Sáng kiến tiết kiệm điện trong nuôi tôm làm lợi tiền tỷ

Sáng kiến “Dàn quạt oxy tiết kiệm điện trong nuôi tôm” của Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) đoạt giải Nhất cuộc thi “Sáng kiến vì cộng đồng” lần thứ 2, đã mang lại lợi ích tiền tỷ cho cho các hộ nuôi tôm, giảm áp lực cung ứng điện. Ông Nguyễn Phước Đức – Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC), thành viên nhóm sáng kiến đã dành thời gian trao đổi sâu hơn với PV TGĐ về nội dung này.

Ông Nguyễn Phước Đức

PV: Thưa ông, xuất phát từ đâu EVNSPC đưa ra sáng kiến “Dàn quạt oxy tiết kiệm điện trong nuôi tôm”?

Ông Nguyễn Phước Đức: Do nhu cầu nuôi tôm của người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong những năm gần đây tăng mạnh, khả năng thiếu điện cung cấp cho các hộ nuôi tôm do việc nuôi tôm tràn lan không theo quy hoạch là khá chắc chắn. Cùng với đó, thiết bị điện tạo oxy phục vụ nuôi tôm hiện có của các hộ dân đã cũ, quá lạc hậu. Chính vì vậy, EVNSPC đã nghiên cứu và tìm kiếm những giải pháp khả thi  tiết kiệm điện hỗ trợ người dân nuôi tôm. Qua khảo sát thực tế chúng tôi thấy, trong lĩnh vực nuôi tôm còn có tiềm năng tiết kiệm điện, cần sớm nghiên cứu tìm ra giải pháp thực thi.

Năm 2016, EVNSPC chính thức được Tập đoàn phê duyệt, cho phép thí điểm Chương trình “Hỗ trợ tiết kiệm điện cho các hộ nuôi tôm vùng Đồng bằng sông Cửu Long và một số tỉnh Nam bộ giai đoạn 2016-2018 và tổ chức thí điểm tại Sóc Trăng. Đây thực sự là bước tiến quan trọng để EVNSPC hoàn thiện sáng kiến với chi phí đầu tư ban đầu thấp, nhưng mang lại lợi ích thiết thực cho các hộ nuôi tôm (sản lượng điện tiết kiệm cao, chi phí tiền điện giảm, dẫn đến giảm chi phí sản xuất và kết quả cuối cùng là tăng lợi nhuận cho các hộ nuôi tôm).

PV: Xin ông cho biết hiệu quả cụ thể của Dự án này?

Ông Nguyễn Phước Đức: Năm 2017, EVNSPC đã thí điểm mô hình này tại 161 hộ dân nuôi tôm tỉnh Sóc Trăng với tổng diện tích 210 ha. Kết quả cho thấy, các hộ nuôi tôm tiết kiệm được trên 1,45 triệu kWh/vụ, tương ứng với số tiền tiết kiệm 2,5 tỷ đồng, đồng thời giảm được 38,7% sản lượng điện tiêu thụ so với sử dụng thiết bị cũ. Tính ra, bình quân mỗi hộ nuôi tôm có thể tiết kiệm được 4% tổng chi phí nuôi tôm. 

Với ngành Điện, việc thực hiện giải pháp tiết kiệm điện này đã làm giảm áp lực  cung cấp điện khi các hộ nuôi tôm thâm canh tự nhận thức và nâng cao được ý thức tiết kiệm điện. Thông qua kết quả này, EVNSPC có thể đánh giá và lượng hóa được hiệu quả tuyên truyền về tiết kiệm điện trong nuôi tôm.

PV: Từ thành công này, EVNSPC có xây dựng lộ trình triển khai, nhân rộng không, thưa ông?

Ông Nguyễn Phước Đức: Sau thí điểm thành công tại tỉnh Sóc Trăng, EVNSPC dự kiến mở rộng đến các hộ nuôi tôm tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và một số tỉnh phía Nam. Cụ thể, năm 2018 EVNSPC sẽ triển khai tuyên truyền, quảng bá giải pháp đến các hộ nuôi tôm tại các tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau (EVNSPC có hỗ trợ một phần kinh phí). Từ năm 2019 trở đi, dự kiến, EVNSPC tuyên truyền, giới thiệu và hướng dẫn áp dụng giải pháp đến các hộ nuôi tôm trên toàn quốc.

Sáng kiến của Tổng công ty đã đoạt được giải Nhất, điều đó càng tạo niềm tin tưởng đối với các hộ nuôi tôm để các hộ dân mạnh dạn đưa mô hình này vào ứng dụng để triển khai nhanh hơn, hiệu quả hơn. 

PV: Xin cảm ơn ông! 

Cuộc thi Sáng kiến vì cộng đồng do Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản, Bộ Khoa học - Công nghệ và Tập đoàn Điện lực Việt Nam phối hợp tổ chức 2 năm/lần.


  • 17/07/2018 09:32
  • Theo TCĐL Chuyên đề Thế giới điện
  • 11627