Phụ nữ EVN: Không ngừng học hỏi và sáng tạo

Nữ CNVCLĐ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) luôn tích cực nắm bắt công nghệ mới, thích ứng với kỷ nguyên số, tăng cường khả năng quản lý, chủ động học hỏi nâng cao kiến thức, kỹ năng...

Hiện nay, toàn Tập đoàn có 20.643 lao động nữ, chiếm tỷ lệ 20,6% tổng số lao động. Dù chiếm tỷ lệ không cao nhưng các chị được bố trí trong tất cả nhóm ngành nghề lao động của EVN.

Tính đến tháng 10/2023, cán bộ nữ làm công tác quản lý từ cấp phòng/ ban/ phân xưởng/ đội đơn vị cấp III trở lên là 1.685 người, chiếm 13,05% tổng số cán bộ lãnh đạo, quản lý; tăng 63 người so với cuối năm 2022. Tập đoàn có 4 tổng công ty đã có nữ ở trong Ban lãnh đạo cấp cao bao gồm: 1 Chủ tịch Hội đồng thành viên (EVNNPC), 2 Thành viên Hội đồng thành viên (EVNHCM, EVNGENCO3), 2 Phó Tổng giám đốc (EVNGENCO3, EVNCPC).

Cơ hội và thách thức luôn song hành với đội ngũ nữ CNVCLĐ Tập đoàn Điện lực Việt Nam trong kỷ nguyên số.

Hiện nay, Tập đoàn và các đơn vị thành viên đang ứng dụng nhiều công nghệ chủ chốt như dữ liệu lớn, kết nối vạn vật, trí tuệ nhân tạo,... vào quản trị doanh nghiệp, quản lý và vận hành hệ thống điện một cách hiệu quả. Đồng hành với xu thế này, EVN cũng hướng đến mục tiêu xây dựng hình ảnh phụ nữ sáng tạo trong cuộc CMCN 4.0.

Điển hình như cuộc thi Phụ nữ EVN sáng tạo được tổ chức hai năm một lần, đã có trên 100 giải pháp, sáng kiến của chị em được công nhận và áp dụng vào sản xuất, kinh doanh tại các đơn vị, góp phần nâng cao hiệu quả, năng suất lao động, khẳng định sự sáng tạo của nữ CNVCLĐ EVN. Nhiều sáng kiến được xây dựng công phu trên nền tảng công nghệ cao, đòi hỏi tác giả phải dày công đầu tư trí tuệ và thời gian để hoàn thiện sản phẩm, góp phần hiện đại hóa công tác quản trị, vận hành hệ thống điện, tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất lao động.

Có thể kể đến giải pháp "Xây dựng hệ thống gửi thông báo tập trung đến khách hàng" của các tác giả Phạm Ngọc Trà My, Lê Thị Phi Hoàng thuộc Tổng công ty Điện lực miền Trung; sáng kiến "Xây dựng chương trình phần mềm tính toán, hỗ trợ công tác cân đảo pha lưới điện 400V giảm tổn thất điện năng, chống quá tải máy biến áp phân phối" của các chị Nguyễn Thị Thu Minh, Nguyễn Thị Hiền Lương, Trịnh Thị Thu Hiền thuộc Tổng công ty Điện lực miền Bắc; phần mềm Quản lý đối tác quốc tế của các chị Bùi Trà Nhã Trúc, Lê Thị Luyến, Lê Trọng Thiên Hương, Lê Mai Phương, Nguyễn Bích Trâm thuộc Tổng công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh,...

Chia sẻ về điều này, chị Lê Thị Phi Hoàng (Tổng công ty Điện lực miền Trung) cho rằng phụ nữ EVN dám đổi mới, dám đối mặt thách thức, luôn suy nghĩ tích cực, sáng tạo, có tinh thần cầu tiến, sẵn sàng học hỏi, dám đề xuất ý kiến, dám thử nghiệm, tận dụng tối đa mọi cơ hội để phát triển bản thân và vượt qua chính mình.

Còn đối với chị Lê Thị Kim Chi, Trạm trưởng Trạm biến áp 220kV Phố Nối, Công ty Truyền tải điện 1, cán bộ nữ nói chung và cán bộ nữ của EVN nói riêng ngoài điều kiện cần là phải có tâm huyết và năng lực thì còn phải chủ động thích ứng và nắm bắt cơ hội mà CMCN 4.0 đưa lại. Chúng ta phải thực sự chủ động, thay đổi nếp tư duy cũ, thay đổi phong cách sống, thay đổi thói quen lạc hậu và không ngừng học hỏi, tự bồi dưỡng, học tập và trải nghiệm, chủ động tiếp thu và ứng dụng một cách sáng tạo, hiệu quả thành tựu của CMCN 4.0 để giải quyết những vấn đề cụ thể của ngành Điện. 

Với góc nhìn của mình, chị Lê Thị Minh Hà, Phó Trưởng ban Tài chính - Kế toán EVN cho rằng phụ nữ EVN giỏi nhất là “khả năng dung hòa”. "Chúng tôi cố gắng dung hòa việc cơ quan với việc gia đình. Người phụ nữ thành công là người phụ nữ có một gia đình hạnh phúc và một sự nghiệp của riêng mình. Không có gia đình hạnh phúc thì khó có sự nghiệp riêng và ngược lại" - Chị Minh Hà chia sẻ.

Theo ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng giám đốc, Trưởng Ban Vì sự tiến bộ Phụ nữ Tập đoàn Điện lực Việt Nam, EVN đã đưa ra mục tiêu tổng quát đến năm 2025 tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới trong các lĩnh vực (tăng tỷ lệ nữ trong các nhóm ngành nghề, đặc biệt là nhóm ngành nghề quản lý); nâng cao năng lực của cả nam và nữ để đáp ứng được yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tiến trình chuyển đổi số. Trong đó, EVN sẽ tập trung vào một số mục tiêu như tăng cường bình đẳng giới trong lãnh đạo quản lý, trong lĩnh vực lao động việc làm, thu nhập; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ; đảm bảo cân bằng cuộc sống và nâng cao đời sống vật chất tinh thần của CBCNV...

Cũng theo ông Võ Quang Lâm, mỗi chị em phụ nữ EVN cũng cần phải tự vượt lên chính mình, gạt bỏ sự tự ti so với nam giới và xóa bỏ tư tưởng tự bằng lòng với bản thân, phấn đấu vươn lên, không ngừng học tập nâng cao trình độ, tạo được sự tin tưởng của lãnh đạo khi giao việc, nếu không sẽ khó đáp ứng được xu thế thời đại.


  • 19/10/2023 04:00
  • Di Linh
  • 6539