Ngành Thép và Xi măng giảm sản lượng và câu chuyện giá điện

Năm 2012, nền kinh tế vẫn tiếp tục suy giảm, điện chưa thừa nhưng cũng không thiếu. Nhưng chính trong lúc không thiếu điện thì lại thấy rõ nét nhất thủ phạm gây thiếu điện 2 năm trước. Đó là khi các nhà máy thép, xi măng bị tồn kho sản phẩm và dừng hoặc giảm sản xuất thì sản lượng điện tiêu thụ giảm rõ rệt.

Khi thép và xi măng giảm sản lượng

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, sản lượng điện tiêu thụ của 2 ngành Thép và  Xi măng trong quý I-2012 vẫn chiếm một  tỷ trọng lớn với  hơn 10% lượng điện tiêu thụ của cả nước. Cụ thể, các nhà máy xi măng đã tiêu thụ 1,116 tỷ kWh, chiếm 4,88%, các nhà máy thép tiêu thụ 1,264 tỷ kWh, chiếm 5,53% tổng sản lượng điện thương phẩm của cả nước.

Mức tiêu thụ điện như trên được đánh giá là vẫn cao trong bối cảnh mà nhiều nhà máy thép, xi măng hoạt động ngưng trệ, sản xuất đi xuống, cụ thể: Xi măng sản xuất giảm 6,5%, tiêu thụ giảm 9,5%, sắt thép sản xuất giảm tới 8,9% và tiêu thụ giảm 2,2% trong 4 tháng đầu năm. Nếu mức tiêu thụ điện như vậy được duy trì trong 3 quý tới, cả năm ngành Thép có thể tiêu thụ tới hơn 5 tỷ kWh và ngành xi măng cũng có thể ngốn tới gần 4,5 tỷ kWh. Mức tiêu thụ điện chung của 2 ngành này sẽ vào gần 9,5 tỷ kWh.

Quý 1 năm 2012, sản xuất thép và xi măng bị đình trệ nhưng vẫn chiếm tỷ trọng trên 10% lượng điện tiêu thụ cả nước (Ảnh minh họa)

Giá điện phải phản ảnh đúng, đủ, kịp thời

Tại phương án giá điện năm 2010, giá thành sản xuất kinh doanh điện là 1.004 đồng/kWh, giá bán điện bình quân cho sản xuất (bao gồm cả các ngành sản xuất sắt, thép, xi măng) là 1.009 đồng/kWh. Như vậy, theo số liệu tính toán tại phương án giá, giá mua điện của các ngành sản xuất sắt, thép, xi măng cao hơn giá thành sản xuất kinh doanh điện.

Tuy nhiên, trong thực tế, giá thành sản xuất kinh doanh điện là 1.180 đồng/kWh; giá mua điện của các ngành sản xuất sắt, thép, xi măng là 914 đồng/kWh. Giá thành sản xuất kinh doanh điện thực tế cao hơn giá thành sản xuất kinh doanh điện tại phương án giá điện năm 2010 là do các nguyên nhân: Diễn biến tình hình thủy văn của năm 2010 không thuận lợi cho việc phát điện. Ở các hồ thủy điện đều xảy ra hiện tượng cạn kiệt kéo dài làm sản lượng thủy điện phát được trong cả năm 2010 thấp hơn so với năm 2009 khoảng 2,026 tỷ kWh và thấp hơn kế hoạch đề ra là 3,489 tỷ kWh. Để đảm bảo cung cấp đủ điện, hệ thống đã phải tăng cường mua điện từ các nguồn nhiệt điện giá cao (nhiệt điện chạy dầu DO, FO) và điện nhập khẩu giá cao từ Trung Quốc làm chi phí phát điện tăng cao.

Bên cạnh đó, tình hình khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế thế giới và trong nước năm 2010 diễn biến phức tạp, các thông số đầu vào (giá nhiên liệu và tỷ giá ngoại tệ) biến động nhiều, ảnh hưởng lớn đến giá phát điện.

Ngoài ra, do thay đổi về cơ cấu phụ tải điện, giá bán điện bình quân thực hiện năm 2010 là 1.061 đồng/kWh, tăng 03 đồng/kWh so với phương án giá điện. Giá bán điện bình quân thực tế năm 2010 cho các ngành sản xuất là 1.010 đồng/kWh, tăng 01 đồng/kWh so với tính toán tại phương án giá điện. Cơ chế giá bán điện giờ cao điểm sáng từ 9h30 đến 11h30 cho các doanh nghiệp sản xuất được áp dụng từ 2009 cũng đã làm cho các cơ sở sản xuất thay đổi dần giờ làm việc, có xu hướng sản xuất vào các giờ thấp điểm, góp phần làm thay đổi cơ cấu phụ tải tiêu thụ điện. Các ngành sản xuất sắt, thép, xi măng chủ yếu sản xuất vào các giờ thấp điểm nên có giá điện thấp.

Cần nghiên cứu xây dựng giá điện hợp lý cho ngành Thép và Xi măng (Ảnh minh họa)

Theo tính toán, bình quân cứ 1 kWh điện thương phẩm cung ứng đến người tiêu thụ cuối cùng, việc sản xuất - kinh doanh điện bị lỗ 119 đồng; cứ 1 kWh cung cấp đến doanh nghiệp sản xuất cuối cùng sẽ lỗ 170 đồng/kWh. Như vậy, thông số đầu vào biến động lớn trong năm gây ra lỗ trong sản xuất kinh doanh điện và làm cho giá thành sản xuất kinh doanh điện cao hơn giá bán.

Nguyên nhân làm cho việc bán điện cho doanh nghiệp sản xuất sắt, thép, xi măng bị lỗ tới 2.547 tỷ đồng là do giá thành sản xuất kinh doanh điện tăng cao đột biến khi các thông số đầu vào biến động lớn so với tính toán trong khi giá bán lẻ điện cho các đối tượng này trong năm 2010 vẫn giữ nguyên, không tăng.

Quyết định số 24/2011/QĐ-TTg ngày 15-4-2011 của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh giá bán điện theo cơ chế thị trường đã quy định giá bán điện được điều chỉnh trong năm khi các thông số đầu vào cơ bản hình thành giá điện biến động lớn so với tính toán. Việc thực hiện điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường như quy định tại Quyết định số 24/2011/QĐ-TTg đảm bảo giá bán điện phải phản ánh đúng, đủ và kịp thời, từng bước tiệm cận với giá thành sản xuất kinh doanh điện thực tế.

Với những thực tế trên, rõ ràng Bộ Công Thương cần nghiên cứu xây dựng biểu giá điện cạnh tranh cho ngành sản xuất, trong đó có các doanh nghiệp sản xuất sắt, thép, xi măng, một cách hợp lý.

Năm 2011, Bộ Tài chính đã kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ, áp dụng thuế suất thuế xuất khẩu cho phôi thép và sản phẩm thép xuất khẩu là 3%. Lý do là lợi nhuận từ xuất khẩu của ngành Thép có sự góp phần của giá điện thấp. Nhờ giá điện thấp mà mỗi tấn thép xuất khẩu ngành Thép có lãi khoảng từ 10-15 USD/tấn.


  • 15/08/2012 09:28
  • Theo TCĐL chuyên đề QLHN
  • 3342


Gửi nhận xét