Kiên Giang đầu tư phát triển lưới điện những vùng lõm

Từ nay đến năm 2020, tỉnh Kiên Giang sẽ đầu tư xây dựng phát triển lưới điện cho những vùng lõm, vùng chưa có điện ở một số huyện để cơ bản các hộ dân được sử dụng điện.

Trên địa bàn huyện Giồng Riềng, tỉnh thực hiện Dự án cấp điện cho đồng bào Khmer giai đoạn 2 với vốn đầu tư 36,4 tỷ đồng nhằm cấp điện gần 1.900 hộ dân. Dự án bao gồm lưới trung thế dài 40,8 km, hạ thế dài 83,8 km, tổng dung lượng trạm biến áp 1.263 kVA.

Tại huyện vùng sâu An Minh, tỉnh thực hiện dự án cấp điện cho đồng bào Khmer giai đoạn 2, gồm: Lưới trung thế dài 14 km, hạ thế dài 24,1 km, tổng dung lượng trạm biến áp 400 kVA, cấp điện cho 639 hộ dân với tổng vốn đầu tư 32,6 tỷ đồng.

Với địa bàn huyện Châu Thành, tỉnh thực hiện dự án cấp điện cho đồng bào Khmer giai đoạn 2, vốn đầu tư 5,4 tỷ đồng, gồm: Lưới trung thế dài 4 km, hạ thế dài 10,5 km, tổng dung lượng trạm biến áp 125 kVA. Đồng thời đầu tư 2 dự án trung thế dài 3,6 km, hạ thế dài 6,4 km, tổng dung lượng trạm biến áp 750 kVA, vốn đầu tư 5,9 tỷ đồng và dự án trung thế dài 1 km, hạ thế dài 1 km, tổng dung lượng trạm biến áp 25 kVA, vốn đầu tư 717 triệu đồng.

Ông Lương Quốc Bình, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Kiên Giang cho biết, mặc dù tỉnh có hơn 98% hộ dân sử dụng điện, nhưng hiện nay trên địa bàn vẫn còn nhiều nơi chưa có điện hoặc người dân sử dụng điện tự câu đuôi, chia hơi không đảm bảo an toàn. Để đầu tư phát triển lưới điện phủ kín vùng lõm, vùng chưa có điện, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của số hộ dân còn lại trong tỉnh cần số vốn rất lớn và phải thực hiện theo kế hoạch từng năm. Theo đó, việc đầu tư kéo điện ưu tiên cho các địa phương trong kế hoạch xây dựng nông thôn mới, những nơi đông dân cư, suất đầu tư thấp và những vùng có tính cấp thiết.

Cùng với thực hiện điện khí hóa nông thôn, tỉnh Kiên Giang đầu tư lưới điện cho vùng lõm, vùng chưa có điện ở những vùng sâu khó khăn trên địa bàn góp phần làm giảm và xóa tình trạng hộ dân sử dụng điện tự câu đuôi, chia hơi không an toàn để đến năm 2020, hầu hết các hộ dân nông thôn đều có điện sử dụng. Đồng thời, cải thiện đời sống sinh hoạt, phục vụ sản xuất của nhân dân, làm thay đổi bộ mặt nông thôn, nhất là những vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.