Phát triển nhiệt điện than là xu thế tất yếu

Ngày 8/3, tại Hà Nội, Hội Khoa học Kỹ thuật Nhiệt Việt Nam tổ chức Hội nghị báo cáo lần 1 kết quả đề tài “Nghiên cứu đánh giá tổng thể phát triển nhiệt điện than tại Việt Nam”. PGS.TS Trương Duy Nghĩa – Chủ tịch Hội KHKT Nhiệt Việt Nam, Chủ nhiệm đề tài, chủ trì Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có đại diện Ban Kinh tế Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Công Thương, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam, đại diện các Ban chuyên môn của EVN.

Tại Hội nghị, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, các chuyên gia về năng lượng đã trình bày 9 nội dung cơ bản để phát triển nhiệt điện than gồm: Tỷ lệ cơ cấu các nguồn sản xuất điện; Chiến lược cấp than cho nhiệt điện than; Xử lý phát thải ra môi trường, bảo đảm phát triển bền vững; Xây dựng ngành công nghiệp chế tạo nhà máy nhiệt điện; Xây dựng hệ thống tiêu chuẩn và quy chuẩn quốc gia đồng bộ, thiên về nhà máy nhiệt điện, trong đó có nhiệt điện than; Đào tạo nhân lực cho nhà máy nhiệt điện than; Các nghiên cứu khoa học cơ bản về nhà máy nhiệt điện; Quan hệ của quy hoạch phát triển nhiệt điện than với các quy hoạch phát triển ngành Điện, than, dầu khí, vật liệu xây dựng, giao thông; Bảo đảm tài chính để phát triển nhiệt điện than.

Theo các chuyên gia việc phát triển nhiệt điện than là xu hướng tất yếu ở Việt Nam

Góp ý cho bản báo cáo, nhiều đại biểu, các nhà khoa học, các chuyên gia về năng lượng đều nhất trí về việc phát triển nhiệt điện than là xu thế tất yếu để đảm bảo an ninh năng lượng, nhưng phải đảm bảo môi trường với công nghệ hiện đại.

PGS.TS Trương Duy Nghĩa – Chủ tịch Hội KHKT Nhiệt Việt Nam cho rằng, tương lai của các nguồn năng lượng tái tạo ở Việt Nam rất rộng mở, song nếu xét trên thực tế nhu cầu dùng điện tăng cao, nếu không phát triển nhiệt điện than sẽ không đủ điện để đáp ứng phát triển kinh tế xã hội. Nhiệt điện than vẫn là nguồn phát điện hợp lý nhất, hiệu quả nhất để đáp ứng nhu cầu điện năng rất lớn của đất nước.

PGS.TS Trương Duy Nghĩa cho biết thêm, trên thế giới, nhiều nước đang có ý định từ bỏ nhiệt điện than, tuy nhiên, đó là những nước mà tỷ lệ nhiệt điện than rất nhỏ và đã có nguồn năng lượng khác dồi dào hơn và đã ở giai đoạn bão hòa về nhu cầu điện. Ví dụ nhiệt điện than ở Thụy Điển (1%); Pháp (3,1%).

Tuy nhiên, nhiều quốc gia phát triển và đang phát triển với nhu cầu sử dụng điện lớn đều có tỷ lệ cao về nhiệt điện than như Nam Phi (93,8%), Ba Lan (86,7%), Hồng Kông (71,2%), Úc (68%), Ấn Độ (67,9%), Israel (59%), Đức (45%), Hàn Quốc (43,2%). Đặc biệt Trung Quốc (79%) với sản lượng nhiệt điên than tới 4.600 tỷ kWh

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Vy – Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng: Hiện nay nguồn thủy điện ở Việt Nam đã cơ bản khai thác hết, nhiệt điện khí có chi phí đắt, năng lượng tái tạo đang ở giai đoạn bắt đầu, vì thế nhiệt điện than vẫn là xu hướng tất yếu để đảm bảo an ninh năng lượng. Quan trọng nhất trong phát triển nhiệt điện than hiện này là công tác bảo vệ môi trường. Và để giảm thiểu tác động đến môi trường, các nhà máy nhiệt điện than cần thực hiện nghiêm túc các biện pháp khử các chất độc hại trước khi thải ra môi trường, các phương pháp xử lý chất thải phải áp dụng công nghệ hiện đại, tổ chức quan trắc thường xuyên đánh giá kết quả xử lý để chính quyền và người dân ủng hộ.

Tại Hội nghị, các chuyên gia đã trao đổi về vai trò của các nguồn điện trong chiến lược phát triển năng lượng Việt Nam. Trong đó, để đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, việc phát triển và vận hành các nhà máy nhiệt điện than vẫn giữ vai trò vô cùng quan trọng. Vấn đề trọng tâm khi phát triển nhiệt điện than là đảm bảo nguồn nhiên liệu cho phát điện trong bối cảnh Việt Nam đang phải nhập khẩu nguyên liệu sơ cấp.

Bên cạnh đó, cần nâng cao độ tin cậy, nâng cao hiệu quả vận hành các tổ máy phát điện, đặc biệt là phải làm tốt công tác bảo vệ môi trường. Đối với tro, xỉ của các nhà máy, cần có cơ chế đẩy mạnh bao tiêu, sử dụng làm nguồn nhiên liệu để sản xuất vật liệu xây dựng.

Tại Hội nghị, các chuyên gia năng lượng cũng đã chia sẻ quan điểm, cùng với việc phát triển nhiệt điện than theo hướng bền vững, cần chú trọng đầu tư, phát triển thêm các nguồn điện mới như điện mặt trời, điện gió. Tuy nhiên, do tính không ổn định, không liên tục của các nguồn năng lượng tái tạo, cần phát triển với tỷ trọng hợp lý, với mục tiêu quan trọng nhất là đảm bảo an ninh năng lượng.