“Sức mạnh mềm” kiến tạo thành công và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp

“Sức mạnh mềm” của doanh nghiệp (DN) là sự tổng hợp 3 yếu tố chính gồm VHDN, thương hiệu và thực hiện trách nhiệm xã hội của DN. Trong đó, VHDN vừa là yếu tố trung tâm tạo năng lực nội sinh vừa là nền tảng giá trị và định hướng chiến lược “sức mạnh mềm” của DN.

“Sức mạnh mềm” của DN – mối quan hệ biện chứng với “quyền lực cứng”

“Sức mạnh mềm” hay “Quyền lực mềm” (soft power) là một khái niệm do GS người Mỹ Joseph Samuel Nye, Jr. ở đại học Harvard (Mỹ) đưa ra lần đầu tiên trong một cuốn sách xuất bản năm 1990. Theo ông, “Quyền lực mềm” là dùng khả năng giành được những thứ mình muốn thông qua việc gây ảnh hưởng để khiến người khác làm theo thông qua sự hấp dẫn và thuyết phục mà không cần sự cưỡng bức, ép buộc. Đối với một quốc gia, “quyền lực mềm” được tạo dựng trên 3 yếu tố: văn hóa quốc gia, giá trị quốc gia và chính sách của quốc gia đó.

Hiện nay, khái niệm “sức mạnh mềm” đã được được mở rộng, ứng dụng trong lĩnh vực kinh tế vĩ mô và quản trị kinh doanh của doanh nghiệp, với các nội hàm và nội dung cơ bản:

(1) Chỉ sức mạnh và tầm ảnh hưởng của văn hoá doanh nghiệp  trong đối nội - đối ngoại và ứng xử với xã hội; thường được đánh giá theo các tiêu chí và mức độ VHDN mạnh và đẹp (chân - thiện – mỹ).

(2) “Sức mạnh mềm” thể hiện giá trị của DN xây dựng và phát triển thông qua sức mạnh và giá trị của danh tiếng, chất lượng và uy tín của hàng hoá và dịch vụ, cốt lõi của thương hiệu trong một thời gian nhất định, nó được đánh giá định lượng giá trị thương hiệu hàng năm bằng các tổ chức quốc tế có uy tín.

(3) Nó được đánh giá bằng kết quả, hiệu quả kinh tế - xã hội – văn hoá của DN thông qua các hoạt động của nó như năng lực cạnh tranh, doanh thu, mức độ hội nhập, chinh phục thị trường quốc tế dựa trên và chủ yếu bằng văn hoá, đạo đức kinh doanh và thực hiện trách nhiệm xã hội (CSR) của DN.

Ảnh minh họa

Mối quan hệ biện chứng giữa “sức mạnh mềm” và “quyền lực cứng”

“Quyền lực cứng” là sức mạnh có tính chất bắt buộc, áp đặt, cưỡng bức (như thể chế quản trị, pháp luật, sức mạnh và chính sách kinh tế, chính trị, quân sự, trật tự kỷ cương, kỷ luật của tổ chức…). Giữa “quyền lực cứng” và “sức mạnh mềm” có môí quan hệ biện chứng, tác động tương hỗ với nhau, tổng hợp lại thành sức mạnh của hệ thống của quốc gia, doanh nghiệp… “Quyền lực cứng” là cơ sở, nền tảng vật chất cho “sức mạnh mềm”, ngược lại “sức mạnh mềm” là nền tảng, sức mạnh tinh thần, tầm ảnh hưởng và sự phát triển bền vững của tổ chức, thể chế, thương hiệu…

Giải pháp nâng cao “sức mạnh mềm” của DN Việt Nam hiện nay

Một là, quyết tâm và kiên trì xây dựng và thực hành nền VHDN mạnh và đẹp, kiến tạo hệ giá trị, nền tảng tinh thần, năng lực nội sinh và sứ mệnh, tầm nhìn, chiến lược phát triển bền vững của DN.

Hai là, xây dựng, phát triển thương hiệu và sức mạnh của DN cần có sự gắn bó chặt chẽ và quan hệ biện chứng với nhau. Cần coi trọng công việc quản trị chất lượng và sự kiểm chứng, đánh giá thường niên bằng các tổ chức độc lập uy tín cao ở trong và ngoài nước.

Ba là, chủ thể của “sức mạnh mềm” và sức mạnh tổng hợp của DN là nguồn nhân lực mạnh, trước hết là ban lãnh đạo cấp cao nhất, vì vậy chiến lược phát triển nguồn nhân lực cần hướng tới mục tiêu xây dựng, phát triển con người kinh doanh và ứng xử mềm dẻo, có đạo đức, văn hoá và có trách nhiệm cao đối với khách hàng, cộng đồng và xã hội.

Bốn là, người đứng đầu các cấp, các đơn vị trong DN cần gương mẫu, kiên trì thuyết phục, truyền cảm hứng cho nhân viên và cấp dưới thông qua đào tạo, truyền thông và quản trị, thực hành công việc hàng ngày. Các nhà lãnh đạo, quản trị DN cần có hiểu biết đầy đủ về “sức mạnh mềm” của bản thân và DN, rèn luyện, phát huy tinh thần và tác phong dân chủ, không lạm dụng “quyền lực cứng”, sự cưỡng chế đối với cấp dưới để đạt được mục tiêu của DN hay của mình.

Năm là, nâng cao, phát triển sức mạnh mềm cần chú trọng hai nhân tố cơ bản cấu thành là công nghệ tiên tiến - chuyển đổi số và mở rộng quan hệ hợp tác, kinh doanh quốc tế. Đây là hai đòn bẩy, nguồn lực để phát triển thương hiệu của các DN Việt Nam vươn tới tầm khu vực và toàn cầu.                                                                                                                                                                                                       


  • 20/02/2024 04:53
  • PGS, TS. Đỗ Minh Cương
  • 2177