch vụ điện trực tuyến của khách hàng, thể hiện sự phổ cập trên phạm vi cả nước của EVN đang được khách hàng đón nhận và đánh giá cao. Cùng với đó, thông qua các website chăm sóc khách hàng ngành điện, ngay cả khi đang lướt Facebook, dùng Zalo, khách hàng cũng có thể yêu cầu dịch vụ điện, tra cứu, thanh toán tiền điện...

Phấn đấu đến hết năm 2022, EVN cơ bản chuyển đổi thành doanh nghiệp hoạt động theo mô hình doanh nghiệp số

Theo Trưởng ban Kinh doanh EVN Nguyễn Quốc Dũng, giai đoạn 2013 - 2020 đã đánh dấu sự chuyển biến mạnh mẽ trong lĩnh vực dịch vụ khách hàng trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số toàn diện trong chuỗi kinh doanh và dịch vụ khách hàng, từ cấp điện mới, ghi chỉ số, lập hóa đơn, thu và theo dõi nợ tiền điện, đến chăm sóc khách hàng.

Nếu như trong năm 2013, EVN chỉ có 8,17% công tơ điện tử, thì đến nay tỷ lệ này đã đạt khoảng 55%. Tại Hà Nội hay nhiều tỉnh miền Trung, khách hàng thậm chí có thể truy cập website, ứng dụng (App) chăm sóc khách hàng để theo dõi mức tiêu thụ điện của mình theo từng ngày. Các phương thức thanh toán cũng ngày càng thuận tiện, thực hiện mọi lúc, mọi nơi. Các điểm thu tiền điện của điện lực hiện chỉ còn phục vụ thanh toán tiền điện của khoảng 4% số lượng khách hàng; còn lại đa số khách hàng đã sử dụng các kênh thanh toán qua ngân hàng, tổ chức trung gian…

Việc triển khai chuyển đổi số mạnh mẽ và đúng hướng đã tạo sức bật cho EVN, tối đa tiện ích dịch vụ cho người sử dụng điện. Đặc biệt, chất lượng dịch vụ điện cũng được ghi nhận qua những đánh giá tích cực từ các tổ chức quốc tế. Năm 2019, chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam được tổ chức Doing Business - Ngân hàng Thế giới xếp hạng thứ 27/190 quốc gia, nền kinh tế trên thế giới và lọt Top 4 ASEAN.

Hay mới đây, 9 cơ quan, đơn vị thuộc EVN được vinh danh Doanh nghiệp chuyển đổi số xuất sắc tại Lễ trao giải thưởng “Chuyển đổi số Việt Nam - Vietnam Digital Awards 2020”. Cùng với EVN, các đơn vị là Tổng Công ty Phát điện 1, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, Tổng Công ty Điện lực miền Nam, Công ty Điện lực Vĩnh Long, Điện lực Phú Quý - Công ty Điện lực Bình Thuận, Tổng Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh, Tổng Công ty Điện lực miền Trung, Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng cũng được vinh danh Doanh nghiệp chuyển đổi số xuất sắc. Các giải pháp ứng dụng tiêu biểu về chuyển đổi số của EVN đã tham gia dự thi và được vinh danh là bộ sản phẩm “Phần mềm Quản lý kinh doanh điện (CMIS), phần mềm Quản lý kỹ thuật nguồn và lưới điện (PMIS), phần mềm Quản lý đầu tư xây dựng (IMIS) và phần mềm Quản lý văn phòng (E-Office)”. Ngoài ra còn có những giải pháp ứng dụng khác đến từ các cơ quan, đơn vị của EVN.

EVN đã đưa vào vận hành 63 trung tâm điều khiển xa và thực hiện điều khiển xa cho 850 trạm biến áp 220kV và 110kV không người trực, góp phần tăng hiệu quả trong công tác điều hành, vận hành hệ thống điện quốc gia, nâng cao năng suất lao động.

Link gốc


  • 07/12/2020 03:57
  • Theo daibieunhandan.vn
  • 3476