Số hóa Nhà truyền thống ngành Điện

Cùng với Nhà truyền thống ngành Điện được xây dựng tại trụ sở Tập đoàn Điện lực Việt Nam (số 11 Cửa Bắc, Ba Đình, Hà Nội), trong xu thế của thời đại số, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã xây dựng và đưa vào vận hành Nhà truyền thống điện tử, giúp CBCNV/khách hàng/đối tác chưa có dịp đến trực tiếp có thể tham quan Nhà truyền thống ngành Điện mọi lúc, mọi nơi trên nền tảng số.

Tham quan mọi lúc, mọi nơi

Nhà truyền thống ngành Điện lực Việt Nam chính thức đi vào hoạt động từ năm 2014, là sự kết hợp giữa loại hình bảo tàng lịch sử xã hội và loại hình bảo tàng khoa học kỹ thuật. Đây là nơi bảo tồn và quảng bá các giá trị truyền thống xuyên suốt quá trình lịch sử hình thành và phát triển ngành Điện lực, nhằm giáo dục cho các thế hệ CBCNV ngành Điện ý thức tự hào và phát huy truyền thống vẻ vang, đoàn kết nhất trí, anh dũng kiên cường, cần cù sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành mọi nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước giao phó. Từ khi thành lập đến nay, Nhà truyền thống ngành Điện lực Việt Nam đã trở thành “địa chỉ đỏ” thu hút hàng ngàn lượt khách trong và ngoài ngành tham quan.

Chưa dừng lại ở đó, nhằm lan tỏa hơn nữa giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống của ngành Điện đến với đông đảo CBCNV, đối tác và khách hàng trong thời đại số, năm 2019, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã xây dựng và đưa vào hoạt động Nhà truyền thống điện tử trên nền tảng internet tại địa chỉ https://nhatruyenthong.evn.com.vn. Nhà truyền thống điện tử chạy online trên nền tảng internet, giúp khách tham quan có thể tiếp cận mọi lúc, mọi nơi chỉ với thiết bị có kết nối internet, mà không cần phải đến tận nơi.

Trung tâm Thông tin Điện lực là đơn vị được EVN giao quản lý, vận hành Nhà truyền thống điện tử. Bà Đinh Thị Bảo Ngọc, Giám đốc Trung tâm cho biết, Nhà truyền thống điện tử có thể đem đến cho người xem thông tin đầy đủ, đa chiều về quá trình hình thành, phát triển vẻ vang và những thành tựu to lớn của ngành Điện. Hệ thống trưng bày trên nền tảng internet với nhiều lớp chuyên đề khác nhau cũng giúp khách tham quan có cái nhìn bao quát từ nội dung tổng thể đến các nội dung trưng bày thành phần, đa dạng, tùy thuộc vào sự lựa chọn của người xem…

Đến nay, với gần 700 hình ảnh, hiện vật, video clip đã được số hóa và cập nhật lên website, CBCNV ngành Điện và khách tham quan dễ dàng tiếp cận thông tin về Nhà truyền thống theo nhu cầu khai thác thông tin của mình. Một trong những điểm thú vị của Nhà truyền thống điện tử ngành Điện là trang lưu bút điện tử. Khách tham quan sau khi du ngoạn có thể viết cảm nhận của mình để Nhà truyền thống lưu giữ lại. Đã có khá nhiều dòng lưu bút của các khách tham quan ghi lại trên sổ lưu bút điện tử của Nhà truyền thống.

Bà Tòng Thị Phóng - Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội tham quan Nhà truyền thống ngành Điện (ảnh chụp tháng 1/2019)

Bà Nguyễn Thị Chiến - Nguyên Trưởng ban Nữ công Công đoàn Điện lực Việt Nam chia sẻ: “Đây là một phiên bản truyền thông rất ý nghĩa đối với người lao động, đặc biệt là với những người công nhân trực tiếp ở nơi vùng sâu vùng xa ít có điều kiện thăm quan Nhà truyền thống thực tế”.

Còn anh Bạch Hồng Quân - Công ty Điện lực Bắc Giang để lại dòng lưu bút: “Trang web rất ấn tượng, mô tả xuyên suốt quá trình lịch sử trưởng thành của ngành Điện qua các thời kỳ. Đây cũng sẽ là công cụ để thế hệ trẻ CBCNV của ngành có cơ hội thấu hiểu một cách dễ dàng, nhằm xây dựng văn hóa doanh nghiệp của đơn vị, để phục vụ khách hàng ngày càng tốt hơn”.

Công nghệ nào để “ảo hóa” Nhà truyền thống giai đoạn tới?

Từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, những ứng dụng thông minh như quét mã QR, trưng bày 3D, công nghệ thực tế ảo VR đã và đang được ứng dụng ngày càng nhiều trong việc ảo hóa các bảo tàng, Nhà truyền thống, góp phần quan trọng để phát huy giá trị trưng bày hiện vật rộng rãi, nhanh chóng và hiệu quả hơn đến với công chúng. Cụ thể, các giải pháp bảo tàng ảo 3D cho phép khách tham quan truy cập và khám phá dễ dàng, lựa chọn các đối tượng, chủ đề quan tâm, ưa thích... Công nghệ VR 360 cho phép tích hợp bản đồ hướng dẫn tham quan, đồng thời lập trình các tương tác với hiện vật trong không gian. Nhờ vậy, du khách có thể thoải mái chiêm ngưỡng bất cứ khu vực hay hiện vật nào mình quan tâm mà không bị giới hạn về mặt không gian hay thời gian. Chưa dừng lại ở đó, với công nghệ số, mỗi hiện vật này được đề xuất gắn 1 mã QR Code. Du khách khi tham quan Nhà truyền thống, cảm thấy hứng thú hoặc muốn tìm hiểu một hiện vật bất kỳ, có thể quét mã QR Code đặt cạnh hiện vật. Khi đó, các thông tin cụ thể về hiện vật như tên, hình ảnh, mô tả chung, thuyết minh hiện vật (nếu có). Có thể nói, việc tiếp cận và ứng dụng công nghệ thực tế ảo, công nghệ số để lan tỏa các giá trị truyền thống đã và đang trở thành xu thế trên thế giới.

Đối với ngành Điện Việt Nam, bên cạnh các tài liệu, hiện vật lịch sử được lưu trữ tại Tập đoàn, nhiều tài liệu, hiện vật của các đơn vị thành viên cũng cần được lưu trữ và quảng bá, nên việc xây dựng hệ thống Nhà truyền thống ảo chung của toàn ngành là rất cần thiết. Việc xây dựng được hệ thống bảo quản lưu trữ chung sẽ tạo ra sự nhất quán, thống nhất tránh được việc quản lý riêng lẻ và đặc biệt sẽ thuận tiện cho các vấn đề tìm kiếm và truy vấn dữ liệu. Với các đơn vị thành viên của Tập đoàn, Nhà truyền thống ảo cũng là một giải pháp vừa tiết kiệm, vừa có thể mô phỏng được các không gian mong muốn một cách dễ dàng. Với không gian trên mạng internet, các đơn vị thành viên có thể tùy ý trưng bày các hiện vật hoặc mở rộng các không gian, trưng bày chuyên đề theo nhu cầu mà không gặp bất cứ giới hạn hay cản trở nào.


  • 21/12/2021 09:55
  • Theo Tạp chí Điện lực Chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 10061