Phát triển thủy điện bền vững ở Việt Nam

Việt Nam hiện có 75 công trình thủy điện lớn và khoảng hơn 470 công trình thủy điện vừa và nhỏ có công suất từ 1.000-3.000 MW. Nước ta có 2.360 con sông đây sẽ là điều kiện thuận lợi để phát triển thủy điện, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Nguồn năng lượng sạch

Hiện nay tại Việt Nam, thủy điện đang chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu sản xuất điện, đóng vai trò quan trọng cho an ninh năng lượng quốc gia. Ngoài mục tiêu phát điện, các nhà máy thủy điện còn có nhiệm vụ cắt và chống lũ cho hạ du trong mùa mưa bão, đồng thời cung cấp nước phục vụ sản xuất và nhu cầu dân sinh trong mùa khô.

Theo ông Nguyễn Tài Sơn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần tư vấn xây dựng điện 1, thủy điện là nguồn năng lượng sạch và có khả năng tái tạo, trong khi nguồn năng lượng hóa thạch của chúng ta đang còn rất hạn chế, tương lai phải nhập khẩu than. Tuy nhiên, bên cạnh lợi ích nguồn năng lượng tái tạo không bị giới hạn về thời gian khai thác nhưng lại bị giới hạn về quy mô khai thác. Và để tận dụng nguồn năng lượng sạch đó, nhiều quốc gia tiên tiến trên thế giới đã khai thác triệt để nguồn tài nguyên có khả năng tái tạo này.

Điển hình là Mỹ, quốc gia này đã tận dụng tối đa nguồn tài nguyên nước để phát triển thủy điện, đến khi hầu như không còn dự án mới nào nữa thì mới chuyển sang giai đoạn phục hồi, tận dụng những công trình có khả năng để nâng công suất thủy điện hay nói cách khác là khai thác tối đa nguồn thủy điện.

Mức tiêu thụ năng lượng năm 2013 của Việt Nam khoảng 57 triệu tấn dầu quy đổi và dự báo sẽ tiếp tục gia tăng ở mức cao vào khoảng 7%/năm trong giai đoạn 2010-2020, xấp xỉ 5% giai đoạn 2020-2030. Do vậy, để bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, phát triển các nguồn điện theo hướng năng lượng sạch thì thủy điện đang là một hướng đi của Việt Nam. Tuy nhiên phát triển và vận hành quản lý như thế nào để bảo đảm hướng bền vững, tránh được những luồng thông tin hiểu sai về thủy điện đang đòi hỏi các nhà quản lý, bộ, ngành, địa phương phải làm tốt công tác đầu tư xây dựng và vận hành thủy điện đồng thời phải minh bạch thông tin.

Thủy điện giữ vai trò quan trọng trong hệ thống điện Việt Nam - ảnh: H.Hiếu

Phát triển thủy điện theo hướng bền vững

Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét tới năm 2030, Việt Nam tiếp tục ưu tiên phát triển các nguồn thủy điện, đưa tổng công suất các nguồn thủy điện từ 14.000 MW hiện nay lên 21.300 MW vào năm 2020. Tuy nhiên để nguồn năng lượng này phát triển bền vững thì chúng ta phải làm tốt công tác quy hoạch, quy trình xây dựng và công bố thông tin đầy đủ cho người dân.

Ông Nguyễn Tài Sơn cho biết: “Để chính quyền địa phương và người dân tại nơi có các công trình thủy điện hiểu rõ bản chất của thủy điện thì chúng ta phải công bố thông tin đầy đủ, tránh hiểu sai lệch, cứ thấy lũ, lụt thì đổ cho thủy điện là không chính xác. Tôi đã từng tham gia giải đáp chất vấn của người dân và chính quyền nhiều địa phương và tại nhiều hội thảo về thủy điện. Điển hình như tại Đà Nẵng, Quảng Nam khi chính quyền và người dân một mực cho rằng thủy điện là nguyên nhân của các trận lũ, lụt. Tôi đã chứng minh cho mọi người thấy nguyên nhân của các trận lũ đó cũng như vai trò của các công trình thủy điện, nếu không có các công trình thủy điện thì thiệt hại ở các địa phương này còn lớn hơn rất nhiều”.

Cũng theo ông Sơn, phản ứng của xã hội vừa qua là do có phần nhận thức trong xã hội và cách đưa tin không làm rõ được bản chất của vấn đề. Nếu việc công bố thông tin bao gồm cả lượng nước về do mưa, bão, lũ song song với lượng nước xả của công trình và khả năng hạn chế được đỉnh lũ thì tình hình có thể khác. Khi bão lũ tự nhiên vượt quá năng lực của hồ chứa thì khả năng cắt giảm lũ bị giảm đáng kể. Ta không thể bắt hồ chứa phải đáp ứng nhiệm vụ vượt quá khả năng của nó. Tuy nhiên ngay cả trong trường hợp này thì hồ chứa cũng không làm tăng thêm đỉnh lũ. Đồng thời để đánh giá ảnh hưởng của một hồ chứa thì phải dựa trên so sánh việc có hồ và không có hồ.

Rõ ràng là sự hiểu không đúng và không đủ về thủy điện là lỗi của vấn đề minh bạch thông tin. Có thể ví dụ các công trình thủy điện Hòa Bình, Sơn La, Thác Bà, Tuyên Quang… đã chống lũ rất hiệu quả cho khu vực đồng bằng sông Hồng. Nếu không có các công trình trên thì đồng bằng sông Hồng trong đó có thủ đô Hà Nội thường phải đối mặt với lũ lụt mà điển hình như trận lũ vào các năm 1969, 1971 đã gây thiệt hại lớn.

Để phát triển thủy điện bền vững thì từ công tác lập quy hoạch, lập dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật, thi công xây dựng công trình cho đến quản lý vận hành… phải tuyệt đối tuân thủ nghiêm ngặt quy trình. Ngoài ra, cần bảo đảm chất lượng công trình cũng như phải có kịch bản ứng phó liên quan đến các sự cố đập và giảm nhẹ thiên tai cho cộng đồng.

 


  • 23/07/2014 03:34
  • Theo Báo Công Thương
  • 9040


Gửi nhận xét