Kinh nghiệm quý từ thực tiễn

Năm 2015, Tập đoàn Điện lực Việt Nam không chỉ đáp ứng đủ điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân với mức tăng trưởng cao, mà còn thực hiện xuất sắc chủ đề “Năng suất – hiệu quả”. Đặc biệt trong công tác sản xuất, kinh doanh, đầu tư – xây dựng, những kết quả đạt được năm 2015 là kinh nghiệm quý, giúp các đơn vị tiếp tục vận dụng một cách sáng tạo vào việc thực hiện thắng lợi chủ đề “Nâng cao năng lực quản trị trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam” năm 2016.

Thành quả năm 2015
 
Ông Nguyễn Đức Cường – Giám đốc Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (EVNNLDC) cho biết, năm 2015, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino nên tình trạng thiếu nước và khô hạn kéo dài, đặc biệt là tại các hồ thủy điện thuộc miền Trung – Tây Nguyên. Trong khi đó, phụ tải luôn tăng ở mức cao và không đều giữa các miền, tăng cao nhất là khu vực phía Nam. Đường dây 500 kV Bắc – Nam thường xuyên phải vận hành trong tình trạng đầy tải, với sản lượng điện truyền tải trên giao diện Bắc – Trung đạt 8,6 tỷ kWh (tăng 55% so với năm 2014), Trung – Nam đạt 16,3 tỷ kWh (tăng 23,3% so với năm 2014).
 
Trong bối cảnh đó, “việc chỉ đạo điều hành sản xuất và cung ứng điện đã chủ động bám sát tình hình sản xuất, diễn biến thủy văn và nhu cầu phụ tải điện. Các đơn vị phát điện, truyền tải, phân phối và điều độ đã phối hợp chặt chẽ, huy động hợp lý các nguồn điện, vận hành hệ thống điện an toàn, ổn định”, ông Nguyễn Đức Cường khẳng định. Tính đến hết năm 2015, tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống đạt 164,3 tỷ kWh, tăng 12,91% so với năm 2014 và cao hơn 3,3 tỷ kWh so với kế hoạch. Công suất cực đại đạt 25.828 MW (tháng 7/2015), tăng 16,34% so với năm 2014.
 

Hệ thống điện quốc gia luôn bám sát tình hình phụ tải của đất nước 

 
Theo ông Vũ Ngọc Minh – Tổng giám đốc Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT), bên cạnh việc đảm bảo sản lượng truyền tải điện liên tục cao trên đường dây 500 kV Bắc – Nam, năm 2015, EVNNPT còn gặp rất nhiều khó khăn trong giải phóng mặt bằng. Quá trình chuẩn bị đầu tư theo Luật Xây dựng sửa đổi, Luật Đầu tư công dẫn tới thủ tục và thời gian thực hiện kéo dài, ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai các dự án lưới điện truyền tải. Để giải quyết khó khăn này, EVNNPT và các đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương có công trình đi qua, tuyên truyền, vận động người dân tự nguyện nhường đất và chấp thuận phương án đền bù, sớm bàn giao mặt bằng sạch cho ngành Điện. Các ban quản lý dự án làm việc với các nhà thầu xây dựng kế hoạch thi công, đảm bảo đúng tiến độ và có các giải pháp sắp xếp hợp lý nguồn nhân lực, thiết bị phục vụ thi công. Đặc biệt, đối với các dự án trọng điểm, lãnh đạo Tổng công ty còn thường xuyên kiểm tra, đôn đốc và trực tiếp có mặt trên công trường, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc và phát sinh trong quá trình thi công.
 
Kết quả trong năm qua, nhiều công trình gặp khó khăn vướng mắc về bồi thường giải phóng mặt bằng đã được xử lý một cách thấu tình đạt lý và hoàn thành thi công, đưa vào vận hành như: ĐD 500 kV Sơn La – Lai Châu, ĐD 500 kV Vũng Áng rẽ Hà Tĩnh – Đà Nẵng; các ĐD 220 kV Vân Trì – Chèm, Thường Tín – Kim Động, đấu nối Nhiệt điện Mạo Khê, Cầu Bông – Đức Hòa, Cầu Bông – Hóc Môn rẽ Bình Tân… Tất cả đều phục vụ mục tiêu nâng cao độ tin cậy và khả năng cung cấp điện cho các vùng và khu vực phụ tải trọng điểm trên cả nước.
 
Tất cả cho mục tiêu lớn!
 
Bước sang năm 2016, dự báo phụ tải hệ thống điện miền Nam sẽ tiếp tục tăng cao, công suất cao nhất có thể đạt khoảng 13.500 MW (tăng 1.700 MW so với năm 2015) trong khi đó hệ thống điện miền Nam chỉ có thêm Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 3 với công suất đặt 600 MW được đưa vào vận hành. Do đó, hệ thống điện miền Nam vẫn tiếp tục phải nhận sản lượng điện lớn từ hệ thống điện miền Bắc và miền Trung. Dự báo trong năm 2016 và những năm tiếp theo, sản lượng điện truyền tải trên giao diện Bắc – Trung sẽ lên đến trên 12 tỷ kWh/năm và Trung – Nam lên đến 17 tỷ kWh/năm. Vì vậy, “việc vận hành ổn định các nguồn điện trong hệ thống điện miền Nam, đặc biệt là các nhà máy điện mới, công suất lớn như Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, Duyên Hải 1, Duyên Hải 3 có ý nghĩa vô cùng quan trọng”, ông Nguyễn Đức Cường khẳng định.
 

Năm 2015, EVNNPT đảm bảo vận hành an toàn đường dây 500 kV Bắc – Nam
 
 
Xác định rõ vai trò quan trọng của các tổ máy thuộc Trung tâm Điện lực Duyên Hải trong việc đảm bảo cung cấp điện cho các tỉnh, thành phía Nam, Tổng công ty Phát điện 1 (EVNGENCO 1) đã triển khai hàng loạt các giải pháp sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu huy động của hệ thống. Ông Nguyễn Khắc Sơn – Tổng giám đốc EVNGENCO 1 cho biết, sản lượng điện sản xuất của Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 1 chiếm gần 50% kế hoạch sản xuất điện của Tổng công ty. Vì vậy, rút kinh nhiệm năm 2015, EVNGENCO 1 đã ký hợp đồng mua 3 triệu tấn than, đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất điện năm 2016 của Nhà máy (khoảng hơn 6 tỷ kWh). Đối với các dự án Duyên Hải 3, hiện EVNGENCO 1 đang tiếp tục làm việc với một số nhà cung ứng than tại Indonesia và đơn vị trong nước có chức năng nhập khẩu than để đảm bảo khối lượng và chất lượng than nhập khẩu. Bên cạnh đó, EVNGENCO 1 còn ký hợp đồng với các đơn vị thực hiện sửa chữa bảo dưỡng, rút ngắn thời gian khắc phục sự cố, vận hành an toàn các tổ máy.
 
Vấn đề thu xếp vốn đóng vai trò quyết định đối với các dự án truyền tải điện. Vì vậy, EVNNPT đã chủ động lập kế hoạch thu xếp vốn đến năm 2020. Về cơ bản, các dự án theo kế hoạch đầu tư xây dựng năm 2016 của Tổng công ty đã có đủ vốn. Hiện Tổng công ty đang tập trung lập và phê duyệt các thủ tục chuẩn bị đầu tư, chủ động thu xếp vốn cho các dự án cần đưa vào vận hành sau năm 2016 như: Lưới điện đồng bộ Trung tâm Điện lực Vân Phong, Hải Dương, Sông Hậu, Nam Định,… các lưới điện 220 kV phục vụ việc nâng cao năng lực lưới điện truyền tải và cấp điện cho các phụ tải. 
 
Có thể khẳng định, nâng cao năng lực quản trị nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và đầu tư - xây dựng; tạo sự phát triển toàn diện, bền vững cho các đơn vị và toàn Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Vì vậy, với những kinh nghiệm đã đúc kết được những năm qua, các đơn vị đã và đang sẵn sàng hoàn thành mục tiêu “Nâng cao năng lực quản trị trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam”. 
 
Ông Ngô Việt Hải – Tổng giám đốc Tổng công ty Phát điện 2 (EVNGENCO 2): 
 
Năm 2015, EVNGENCO 2 đã hoàn thành các chỉ tiêu được giao, đạt lợi nhuận 604 tỷ đồng (kế hoạch giao là 104 tỷ đồng). Để có được kết quả này, trong năm qua EVNGENCO 2 đã yêu cầu các đơn vị thành viên thực hiện tốt việc tối ưu hóa chi phí và tập trung quản trị đối với các công ty cổ phần, thực hiện nghiêm túc các chỉ tiêu được giao để đạt được hiệu quả cao nhất trong sản xuất - kinh doanh. Theo đó, cổ tức thu được từ các công ty cổ phần đạt 500 tỷ đồng và công ty mẹ là hơn 100 tỷ đồng.
 
Để nâng cao quản trị doanh nghiệp trong năm 2016, EVNGENCO 2 đã lập 6 đề án, trong đó tập trung chủ yếu vào nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, năng suất lao động, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ máy phát điện, thành lập công ty dịch vụ để tập trung bộ phận sửa chữa, hiệu chỉnh thiết bị. Chúng tôi cho rằng, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp là mục tiêu hoàn toàn khả thi và EVNGENCO 2 có đủ kinh nghiệm để thực hiện. 
 
 


  • 02/03/2016 02:48
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 4754


Gửi nhận xét