Tạm dừng thị trường phát điện cạnh tranh: Không ảnh hưởng đến việc cung cấp điện

Ngày 26/9/2017, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 3698/QĐ-BCT về việc ngừng hoạt động tạm thời thị trường phát điện cạnh tranh từ ngày 1/10/2017. Để  làm rõ hơn vấn đề này, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (ĐTĐL - Bộ Công Thương).

Ông Nguyễn Anh Tuấn

PV: Ông có thể cho biết những thuận lợi, khó khăn khi vận hành thị trường phát điện cạnh tranh?

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Sau hơn 5 năm vận hành, đến nay thị trường phát điện cạnh tranh (VCGM) đã đạt được những thành công cơ bản. Hệ thống điện được vận hành an toàn, tin cậy, cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội, không có sự cố từ việc vận hành thị trường điện. Các thông tin được công bố công khai, rộng rãi, đầy đủ, góp phần nâng cao tính minh bạch, công bằng trong việc huy động nguồn điện. Đơn vị phát điện đã chủ động hơn trong công tác chào giá, vận hành, rút ngắn thời gian sửa chữa, bảo dưỡng, cắt giảm chi phí vận hành... góp phần nâng cao hiệu quả chung của toàn hệ thống.

Tuy nhiên, việc vận hành VCGM cũng gặp một số khó khăn. Trước hết, tỷ lệ các nhà máy trực tiếp tham gia thị trường điện tăng nhanh. Tuy nhiên, thị phần nhà máy điện gián tiếp tham gia thị trường điện vẫn còn cao, chiếm khoảng 51% tổng công suất lắp đặt và không tham gia xác định giá thị trường. Do vậy, giá thị trường chưa phản ánh chính xác chi phí biên của toàn hệ thống điện. Thứ hai, mặc dù có nhiều cố gắng nhưng hạ tầng công nghệ thông tin hiện nay mới ở mức đáp ứng yêu cầu cơ bản. Hệ thống SCADA chưa đầy đủ gây khó khăn trong công tác điều độ, giám sát vận hành thị trường điện. Thứ ba, việc chào giá, lập lịch huy động các tổ máy thủy điện theo giá chào cạnh tranh trong khi vẫn phải đảm bảo yêu cầu trong quy trình điều tiết liên hồ. Điều này đòi hỏi phải có cơ chế chào giá linh hoạt hơn, sát với thời gian vận hành.

Những tồn tại, bất cập nêu trên đã đặt ra yêu cầu phải có các giải pháp, quy định phù hợp để xử lý trong thời gian tới. Cụ thể, để tăng thêm các nhà máy tham gia thị trường điện, Cục ĐTĐL đã thường xuyên chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (NLDC) tích cực đôn đốc, kiểm tra các đơn vị phát điện mới chuẩn bị các điều kiện để tham gia thị trường; đồng thời, nghiên cứu cơ chế đưa các nhà máy thủy điện chiến lược đa mục tiêu (hiện đang hạch toán phụ thuộc EVN) tham gia thị trường điện. Bên cạnh đó, tiếp tục đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ vận hành hệ thống điện và thị trường điện như hệ thống công nghệ thông tin, kết nối các trạm biến áp vào hệ thống SCADA, phục vụ công tác giám sát, vận hành theo kế hoạch.

Về việc vận hành nhà máy thủy điện: Các đơn vị cần bám sát tình hình thủy văn, yêu cầu cung cấp nước cho hạ du và ràng buộc trong quy trình vận hành liên hồ chứa để lập lịch huy động. Đồng thời, xem xét xây dựng cơ chế để các nhà máy thủy điện được phép cập nhật lại bản chào giá trong ngày vận hành, kịp thời xử lý biến động bất thường về thủy văn

PV: Đâu là lý do phải tạm dừng thị trường phát điện cạnh tranh, thưa ông?

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Ngày 26/9/2017, Bộ Công Thương đã yêu cầu tạm dừng vận hành VCGM do phát sinh các yếu tố khách quan làm ảnh hưởng đến hiệu quả vận hành trong các tháng cuối năm 2017. Nguyên nhân của việc tạm ngừng xuất phát từ cả phía cung và phía cầu.

Về phía cầu, 8 tháng đầu năm 2017, phụ tải điện chỉ tăng trưởng khoảng 8,5%, thấp hơn so với kế hoạch được lập đầu năm đến 3%. Nguyên nhân chủ yếu do thời tiết năm nay có nhiều diễn biến bất thường. Mùa khô ở miền Nam rất ngắn và không có các đợt nắng nóng dài ngày dẫn đến mức tăng trưởng điện cho sinh hoạt tăng thấp (chỉ khoảng hơn 3%).

Về phía cung, các nhà máy thủy điện đều đã được huy động tối đa do lưu lượng nước về hồ khá cao, thậm chí, nhiều hồ phải xả nước để đảm bảo an toàn đập, nhất là giai đoạn từ tháng 7 đến tháng 10. Theo số liệu thống kê, đã có 21 nhà máy phải xả nước trong tháng 7; 55 nhà máy trong tháng 8; 54 nhà máy trong tháng 9 và đầu tháng 10 đã có 54 nhà máy thủy điện phải xả nước. Với việc ưu tiên phát điện cho các hồ thủy điện phục vụ công tác điều tiết nước, góp phần phòng, chống lũ, đảm bảo an toàn cho hạ du và công trình nên cần thiết phải có sự can thiệp thường xuyên, liên tục vào công tác vận hành của nhà máy thủy điện.

Trong bối cảnh cung và cầu nêu trên, kết hợp với việc phải khai thác thêm các nguồn điện chạy khí nhằm khai thác hết sản lượng khí bao tiêu và hạn chế quá tải trên đường dây 500 kV nên Bộ Công Thương đã quyết định tạm dừng vận hành VCGM.

PV: Xin ông cho biết, khi dừng thị trường phát điện cạnh tranh, việc điều độ huy động các nhà máy điện sẽ được thực hiện như thế nào?

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Thông tư 30/2014/TT-BCT của Bộ Công Thương đã quy định rõ về các trường hợp được phép can thiệp, tạm dừng vận hành thị trường điện; nguyên tắc vận hành huy động các nhà máy điện trong giai đoạn tạm dừng; cũng như việc khôi phục vận hành VCGM sau khi đã xử lý khắc phục được các nguyên nhân.

Trong giai đoạn tạm ngừng lần này, việc huy động các nhà máy điện vẫn được thực hiện theo nguyên tắc điều độ kinh tế, ưu tiên huy động nhà máy thủy điện đang xả nước hoặc có nguy cơ xả nước; khai thác tối đa nguồn nhiệt điện khí, còn lại, ưu tiên huy động nhà máy nhiệt điện than theo giá hợp đồng từ thấp đến cao, có xét đến yếu tố ràng buộc kỹ thuật của thiết bị và hệ thống điện. Có thể khẳng định rằng, việc tạm dừng không ảnh hưởng đến việc cung cấp điện cho mọi hoạt động của nền kinh tế - xã hội.

PV: Việc tạm dừng có ảnh hưởng gì đến triển khai lộ trình phát triển thị trường điện tại Việt Nam hay không?

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Quyết định 63/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã quy định rõ về các cấp độ hình thành và các điều kiện tiên quyết để xây dựng và phát triển thị trường điện lực tại Việt Nam. Theo Quyết định này, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương ban hành các quy định vận hành thị trường điện, cũng như giám sát, đánh giá việc thực hiện và phát triển thị trường điện.

Bộ Công Thương đã, đang và sẽ tiếp tục thực hiện xây dựng và phát triển thị trường điện cạnh tranh theo các cấp độ (phát điện, bán buôn điện và bán lẻ điện) theo đúng lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

VCGM đã và đang tạo ra một môi trường cạnh tranh tích cực cho các nhà máy điện trong công tác tối ưu vận hành kinh tế dựa trên bảng chào giá của các đơn vị phát điện. Tuy nhiên, vận hành thị trường điện cũng phải đáp ứng yêu cầu không ảnh hưởng đến quá trình cung cấp điện an toàn, liên tục và tin cậy cho khách hàng, cũng như việc thực hiện các mục tiêu an sinh, xã hội khác (phòng và chống lũ, đảm bảo nước tưới tiêu…). Trong một số trường hợp khẩn cấp, để ưu tiên cho an ninh cung cấp điện, cũng như các mục tiêu an sinh – xã hội, việc can thiệp vào thị trường điện là không thể tránh khỏi. Do đó, tạm dừng VCGM chỉ là giải pháp tạm thời do các nguyên nhân khách quan phát sinh trong quá trình vận hành.

PV: Thưa ông, khi nào Bộ Công Thương dự kiến cho vận hành lại VCGM?

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Dự kiến VCGM sẽ vận hành trở lại từ ngày 1/1/2018 hoặc có thể sớm hơn trong năm 2017, ngay khi khắc phục được những nguyên nhân đã nêu ở trên. Bộ Công Thương đã chỉ đạo EVN, NLDC, các đơn vị phát điện và các đơn vị liên quan bám sát tình hình thủy văn các nhà máy thủy điện, nhu cầu phụ tải, công suất truyền tải trên đường dây 500kV Bắc - Nam, tình hình huy động các nhà máy tua bin khí... để có quyết định kịp thời khôi phục VCGM sớm nhất có thể.

PV: Xin cảm ơn ông!


  • 23/10/2017 08:40
  • Theo Báo Công Thương
  • 11493