Phát triển nhiệt điện than phải gắn liền với đảm bảo môi trường

Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Công Thương - ông Hoàng Quốc Vượng tại Hội thảo công nghệ nhiệt điện than và môi trường, do Bộ Công Thương tổ chức ngày 5/11, tại Hà Nội.

Nhiệt điện than giữ vai trò quan trọng

Theo TS Nguyễn Mạnh Hiến - Nguyên Viện trưởng Viện Năng lượng, đến cuối năm 2015, tổng công suất nhiệt điện than trên cả nước đã đạt trên 13.000 MW. Tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2000 - 2015 là 17%, sản lượng hàng năm tới 80 tỷ kWh.

Giai đoạn 2016 - 2030, nguồn nhiệt điện than vẫn tăng trưởng cao, khoảng 21,6%/năm. Đây là mức tăng trưởng mạnh nhất trong các loại hình nguồn điện truyền thống. Theo Quy hoạch điện VII hiệu chỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 3/2016, tới năm 2030, nhiệt điện than chiếm tỷ trọng 53,2% điện sản xuất.

TS Nguyễn Mạnh Hiến khẳng định, nhiệt điện than có vai trò quan trọng trong đảm bảo cung ứng điện cho phát triển kinh tế, xã hội. Đây là nguồn điện có thời gian và chi phí đầu tư hợp lý, đảm bảo phụ tải nền cho biểu đồ phụ tải tiêu thụ điện quốc gia, và đặc biệt phù hợp với mô hình phát triển kinh tế của các quốc gia đang phát triển. 

"Để giảm tỷ lệ nhiệt điện than không hề đơn giản, vì rất khó tìm nguồn thay thế, đặc biệt trong khi các dự án thuỷ điện vừa và lớn đã khai thác gần hết, nguồn khí tự nhiên khai thác cũng đã đến giới hạn và triển vọng nhập khí hoá lỏng sẽ diễn ra sau 2025. Còn năng lượng tái tạo, đây là nguồn năng lượng sạch, nhưng có 1 số nhược điểm đáng chú ý như: Hệ số công suất thấp, chi phí đầu tư lớn, phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên... Do đó, năng lượng tái tạo chỉ có thể coi là nguồn bổ trợ mà không thay thế nguồn nhiệt điện than được" - TS Nguyễn Mạnh Hiến khẳng định.

Phải gắn liền với bảo vệ môi trường

PGS. TS Trương Duy Nghĩa - Chủ tịch Hội KHKT Nhiệt Việt Nam nhận định, công nghệ sản xuất của nhiệt điện than tại Việt Nam là công nghệ hiện đại, ngang tầm thế giới. Cụ thể, thông số hơi là công nghệ cận tới hạn và siêu tới hạn, hiệu suất loại cao, công suất tổ máy lớn, đảm bảo độ an toàn, tin cậy cao. 

Đề cập đến những chất thải ra môi trường của nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) than, PGS.TS Trương Duy Nghĩa cho biết, có chất thải rắn (xỉ đáy lò, tro bay, bụi qua khói thải), chất thải nước (nước xúc rửa công nghiệp, nước thải sinh hoạt, nước làm mát, nước khử SO2) và chất thải khí (C02, SO2, NOx). Theo Báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt tại các nhà máy, tất cả các chất phát thải độc hại đều được xử lý trước khi thải ra môi trường. Các phương pháp xử lý đều là công nghệ hiện đại, được đầu tư lớn. Do đó, khi nhà máy điện thực hiện nghiêm túc việc xử lý các chất thải, thì sẽ không gây tác động tới môi trường. 

Vai trò quan trọng của nhiệt điện than được khẳng định tại Hội thảo Công nghệ nhiệt điện than và môi trường

Chia sẻ thực tế về công tác vận hành tại các nhà máy nhiệt điện thuộc EVN, ông Đỗ Mộng Hùng - Trưởng Ban An toàn EVN cho biết, các NMNĐ thuộc EVN đều được đầu tư công nghệ hiện đại, như: Hệ thống thiết bị lọc bụi tĩnh điện (ESP) hiệu suất cao, hệ thống khử lưu huỳnh trong khói thải (FGD), công nghệ lò đốt Low- NOx, thiết bị khử NOx độc lập (SCR)... Toàn bộ NMNĐ đốt than của EVN đều được thiết kế, xây dựng hệ thống xử lý nước thải công nghiệp đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường. 

Đối với tro, xỉ, các NMNĐ thuộc EVN đều thu gom, xử lý và vận chuyển ra bãi thải xỉ, tránh phát tán ra môi trường xung quanh. Đặc biệt, các nhà máy ở miền Bắc đều đã có hợp đồng với đơn vị tiêu thụ tro, xỉ. Tại miền Nam, NMNĐ Vĩnh Tân 2 đã ký hợp đồng với Công ty cổ phần Đầu tư Mãi Xanh, bao tiêu toàn bộ lượng tro xỉ của Nhà máy để sản xuất vật liệu xây dựng, gạch không nung... NMNĐ Duyên Hải 1 cũng đã ký hợp đồng mua, bán tro, xỉ khoảng 1,62 triệu tấn/năm với 3 doanh nghiệp. 

Ông Đỗ Mộng Hùng bày tỏ, để có thể tái sử dụng toàn bộ tro, xỉ, thạch cao của các NMNĐ, EVN kiến nghị Bộ Xây dựng xem xét chỉ đạo nghiên cứu, ban hành hoặc cho phép áp dụng 1 số tiêu chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật đối với các NMNĐ, cụ thể: Yêu cầu kỹ thuật của tro, xỉ, thạch cao của NMNĐ để sản xuất vật liệu xây dựng; hướng dẫn kỹ thuật sử dụng tro, xỉ nhiệt điện trong san nền công trình dân dụng, công nghệ và hạ tầng kỹ thuật; sử dụng tro bay thay thế cho đất sét để sản xuất clinke trong sản xuất xi măng, làm phụ gia bê tông...

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng đã khẳng định vai trò chủ lực của nhiệt điện than trong việc đảm bảo điện cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Tuy nhiên, trong quá trình vận hành nhà máy nhiệt điện than cũng đã phát sinh 1 số vấn đề về môi trường cần được xử lý. Thứ trưởng chỉ đạo, cần nâng cao công nghệ các nhà máy, tăng hiệu suất vận hành, xử lý hiệu quả các chất thải, làm tốt công tác môi trường. Đặc biệt, cần sớm có cơ chế, chính sách để biến chất thải của NMNĐ than thành nguồn lực, nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất một số ngành công nghiệp, thực hiện tăng trưởng xanh.


  • 05/11/2016 03:50
  • Trần Dương
  • 9126