Hạn hán đe dọa an ninh năng lượng lục địa già

Châu Âu đang phải trải qua tình trạng hạn hán khắc nghiệt, khiến mực nước tại các con sông đều thấp hơn so với mức bình thường. Tình trạng này đang trở thành mối đe dọa mới đối với an ninh năng lượng của châu Âu, khi các nước cố gắng tìm các nguồn năng lượng thay thế cho khí đốt của Nga.

Các con sông khô cạn 

Mực nước Sông Loire của Pháp trong mùa hè năm nay đã giảm xuống mức thấp kỷ lục. Hiện lưu lượng dòng chảy của sông ở mức khoảng 40 m3/s – thấp hơn 20 lần so với mức trung bình hằng năm.

Còn tại Đức, sông Rhine cũng cạn nước đến mức các tàu chở hàng không thể chở đầy hàng qua sông.

Ông PETER CLAEREBOETS, Thuyền trưởng tàu Servia: “Thông thường đáy tàu sẽ ngập dưới nước khoảng 2m, nhưng bây giờ ở nhiều đoạn chỉ có 40cm. Đó thật sự là một thách thức để vượt qua những khu vực này mà không làm hỏng tàu.”

Đe dọa an ninh năng lượng Châu Âu 

Số liệu của công ty Statista, Đức cho thấy năng lượng thủy điện đã giảm khoảng 20% kể từ năm 2021. Điều này một phần là do các hồ chứa đã cạn kiệt ở các quốc gia như Italia, Serbia, Montenegro và Na Uy. Na Uy vốn là quốc gia sản xuất điện từ thủy điện lớn, nhưng giờ đây, chính quyền nước này đang thực hiện giảm xuất khẩu, ưu tiên lấp đầy hồ chứa đang ở mức thấp để có thể duy trì sản xuất điện phục vụ trong nước.

Còn tại Pháp, hạn hán cũng ảnh hưởng trực tiếp đến các nhà máy điện hạt nhân khi nước sông là biện pháp làm mát chính của các lò phản ứng. Là nước phụ thuộc 70% vào năng lượng hạt nhân, Pháp đã phải đóng cửa một số nhà máy do không có đủ nước để làm mát, bị trục trặc và các vấn đề bảo trì. Điều này đã khiến sản lượng thủy điện của Pháp giảm gần 50%.

Ông ERIC SAUQUET, Trưởng phòng khí tượng thủy văn, Viện nghiên cứu quốc gia Pháp: “Biến đổi khí hậu đang xảy ra và điều này không thể phủ nhận. Tất cả mọi người sẽ phải xem xét lại hành vi sử dụng tài nguyên nước của mình.” 

Sản lượng điện sản xuất từ thủy điện và hạt nhân ở châu Âu giảm đã khiến bức tranh an ninh năng lượng ở châu Âu thêm ảm đạm. EU cũng đã nhanh chóng chuyển từ khí đốt Nga sang khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của, nhưng tốc độ vẫn chưa đủ. Từ trước khi xảy ra hạn hán, các nước châu Âu đã phải vất vả đối phó với giá năng lượng tăng vọt do nguồn cung khí đốt từ Nga giảm mạnh. Trong khi đó, lượng khí đốt của tập đoàn Nga Gazprom đến châu Âu vẫn thấp hơn nhiều so với thường lệ. Khó khăn thực sự đang bủa vây Châu Âu trong bối cảnh nguồn cung năng lượng từ mọi nguồn của lục địa này đều đang trong tình trạng đáng báo động. 

Link gốc