Hòa lưới thành công tổ máy 1 công trình Nhà máy Thủy điện Ialy mở rộng

07:59, 26/11/2024

Vào lúc 4h38 ngày 26/11/2024, tổ máy 1 của Nhà máy Thủy điện Ialy mở rộng đã hoà điện thành công vào lưới điện quốc gia - thông tin từ Ban Quản lý dự án Điện 2.

Cán bộ, kỹ sư của Ban Quản lý xây dựng EVN, Ban Quản lý dự án Điện 2, các nhà thầu , tư vấn giám sát,... vui mừng trong thời khắc tổ máy 1 của công trình thuỷ điện Ialy mở rộng được hoà lưới thành công. Ảnh ĐVCC

Ông Nguyễn Đức Minh, Phó Giám đốc ban Quản lý dự án Điện 2 kiêm Giám đốc ban Điều hành dự án Nhà máy Thuỷ điện Ialy mở rộng cho biết, với sự nỗ lực của Chủ đầu tư, các nhà thầu, các đơn vị tư vấn, giám sát, tổ máy 1 (180MW) của công trình đã được phát điện hòa lưới thành công chỉ sau gần 3 năm triển khai dự án Nhà máy Thuỷ điện Ialy mở rộng.

Song song với việc hoà lưới, công trường gấp rút hoàn thiện các công việc như giấy phép hoạt động điện lực, giấy phép môi trường, quy trình vận hành hồ chứa,... theo đúng quy định của pháp luật và hoàn thiện bàn giao công trình cho Công ty Thuỷ điện Ialy trong tháng 12/2024.

Hiện nay tổ máy 2 cũng đã hoàn thành lắp đặt đến 99% khối lượng công việc lắp đặt thiết bị, phấn đấu hoà lưới trước ngày 21/12 để thiết thực chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam (21/12/1954 - 21/12/2024).

Cán bộ, nhân viên Ban Quản lý xây dựng EVN, Ban Quản lý dự án Điện 2, Công ty Thủy điện Ialy, các nhà thầu chứng kiến thời khắc tổ máy 1 Nhà máy Thủy điện Ialy mở rộng hoà điện thành công vào lưới điện quốc gia

Dự án Nhà máy Thủy điện Ialy mở rộng có công suất thiết kế 360MW, gồm 2 tổ máy do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là chủ đầu tư. Ban Quản lý dự án Điện 2  (EVNPMB2) là đơn vị được EVN giao đại diện chủ đầu tư để triển khai thực hiện dự án. Tư vấn lập thiết kế các giai đoạn là Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng Điện 1. Tư vấn giám sát phần xây dựng do EVNPMB2 tự giám sát. Tư vấn lắp đặt thiết bị là liên danh gồm Công ty Thủy điện Ialy và Trung tâm Dịch vụ sửa chữa EVN.

Nguồn vốn thực hiện dự án bao gồm 30% vốn đối ứng của EVN và 70% còn lại được thu xếp từ nguồn vay tín dụng từ Agribank và Cơ quan Phát triển Pháp (AFD). Dự án được đầu tư xây dựng nhằm tăng khả năng huy động công suất cho phụ tải khu vực miền Nam, đặc biệt là trong các giờ cao điểm, góp phần cải thiện chế độ làm việc của hệ thống điện (như tăng nguồn và điện năng phủ đỉnh của biểu đồ phụ tải, tăng tính linh hoạt trong vận hành, tăng hệ số tin cậy, an toàn...), góp phần giảm chi phí sản xuất của hệ thống điện quốc gia.

Dự án cũng nhằm tận dụng tối đa khả năng của dòng chảy thông qua việc hạn chế lượng xả thừa hàng năm, tăng thêm giá trị sản lượng điện trung bình năm khoảng 233,2 triệu kWh/năm, góp phần giảm chi phí nhiên liệu sản xuất điện, giảm phát thải CO2 và giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch; giảm bớt cường độ làm việc của các tổ máy hiệu hữu, qua đó kéo dài tuổi thọ của thiết bị, tiết kiệm chi phí bảo dưỡng, sửa chữa.


Thanh Hương

Share