Niềm tự hào của ngành Tư vấn xây dựng điện Việt Nam

Công ty CP Tư vấn Xây dựng điện 1 (PECC 1) vừa được Hiệp hội các Kỹ sư Tư vấn quốc tế (FIDIC) trao Giải Thành tựu năm 2018 tại Berlin (CHLB Đức) với dự án Thủy điện Huội Quảng. Đây là một giải thưởng danh giá của giới kỹ sư tư vấn toàn cầu. Những sáng tạo của PECC1 trong công trình này là gì? Trao đổi của PV Tạp chí Điện lực với ông Phạm Nguyên Hùng - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty.

Ông Phạm Nguyên Hùng - Chủ tịch HĐQT PECC 1 (thứ nhất từ trái sang) và ông Vũ Văn Diên - Chủ nhiệm Đề án (đứng giữa) đại diện Công ty lên nhận giải

PV: Thưa ông, PECC1 vừa nhận được giải thưởng do FIDIC trao tặng, ông có thể cung cấp một số thông tin cho bạn đọc về tổ chức này?

Ông Phạm Nguyên Hùng: FIDIC là tiếng nói của giới kỹ sư tư vấn toàn cầu và là một tổ chức có uy tín lớn trong lĩnh vực tư vấn kết cấu hạ tầng. Giải thưởng FIDIC được trao thường niên, với mục tiêu tôn vinh những dự án có đóng góp lớn vào nền kinh tế và cộng đồng thế giới. Đối tượng được đề cử là những công ty tư vấn kỹ thuật thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau.

Quá trình chấm giải của FIDIC gồm nhiều vòng, có sự so sánh, đánh giá giữa các dự án được các quốc gia thành viên đề cử. Hội đồng xét duyệt bao gồm các chuyên gia nổi tiếng thế giới trong lĩnh vực tư vấn các công trình hạ tầng xây dựng. Đã nhiều năm, các nước trong khối ASEAN không có dự án nào được trao giải thưởng. Năm nay, Việt Nam là quốc gia duy nhất trong khối ASEAN có dự án được trao giải thưởng danh giá của FIDIC. Vì vậy, giải thưởng dành cho Công trình Thủy điện Huội Quảng không chỉ là vinh dự dành riêng cho PECC1 mà còn là niềm tự hào chung của ngành Tư vấn xây dựng điện Việt Nam.

PV: Ông cho biết, sự khác biệt cũng như sự phức tạp của Công trình Thủy điện Huội Quảng so với những công trình thủy điện khác mà Công ty thiết kế?

Ông Phạm Nguyên Hùng: Thủy điện Huội Quảng là một dự án phức tạp, có nhà máy ngầm đầu tiên do tư vấn trong nước thiết kế và giám sát. Trước đây, gian máy ngầm của Thủy điện Hòa Bình và Ialy đều do Liên Xô thiết kế và tham gia giám sát. Thủy điện Huội Quảng là dự án thủy điện duy nhất có tuyến năng lượng gồm cả tháp điều áp thượng và hạ lưu là ngầm. Tổ hợp nhà máy gồm nhiều hạng mục được đặt trong lòng núi đá bazan có kết cấu địa chất phức tạp.

Nhà máy có cao độ tính từ đáy móng là 159m, nhưng phải thi công trong điều kiện Thủy điện Sơn La đã vận hành tổ máy 1 cuối năm 2010 với mực nước dâng 215m (chênh cột nước 56m). Vì vậy, thiết kế chống thấm cho khu vực Nhà máy và giải pháp thi công khu vực cửa ra là vô cùng khó khăn. Với nỗ lực vượt khó và quyết tâm làm chủ tình hình, PECC1 đã có nhiều đề xuất cũng như các giải pháp thi công phù hợp cùng với các tính toán thiết kế bổ sung, đảm bảo đúng tiến độ và an toàn công trình.

Đặc biệt, việc thiết kế bản vẽ thi công nhà máy thủy điện ngầm có hàng nghìn chi tiết đặt sẵn, đường ống tiêu nước thấm và các cấu kiện cũng như quy mô nhà máy có khoang ngầm lớn, đòi hỏi lực lượng cán bộ chủ chốt có kinh nghiệm phải cố gắng áp dụng thành thạo công nghệ 3D, đảm bảo thiết kế được hàng nghìn bản vẽ thi công có chất lượng cao nhất. Đến nay, tất cả các bản vẽ thi công đã được thực hiện trên công trình, không thiếu bất kỳ một chi tiết đặt sẵn nào. Điều đó là minh chứng rõ nét nhất, khẳng định sự thành công trong điều hành đội ngũ thiết kế, khi lần đầu tiên Việt Nam tự thiết kế công trình ngầm.

PV: Ông có thể cho biết một số sáng kiến cụ thể trong việc tư vấn thiết kế công trình Thủy điện Huội Quảng?

Ông Phạm Nguyên Hùng: Có thể kể đến một số sáng tạo điển hình như: Ở công trình Thủy điện Hòa Bình hay Thủy điện Ialy đều có các hầm thông gió, giao thông và hầm cáp riêng. PECC1 nhận thấy, việc có nhiều hầm như vậy làm tăng khối lượng thi công, trong khi theo yêu cầu về an toàn, hầm nào cũng phải có vòm hầm hoặc nhiều diện tích thân hầm khác không được sử dụng. Để tiết kiệm chi phí cho chủ đầu tư, PECC1 đã ghép phần thông gió đặt phía trên hầm giao thông, tận dụng không gian trống phía trên vòm hầm. Hầm cáp cũng được bố trí với các mương cáp đặt dưới nền hầm và được bố trí kết cấu cách điện với phần bên trên. Phần thân hầm còn lại được ngăn đôi, tận dụng một nửa để thông gió, nửa còn lại phục vụ thoát hiểm khi có sự cố. Như vậy đã loại bỏ hoàn toàn được 1 hầm thông gió cấp và 1 hầm hút gió.

Trong quá trình thi công giếng điều áp hạ lưu, phần giếng đứng đang đào hạ nền đến cao trình 208m đã gặp đới đá yếu (lớp đá phá hủy kiến tạo cần phải xử lý), để tính toán gia cố giếng, chúng tôi phải giải bài toán ứng suất biến dạng 3D theo quá trình đào hạ nền bằng phương pháp phần tử hữu hạn. Bài toán này đã được nghiên cứu từ lâu, nhưng chưa hoàn thành. Vì vậy, chúng tôi thuê các chuyên gia Na Uy (có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực xử lý thiết kế công trình ngầm) tính toán. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu thông số về dự án, các chuyên gia Na Uy thông báo, đây là giếng điều áp thuộc loại cao của thế giới, có điều kiện địa chất phức tạp cần thời gian tối thiểu là 6 tháng để hoàn thành công việc. Như vậy, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thi công và chi phí liên quan. Chính vì vậy, chúng tôi đã tập trung nghiên cứu và sau thời gian 3 tháng, đã tìm được lời giải.

PV: Trong quá trình triển khai dự án, các chuyên gia tư vấn quốc tế đánh giá như thế nào về kết quả tư vấn của PECC1?

Ông Phạm Nguyên Hùng: Đúng vậy! Trong quá trình khảo sát, lập thiết kế kỹ thuật dự án, PECC1 đã tiến hành đo ứng suất thiên nhiên bằng phương pháp đo hội tụ. Từ đó, xác định được tỷ số giữa ứng suất nằm ngang và ứng suất thẳng đứng, K= 1,4. Đây là tham số rất quan trọng khi tính toán tổ hợp ngầm, vì ứng suất ngang càng cao thì càng bất lợi cho việc chống đỡ các tường hầm cao.

Sau khi PECC1 lập hồ sơ thiết kế xử lý giếng điều áp hạ lưu, chuyên gia tư vấn trong và ngoài nước đã  thẩm tra và đều cho rằng, chưa rõ con số này có phù hợp với khu vực Tây Bắc Việt Nam hay không? Để đảm bảo tính khách quan, EVN đã thuê một đơn vị tư vấn thứ 3 do phía tư vấn nước ngoài giới thiệu, là các giáo sư của Viện Nghiên cứu Ứng suất Vỏ trái đất, thuộc Cục Địa chấn Trung Quốc, đo ứng suất thiên nhiên. Kết quả đo kiểm tra cho thấy, tỷ ứng suất ngang/đứng đạt tới 1,35 không khác nhiều so với kết quả khảo sát của PECC1.

Trong quá trình thiết kế xử lý tình hình  địa chất xấu tại giếng điều áp hạ lưu, PECC1 đã nhận được sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo EVN. PECC1 đã tập hợp các kỹ sư có kinh nghiệm, làm việc với cường độ cao, không kể ngày lễ, chủ nhật, có khi làm việc đến 3h sáng. Sau khi thiết kế xử lý địa chất xấu tại giếng điều áp hạ lưu do PECC1 hoàn thành, chúng tôi đã chuyển kết quả cho Tư vấn thẩm tra (Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng điện 2 và Tư vấn Fichtner (Đức).  Kết quả cuối cùng, Tư vấn điện 2, Tư vấn Fichtner đã thẩm tra và đều cho ý kiến đồng thuận, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã phê duyệt.

PV: Xin cảm ơn ông!


  • 11/10/2018 03:39
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 16842