“Nóng” tình trạng trộm cắp điện: 6 tháng - Gần 2.500 vụ

Mặc dù ngành Điện đã tích cực tuyên truyền, vận động và áp dụng các chế tài xử phạt nghiêm, tình trạng trộm cắp điện trên cả nước tuy có giảm, nhưng vẫn diễn biến phức tạp, với nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn...

Diễn biến phức tạp

6 tháng đầu năm 2016, các đơn vị trên cả nước đã kiểm tra hơn 1,6 triệu trường hợp sử dụng điện, phát hiện 2.479 vụ trộm cắp điện; truy thu 8,416 triệu kWh. Mặc dù đã giảm so với cùng kỳ năm 2015 (6 tháng đầu năm 2015: phát hiện 2.729 vụ trộm cắp điện, truy thu trên 9,3 triệu kWh); song các thủ đoạn trộm cắp điện lại được thực hiện ngày càng tinh vi hơn. Các đối tượng vi phạm đã phá niêm chì, hoán đổi sơ đồ đấu dây làm công tơ không quay; dùng dây điện nối vòng trực tiếp giữa dây trước và dây sau công tơ, sử dụng nam châm... Thậm chí, có những đối tượng còn câu móc điện trực tiếp từ đường dây, nguy hiểm đến tính mạng.

Ông Trịnh Phương Trâm - Giám đốc Công ty Điện lực Nghệ An (PC Nghệ An) cho biết, tình trạng trộm cắp điện trên địa bàn vẫn diễn biến phức tạp, nổi cộm nhất là tại các xã vừa tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn. 6 tháng đầu năm 2016, Công ty đã phát hiện 304 vụ trộm cắp điện, với sản lượng điện truy thu là 556.679 kWh, tương đương gần 1,6 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Khoa Trình - Phó Giám đốc Công ty Điện lực Phú Yên, lưới điện hạ áp nông thôn trước đây do các hợp tác xã quản lý, phần lớn đường dây đều đi trên mái nhà dân. Sau khi tiếp nhận, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã tiến hành cải tạo ở mức tối thiểu, đảm bảo đủ tiêu chuẩn vận hành, nhưng chưa có vốn để di dời đường dây điện ra xa nhà dân. Vì vậy, người dân thường câu móc điện trực tiếp từ đường dây đi qua nhà xuống sử dụng. Ngoài ra, một số khách hàng có hiểu biết về kỹ thuật an toàn điện cũng lợi dụng địa hình phức tạp, ít người để ý, thực hiện hành vi trộm cắp điện...

Đáng nói, tình trạng trộm cắp điện vẫn còn diễn biến phức tạp, song do đặc thù về hệ thống lưới điện phân phối trải dài và rộng, các đơn vị điện lực gặp không ít khó khăn trong việc phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm. 

Ngành Điện tăng cường kiểm tra hệ thống đo đếm, kịp thời phát hiện các trường hợp trộm cắp điện 

Cần sự vào cuộc đồng bộ 

Ông Trịnh Phương Trâm cho biết, để phát hiện và ngăn chặn kịp thời những hành vi trộm cắp điện, PC Nghệ An đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn cùng các điện lực tăng cường kiểm tra, giám sát, đặc biệt vào những lúc cao điểm như các ngày nghỉ lễ, các buổi chiều, tối... Đồng thời, thường xuyên theo dõi sản lượng tiêu thụ điện của khách hàng, nhất là những khu vực mới tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn. Qua đó, phát hiện những khách hàng có sản lượng tiêu thụ tăng/giảm bất thường, nhằm tiến hành kiểm tra, tìm nguyên nhân và xử lý kịp thời... 

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, để giảm dần các vụ vi phạm sử dụng điện, thời gian tới, Tập đoàn yêu cầu các đơn vị điện lực tiếp tục sử dụng các giải pháp công nghệ, ngăn ngừa sự can thiệp trực tiếp vào công tơ, mạch đo… làm sai lệch kết quả đo đếm. Cụ thể, sẽ trang bị công tơ có chức năng theo dõi, giám sát từ xa, có khả năng cảnh báo, chống lại một số hình thức vi phạm sử dụng điện; thực hiện các giải pháp về kẹp chì, niêm phong công tơ, TU, TI, mạch đo, chống can thiệp từ bên ngoài... Bên cạnh đó, lực lượng ghi chỉ số công tơ cũng thường xuyên phải kiểm tra tình trạng an toàn của công tơ... xử lý kịp thời những trường hợp khách hàng tự can thiệp vào công tơ. 

Đồng thời, các đơn vị điện lực phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát từng tuyến dây, từng TBA, đánh giá tình hình tổn thất điện năng ở các khu vực, xử lý kịp thời những trường hợp bất thường; tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, góp phần giúp người dân nâng cao ý thức, thực hiện đúng các quy định của pháp luật về sử dụng điện.

Tuy nhiên, ngành Điện không thể đơn phương giải quyết tình trạng trộm cắp điện, mà cần có sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan chức năng như: UBND cấp xã, lực lượng công an, các hội, đoàn thể, tổ dân phố và người dân trong việc kiểm tra, phát hiện và xử lý các hành vi trộm cắp điện... Thực tế, đã có rất nhiều vụ trộm cắp điện được phát hiện nhờ thông tin từ khách hàng. Nhiều đơn vị điện lực cũng đã biểu dương, khen thưởng kịp thời cá nhân, tập thể tích cực tham gia phong trào chống nạn trộm cắp điện, phát hiện kịp thời và báo cáo các cơ quan chức năng xử lý.

Trộm cắp điện không chỉ gây tổn thất cho ngành Điện, mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn đối với chính người vi phạm và làm ảnh hưởng đến kết quả cung ứng điện của cả hệ thống. Trên thực tế, đã có trường hợp bị điện giật khi thực hiện hành vi trộm cắp điện. Chính vì vậy, ngăn chặn vấn nạn này không chỉ là trách nhiệm của ngành Điện mà rất cần sự chung tay, vào cuộc của cả cộng đồng. 

Quy định xử phạt đối với hành vi trộm cắp điện:

Lượng điện trộm cắp (kWh)

Mức phạt (triệu đồng)

Dưới 1.000

Từ 2 - 5

Từ 1.000 – dưới 2.000

Từ 5 - 10

Từ 2.000 – dưới 4.500

Từ 10 – 15

Từ 4.500 – dưới 6.000

Từ 15 – 20

Từ 6.000 – dưới 8.500

Từ 20 – 25

Từ 8.500 – dưới 11.000

Từ 25 – 30

Từ 11.000 – dưới 13.500

Từ 30 – 35

Từ 13.500 – dưới 16.000

Từ 35 – 40

Từ 16.000 – dưới 18.000

Từ 40 – 45

Từ 18.000 – dưới 20.000

Từ 45 – 50

Từ 20.000 trở lên

Chuyển hồ sơ để truy cứu trách nhiệm hình sự

 
(Nguồn: Nghị định số 134/2013/NĐ-CP ngày 17/10.2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả)


  • 16/09/2016 03:18
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 7907