Số xã đạt tiêu chí về điện nông thôn liên tục tăng

Mặc dù còn nhiều khó khăn trong công cuộc xây dựng nông thôn mới (NTM), nhưng số xã đạt tiêu chí về điện nông thôn trên cả nước đang không ngừng tăng lên. Thành quả này có sự đóng góp không nhỏ của các đơn vị thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Hơn 6.700 xã đạt tiêu chí điện nông thôn

Theo Bộ Công Thương, tính đến tháng 6/2017, cả nước có 6.766 xã đạt tiêu chí số 4 (về điện nông thôn) trong xây dựng NTM, chiếm 75,75% số xã trên cả nước, tăng hơn 3.200 xã so với năm 2011. Trong đó, 11 tỉnh, thành phố có 100% số xã đạt tiêu chí số 4. 

Ông Trần Ngọc Quế - Trưởng phòng Kinh doanh điện năng, Công ty Điện lực Bắc Ninh (PC Bắc Ninh) cho biết, năm 2015, 100% xã trên toàn tỉnh Bắc Ninh đã đạt tiêu chí số 4 về điện nông thôn. “Để có được thành quả này, PC Bắc Ninh đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong tỉnh, đánh giá thực trạng lưới điện, từ đó, xây dựng và triển khai kế hoạch đầu tư, cải tạo hợp lý, đúng tiến độ từng năm. Công ty cũng huy động mọi nguồn lực, tranh thủ các nguồn vốn; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, tạo sự đồng thuận của người dân trong khâu giải phóng mặt bằng, xây dựng lưới điện chuẩn”, ông Quế cho biết. 

Với các xã đã đạt tiêu chí số 4, hàng năm, PC Bắc Ninh vẫn tiến hành rà soát, kiểm tra, có biện pháp sửa chữa, cải tạo, nâng cấp bổ sung, kịp thời đáp ứng nhu cầu phát triển phụ tải, bảo đảm cấp điện an toàn, ổn định. Không chỉ PC Bắc Ninh, những năm qua, các đơn vị trực thuộc EVN cũng đã phối hợp chặt chẽ với kế hoạch xây dựng NTM các địa phương, từ đó, có kế hoạch đầu tư cải tạo nâng cấp và xây dựng lưới điện phù hợp, đáp ứng tiêu chí về điện NTM.

Mặc dù còn có khó khăn về tài chính, nhưng EVN và các đơn vị thành viên vẫn cố gắng đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng, phát triển lưới điện nông thôn từ các nguồn khác nhau như, vốn khấu hao cơ bản, chi phí sửa chữa lớn hàng năm, vốn vay thương mại, vốn ODA từ các tổ chức tài chính nước ngoài, vốn hỗ trợ từ ngân sách... Cùng với đó, các công ty điện lực cũng phối hợp với Ban Chỉ đạo Xây dựng NTM các địa phương xây dựng kế hoạch, đề nghị UBND các tỉnh, thành phố ưu tiên bố trí vốn từ nguồn ngân sách địa phương…đầu tư phát triển lưới điện nông thôn.

Những nỗ lực của EVN đã góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, hỗ trợ đắc lực cho công cuộc xây dựng NTM, phục vụ sự nghiệp CNH - HĐH nông nghiệp và nông thôn. 

Ngành Điện đã đầu tư, nâng cấp lưới điện ở nhiều khu vực đạt tiêu chí điện NTM

Còn đó những khó khăn, thử thách 

Mặc dù số xã đạt tiêu chí số 4 về điện nông thôn liên tục tăng, nhưng theo Ban Chỉ đạo Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM của Bộ Công Thương, việc thực hiện tiêu chí số 4 ở nhiều địa phương vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể, theo Quyết định số 4293/QĐ/BCT của Bộ Công Thương ngày 28/10/2016, các điều kiện, tiêu chuẩn về kỹ thuật, an toàn về điện trong xây dựng NTM còn cao so với thực tế. Hiện nay, nhiều xã còn tồn tại các điểm vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp chưa thể khắc phục được.

Hầu hết các hộ nông dân chưa có điện trên cả nước đều tập trung ở vùng sâu, vùng xa, mật độ dân cư thưa thớt, chưa có đường giao thông, nên việc đầu tư xây dựng lưới điện gặp rất nhiều khó khăn, đòi hỏi đầu tư lớn. Trong khi đó, nguồn ngân sách của các địa phương có hạn, chỉ có thể hỗ trợ đầu tư lưới điện trung thế nông thôn. Về lưới điện hạ thế, UBND cấp huyện và người dân được thụ hưởng phải tự nguyện góp vốn. Tuy nhiên, người dân ở những khu vực này còn nhiều khó khăn, chủ yếu làm nông nghiệp và lại là người dân tộc ít người, nguồn vốn huy động không được nhiều.

Về phía ngành Điện, nguồn vốn đầu tư của EVN và các tổng công ty điện lực cũng rất hạn hẹp. Trong khi đó, những năm gần đây, mức tăng trưởng điện liên tục phát triển, EVN phải dành nguồn vốn lớn đầu tư, xây dựng, nâng cấp các nguồn điện, lưới điện, áp đứng nhu cầu ngày càng cao từ các phụ tải… 

Ông Trịnh Phương Trâm - Giám đốc Công ty Điện lực Nghệ An (PC Nghệ An) cho biết, việc thực hiện tiêu chí điện nông thôn được Công ty và chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, Nghệ An có địa bàn rộng, khối lượng lưới điện hạ áp nông thôn tiếp nhận lại lớn, nên Công ty gặp nhiều khó khăn trong việc tìm nguồn vốn đầu tư, xây dựng, nâng cấp và di dời hệ thống lưới điện hạ áp nông thôn.

“Hiện nay, PC Nghệ An đang tận dụng các nguồn vốn và các vật tư, thiết bị cũ đã thu hồi, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng để nâng cấp lưới điện nông thôn. Đồng thời, Công ty phối hợp với chính quyền địa phương huy động các nguồn lực xã hội hóa vào việc nâng cấp lưới điện nông thôn theo tiêu chuẩn”, ông Trâm cho biết.

Bên cạnh nỗ lực huy động vốn, EVN và các đơn vị thành viên cũng đang phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, đẩy mạnh tuyên truyền, xử lý dứt điểm các vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp, đặc biệt là các điểm vi phạm đã kéo dài nhiều năm...

Theo Ban Chỉ đạo Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng NTM của Bộ Công Thương, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền tới người  dân cũng như các cấp, các ngành, thấy rõ trách nhiệm và lợi ích của Chương trình Xây dựng NTM. Đồng thời, biểu dương các tổ chức, cá nhân điển hình, những cách làm hay, mô hình tiên tiến trong việc thực hiện tiêu chí số 4 về điện nông thôn.

Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện tiêu chí số 4 tại một số địa phương, nắm bắt kịp thời thông tin, tổng hợp các kiến nghị, đề xuất, từ đó có hướng dẫn, hoặc nghiên cứu, điều chỉnh bổ sung các quy định cho phù hợp với tình hình thực tiễn từng nơi và báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020. 

Theo Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2020, 100% xã trong cả nước phải đạt tiêu chí số 4 về điện theo Chương trình Xây dựng nông thôn mới.


  • 08/01/2018 03:15
  • Theo TCĐL chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 9475