Ngành Điện nỗ lực nâng cao chỉ số tiếp cận điện năng

Tại Nghị quyết 19/NQ-CP, Chính phủ yêu cầu ngành Điện phải rút ngắn chỉ số tiếp cận điện năng xuống dưới 45 ngày. Ngành Điện có thể giảm ngay xuống còn 42 ngày đối với khách hàng tiếp cận điện năng.

Từ những con số xếp hạng…

29/10/2013, Trong báo cáo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) về môi trường kinh doanh năm 2013, Việt Nam đứng thứ 99 trong tổng số 189 nền kinh tế (tụt 1 bậc so với năm 2012). Trong khi đó, chỉ số tiếp cận điện năng xếp thứ 156/189 (tụt 21 bậc so với năm 2012). Các chuyên gia WB ước tính một doanh nghiệp mất trung bình 115 ngày để tiếp cận điện năng.

Khả năng cung cấp điện vẫn là một trong những vấn đề lớn nhất làm giảm khả năng cạnh tranh của Việt Nam. Vì vậy, Nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần thu hút các Nhà đầu tư trong và ngoài nước, Tại Nghị quyết 19/NQ-CP, Chính phủ yêu cầu ngành Điện phải rút ngắn chỉ số tiếp cận điện năng xuống dưới 45 ngày đối với khách hàng tiếp cận điện năng (tức từ 115 ngày xuống còn 70 ngày).

Trên thực tế, việc rút ngắn chỉ số tiếp cận điện năng thì ngành Điện nói chung sẽ gặp không ít khó khăn thách thức. Đầu tiên phải kể đến không ít các trường hợp công trình điện đã hoàn thành mà không được nhà đầu tư sử dụng điện, việc thu bảo lãnh hợp đồng mua bán điện rất khó thực hiện và không tương xứng với chi phí đã đầu tư công trình điện. Nhiều nhà đầu tư mới trong giai đoạn tìm hiểu thị trường, tìm hiểu dự án cũng đã gửi văn bản đề nghị cấp điện, hoặc đã ký hợp đồng mua bán điện xong, nhưng chây ỳ không chịu nộp bảo lãnh thực hiện hợp đồng… những trường hợp này khó có thể thực hiện đạt chỉ số tiếp cận điện năng. Về dự phòng vật tư thiết bị, sẽ bị áp lực đối với chỉ tiêu tồn kho, tồn đọng một lượng lớn vốn lưu động, dẫn đến sử dụng vốn không hiệu quả. Về huy động vốn đầu tư, phải tốn một lượng vốn khấu hao cơ bản dự phòng để đối ứng vay, việc đầu tư trong một thời gian ngắn chỉ thực hiện được bằng cách huy động vốn vay thương mại trong nước, có lãi suất cao và thời gian vay ngắn…

Bên cạnh đó, các thủ tục hành chính liên quan đến các địa phương trong vấn đề đền bù, giải phóng mặt bằng; hoặc vướng mắc thủ tục của các cơ quan Nhà nước cũng đang là vấn đề được đưa ra lấy ý kiến ủng hộ của các địa phương và các cơ quan ban ngành liên quan.

EVN nỗ lực cải thiện chỉ số tiếp cận điện - Ảnh: Anh Vũ

Đến những nỗ lực của ngành Điện

Tuy nhiên, để thực hiện yêu cầu của Chính phủ, ngành Điện đã cam kết: Tiếp cận điện sẽ giảm ngay 42 ngày. Việc sửa đổi sẽ giúp giảm thời gian thực hiện 4 thủ tục thuộc thẩm quyền thực hiện của ngành Điện từ 60 ngày (theo quy định) xuống còn 18 ngày. EVN sẽ chủ động thực hiện các biện pháp như bố trí giải quyết kịp thời vốn, vật tư thiết bị, rà soát lại phân cấp, cơ chế đầu tư, trình tự thủ tục thực hiện để rút ngắn thời gian khảo sát, thiết kế, thẩm định, phê duyệt dự án, để đảm bảo đầu tư công trình đường dây, trạm biến áp cấp điện cho khách hàng...

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đề nghị Bộ Công Thương điều chỉnh, sửa đổi một số nội dung trong Thông tư số 32/2010/TT-BCT; có văn bản hướng dẫn các Sở Công Thương thực hiện Nghị định số 15/2013/NĐ - CP của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng.

Theo Cục điều tiết Điện lực, Bộ Công Thương, hiện có 14 thủ tục liên quan đến tiếp cận điện năng, trong đó có 3 thủ tục do ngành Điện thực hiện, còn lại do khách hàng và các đơn vị ngoài ngành Điện thực hiện (ví dụ thỏa thuận vị trí cột điện/trạm điện và hướng tuyến; cấp phép đào đường vỉa hè, báo cáo đánh giá tác động môi trường...), trong đó vấn đề đào đường, vỉa hè đang là một trong những cản trở lớn nhất về mặt thủ tục hành chính, nhất là đối với các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh. Theo quy định, để có thể đào đường, vỉa hè thì phải có sự đồng ý của 3 sở, sau đó đơn vị thi công mới tiến hành được, như vậy thời gian trong vòng 7 ngày là khó có thể thực hiện được.

Mặt khác, nếu như các thủ tục do các đơn vị khác thực hiện cũng có thể giảm từ 77 ngày xuống còn 25 ngày. Thời gian khách hàng thực hiện các thủ tục là 27 ngày, cộng với thời gian thực hiện 4 thủ tục thuộc thẩm quyền thực hiện của ngành Điện từ 60 ngày xuống còn 18 ngày thì tổng thời gian thực hiện các thủ tục tiếp cận điện sẽ còn 70 ngày, tức là đạt mục tiêu do Nghị quyết số 19 đặt ra.

 

 


  • 09/10/2014 01:36
  • Theo Báo Công Thương
  • 4827


Gửi nhận xét