Mùa tôm Sóc Trăng

Đối với Sóc Trăng, vựa tôm thâm canh lớn nhất cả nước, chỉ cần thắng được mấy mùa tôm, con người có thể đổi vận, từ số vốn ít ỏi thành triệu phú, rồi tỷ phú. Đất chiều lòng người, mênh mang những vuông tôm san sát nhau lấp lánh trong nắng. Nhưng cũng chính sự lan rộng của mô hình tôm có thể mang lại nguy cơ quá tải lưới điện làm ảnh hưởng đến an toàn hệ thống...

Con tôm làm đầu cơ nghiệp

Gày, đen sắt, lúi húi lấp xấp bên dàn con lăn dưới vuông tôm, nhìn thật khó ai ngờ được đó là một trong những chủ tôm trẻ triển vọng có tiếng ở phường Khánh Hòa, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng. Ở tuổi 35, anh Nguyễn Văn Khởi có đến năm vuông tôm, mỗi vuông rộng chừng 300-500 m2.

Chuyện làm ăn bắt đầu từ năm 2013, nghe về nghề nuôi tôm thấy ham quá, Khởi tính vun vốn khởi nghiệp nuôi tôm. Ban đầu từ 1 ha của gia đình và mạnh dạn thuê thêm 1 ha nữa để làm thành năm vuông nuôi tôm thẻ. Mỗi vụ tôm thẻ chân trắng nuôi khoảng 100 ngày. Chi phí cho nuôi chủ yếu là trả tiền điện 10%-15%, mua thức ăn và giống 30%, thuê nhân công tầm 4-5 triệu đồng/người/tháng, còn lại là lợi nhuận, mỗi vụ được từ 80 đến 100 triệu đồng. Dân ở đây bảo nhau, ai nuôi tôm trúng vài năm là giàu hết.

Nghe bán tín bán nghi, nhưng thử tính nhẩm, 3 tháng lãi trung bình 90 triệu đồng, một năm mà suôn sẻ được 4 vụ tôm, lãi thu về từ 320 triệu đến 400 triệu đồng/năm là bình thường. Thế nào, Khởi cứ giản dị cười hiền thế thôi mà giờ trong tay gia sản cũng kha khá. Người chủ trẻ tuổi này còn đang quyết tâm chuyển hết sang dùng thiết bị tiết kiệm điện trong nuôi tôm để giảm mức chi phí đang chiếm khá cao trong chi phí chung. Với Khởi chắc chỉ ít lâu nữa thôi, con số năm vuông tôm sẽ được nâng lên cho thỏa chí làm ăn.

Những ông chủ trẻ như Khởi đang được truyền động lực làm ăn từ những người gây dựng cơ đồ thành tỷ phú nhờ tôm ở trong vùng. Cách không quá xa nhà Khởi là cơ ngơi của người nổi danh Sóc Trăng, ông Huỳnh Khánh Lượng ở ấp Nhà Thờ, xã Trung Bình, huyện Trần Đề. Bắt đầu từ năm 2005, giờ đây ông Lượng có 12 héc-ta nuôi tôm, tức gấp sáu lần diện tích của anh Khởi. Tính sơ sơ, mỗi năm ông bỏ túi ít nhất cả trăm cây vàng. Quy mô của ông Lượng không chỉ nằm ở những vuông tôm rộng ngút tầm mắt, mà còn ở cơ sở sản xuất…

Chuyện của ông Lượng thú vị ở chỗ, ông vốn đi học đại học mà tốt nghiệp không làm theo nghề được đào tạo mà về đắm đuối vào nuôi tôm. Ông không hề ngại chia sẻ kinh nghiệm, với ông càng nhiều người thành công từ tôm càng mừng thôi. Trời có lẽ cũng chiều lòng người hào sảng ấy, năm 2017 ông trúng lớn, thu được 180 tấn tôm, trung bình cứ 5-9 tấn/ao.

Việc áp dụng công nghệ nuôi tôm tiết kiệm điện không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cho người nuôi mà còn giúp bảo đảm an toàn lưới điện

Chuyện ngược đời của người mua, người bán

Sở dĩ có chuyện ngược đời ở đây là bởi trong khi đa số các chủ tôm tạm bằng lòng với mức chi phí cho điện chiếm một tỷ lệ không quá cao trong chi phí sản xuất thì các “ông ngành điện” lại cứ lọ mọ tìm đến thuyết phục họ thay đổi thiết bị để giảm chi phí điện xuống thấp hơn nữa!? Nói không chưa thuyết phục được lại còn làm mô hình mẫu, cung cấp thiết bị để kiểm chứng từ thực tế nhằm khuyến khích, hỗ trợ người nuôi tôm chú trọng đến tiết kiệm điện.

Nhưng cái sự tưởng như vô lý này lại có lý. Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền nam (EVNSPC) Nguyễn Phước Đức cho biết, trong thời gian qua, ngoài việc sử dụng điện phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày, các hộ dân đã kết hợp sử dụng điện để phục vụ sản xuất, tưới tiêu, nuôi trồng thủy sản, đặc biệt giai đoạn năm 2010-2013 phong trào nuôi tôm công nghiệp - bán công nghiệp bắt đầu phát triển rất mạnh ở một số tỉnh ven biển khu vực phía nam. Bắt đầu lan rộng việc nuôi trồng theo hình thức nhỏ lẻ tự phát bằng cách sử dụng điện từ nguồn điện phục vụ ánh sáng sinh hoạt, dẫn đến tình trạng lưới điện bị quá tải, người dân tự kéo dây từ nơi cấp điện sinh hoạt đưa đến các ao tôm để sản xuất, không bảo đảm kỹ thuật, an toàn điện, do đó, chất lượng điện không bảo đảm và gây ra nhiều tai nạn điện đáng tiếc.

Để bảo đảm cấp điện phục vụ nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm công nghiệp tại các tỉnh ven biển khu vực phía nam, Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) đã cân đối và thu xếp nguồn vốn để ưu tiên đầu tư tại một số tỉnh có mật độ nuôi tôm lớn với tổng số vốn là 876 tỷ đồng để thực hiện chống quá tải, kết hợp cung cấp điện cho một số khu vực đã có quy hoạch nuôi tôm. Tuy tình hình được cải thiện nhưng vẫn chưa đáp ứng đối với các hộ nuôi nhỏ lẻ không tập trung, phát triển tự phát, quá tải lưới điện trên diện rộng không chỉ còn là nguy cơ. Đó là lý do ngành Điện phải thay đổi lại cách tiếp cận vấn đề tiết kiệm điện đối với các hộ nuôi tôm.

Trở lại với Sóc Trăng, địa phương có đến 60% hộ trong tổng số hộ nuôi tôm hiện đang sử dụng công nghệ quạt nước kiểu truyền thống (sử dụng ma sát trượt). Giám đốc Công ty Điện lực Sóc Trăng Huỳnh Minh Hải phân tích, đây là nguyên nhân gây tổn thất điện năng và hao phí điện lớn, giải nút thắt này, EVNSPC đã nghiên cứu đến việc thiết kế cải tiến một phần hệ thống dàn quạt tạo ô-xi nuôi tôm nhằm tăng hiệu suất sử dụng. Đây thật sự là một giải pháp cần thiết và hiệu quả nhằm tiết kiệm điện và nâng cao chất lượng sản phẩm tôm.

Qua khảo sát hộ nuôi tôm tại ấp Cảng Buối, xã Hòa Đông, thị xã Vĩnh Châu thuộc Chương trình thí điểm cho thấy, trước khi áp dụng giải pháp tiết kiệm điện, hộ này phải trả chi phí điện hơn 84 triệu đồng/vụ, sau khi được ngành Điện hỗ trợ (vật tư và nhân công) để thực hiện giải pháp tiết kiệm điện, chi phí tiền điện đã giảm được gần 11 triệu đồng trong vụ tôm, chiếm 13,1% so với chi phí điện và chiếm tỷ trọng 0,98% so với tổng chi phí sản xuất trong vụ nuôi tôm.

Trong năm 2017, sau khi triển khai Chương trình, EVNSPC đã hỗ trợ cho 889 hộ dân nuôi tôm ở các huyện Cù Lao Dung, Long Phú, Mỹ Xuyên, Trần Đề và thị xã Vĩnh Châu được 543,67 ha với 26.378 gối đỡ con lăn (loại đỡ và loại treo), tổng chi phí hỗ trợ là 1,4 tỷ đồng.

Hai mô hình “Thay thế gối đỡ trục dàn quạt chữ U bằng con lăn trục quay” và “Đồng trục hóa mô-tơ với trục dẫn dàn quạt, kết hợp sử dụng con lăn đỡ trục quay thay thế con lăn gối đỡ chữ U” được triển khai thí điểm tại 161 hộ dân nuôi tôm ở thị xã Vĩnh Châu, huyện Trần Đề, Cù Lao Dung và huyện Mỹ Xuyên (tỉnh Sóc Trăng). Sau một năm, cả hai đã mang lại hiệu quả thiết thực.

Thực tế luôn là bài học sinh động nhất, người dân từ miễn cưỡng đã tự chủ động tính chuyện tiết kiệm điện trong nuôi tôm. Còn ngành Điện giảm áp lực và nhẹ gánh đầu tư hơn khi nhìn về dài hạn trong cung ứng điện ở những điểm nóng như Sóc Trăng. Cách thức “suy nghĩ và đồng hành cùng người mua điện” đang cho thấy một sự đổi mới sâu sắc trong hoạt động kinh doanh của ngành Điện, bởi trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đã được chú trọng đúng mức bên cạnh những con số doanh thu.

Mô hình “Thay thế gối đỡ trục dàn quạt chữ U bằng con lăn trục quay” giúp 161 hộ dân tiết kiệm 15,2% điện năng tiêu thụ, tương đương 757 triệu đồng/năm.

Mô hình “Đồng trục hóa mô-tơ với trục dẫn dàn quạt, kết hợp sử dụng con lăn đỡ trục quay thay thế con lăn gối đỡ chữ U” tiết kiệm tới 38,7% điện năng, tương ứng 1,9 tỷ đồng/năm.

 


  • 24/04/2018 02:42
  • Theo Báo Nhân dân điện tử
  • 525394