Hà Nội: Nhức nhối vi phạm hành lang an toàn lưới điện

Dù đã áp dụng nhiều biện pháp, nhưng trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn còn gần 1.000 điểm vi phạm hành lang an toàn lưới điện. Vấn đề này đang là thực trạng nhức nhối đe dọa an toàn tính mạng của người dân thủ đô trong mùa mưa bão, trong khi chế tài xử phạt còn thiếu và yếu.

Vi phạm do buông lỏng quản lý

Thôn Thắng Đầu, xã Hòa Thạch là địa phương có nhiều vi phạm hành lang lưới điện nhất địa bàn Quốc Oai. Hiện xã có 17 hộ dân xây dựng công trình trong hành lang đảm bảo an toàn đường dây điện 110 kV Quốc Oai – Thạch Thất. Khoảng cách gần nhất giữa đường dây với công trình của người dân Thắng Đầu là 3 mét.

Nhìn đường dây 110 kV chạy lơ lửng trên công trình nhà dân, khiến nhiều người không khỏi ái ngại cho các hộ gia đình nơi đây. Ông Nguyễn Trọng Ánh, ở đội 4, thôn Thắng Đầu, xã Hòa Thạch, một trong những hộ nằm dưới đường dây điện cho biết, gia đình rất lo lắng mỗi khi mưa bão, nguy cơ bị phóng điện từ đường dây xuống nhà rất cao. “Gia đình chúng tôi phải luôn nhắc nhau, không được đi lại nhiều, mang vác vật cao, đặc biệt, tuyệt đối không được mở cửa ban công để giữ an toàn. Mặc dù, biết là nguy hiểm nhưng vì sinh nhai, nên gia đình tôi vẫn phải sinh sống trong sự bất an”, ông Ánh phân trần.

Bất chấp những cảnh báo của ngành Điện, một số hộ dân vẫn vô tư kinh doanh ngay chân các đường dây điện cao thế - Ảnh: Theo Vietnam+

Theo ông Đỗ Văn Cảnh, Chủ tịch UBND xã Hòa Thạch, đường dây điện đã có từ những năm 1999, thời điểm ấy, người dân ở cách quốc lộ khá xa. Nhưng khi con đường được nâng cấp mở rộng, người dân tiến dần ra mặt đường kinh doanh, nên nằm trong hành lang an toàn của đường dây 110 kV Quốc Oai – Thạch Thất.

Chủ tịch UBND xã Hòa Thạch cũng thừa nhận rằng, chính quyền lúc đó cũng còn nể nang, buông lỏng quản lý, chưa quyết liệt trong xử lý nên một số nhà dân đã vi phạm chỉ giới an toàn đường điện. Hiện, xã chưa có cách nào giải quyết triệt để tình trạng này mà chỉ canh chừng không để người dân phát sinh vi phạm, ảnh hưởng đến sự an toàn của lưới điện cũng như tính mạng. Mặt khác, địa phương cũng đang kiến nghị với cấp có thẩm quyền di chuyển đường dây hoặc bố trí khu vực tái định cư cho các hộ vi phạm hành lang lưới điện 110 kV.

Cần bổ sung chế tài xử phạt

Theo Tổng công ty Điện lực TP. Hà Nội, tính đến hết tháng 7, toàn thành phố còn 969 trường hợp vi phạm hành lang an toàn lưới điện. Trong số 77 vụ gây sự cố lưới điện, nguyên nhân chính được ngành Điện thủ đô xác định là do vi phạm hành lang an toàn lưới điện.

Điển hình, vào trưa ngày 23/4, trong quá trình thi công hệ thống thoát nước tại số 79 ngõ 34 Vĩnh Tuy, đơn vị thi công đã đóng cọc vào đường cáp ngầm trung thế 22kV lộ 480 (trạm 110 kV Mai Động). Sự cố trên đã gây mất điện 46 trạm biến áp, khiến 5.000 hộ dân quận Hai Bà Trưng và Hoàng Mai bị mất điện.

Trước đó, ngày 9/4 tại khu vực Hà Đông, do xây dựng vi phạm khoảng cách khiến đường dây Phú Lương phóng điện gây sự cố. Sự việc đã làm một số khu vực ở quận Hà Đông bị ngắt điện tới hơn 3 tiếng đồng hồ, mới khắc phục xong.

Ở mỗi tình huống vi phạm lưới điện trên địa bàn thủ đô, dù khác nhau về mặt cách thức nhưng có điểm chung là thường rất nặng nề, gây mất điện diện rộng, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của nhiều hộ dân. Vì vậy, việc đảm bảo vận hành lưới điện an toàn, thông suốt, đặc biệt vào mùa mưa bão luôn là một nhiệm vụ nặng nề đối với ngành điện thủ đô.

Ông Nguyễn Văn Quỳnh, Giám đốc Công ty Điện lực Quốc Oai cho biết, để đảm bảo cấp điện liên tục, đơn vị thường xuyên quan tâm tới việc bảo vệ hành lang an toàn lưới điện. Mỗi đường dây, khu vực đều được giao cho cán bộ quản lý, theo dõi. Ngoài việc phối hợp với chính quyền địa phương, điện lực huyện cũng chủ động giải tỏa, xử lý không để vi phạm mới phát sinh theo thẩm quyền. Ngoài ra, điện lực huyện cũng phối hợp với đài truyền thanh huyện, tăng cường công tác tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức bảo vệ hành lang an toàn lưới điện.

Ông Nguyễn Văn Quỳnh cũng kiến nghị, hiện nay, ngành Điện chỉ được phép lập biên bản và thông báo với chính quyền địa phương, chứ không được trao quyền xử phạt trực tiếp. Chính vì thế, khi công trình đã được xây dựng kiên cố, ngành điện chỉ còn cách tự bỏ 100% kinh phí ra để nâng cao cột, thay thế dây dẫn điện trần bằng dây bọc hoặc ngầm hoá lưới điện, nếu không muốn bị vi phạm. Vì vậy, các cơ quan chức năng cũng cần xem xét điều chỉnh những quy định để ngành điện thực quyền hơn trong xử lý vi phạm hành lang an toàn lưới điện.

Để tăng cường xử lý các vi phạm về bảo vệ hành lang an toàn lưới điện, cuối tháng 3 năm nay, thành phố Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo các ngành chức năng như: Công an, Công Thương, Điện lực và Ủy ban các quận, huyện trên địa bàn đẩy mạnh công tác tuyên truyền và có kế hoạch để có thể giảm tối thiểu 30% số điểm vi phạm. Tuy nhiên thực tế cho thấy, việc ngăn chặn, giảm thiểu vi phạm hành lang lưới điện phụ thuộc nhiều vào chính quyền địa phương và ý thức của người dân.

Theo ông Đinh Tiến Dũng, Phó trưởng Ban an toàn - Tổng công ty Điện lực TP. Hà Nội, biện pháp hữu hiệu giảm thiểu vi phạm hành lang lưới điện chính là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giúp người dân, doanh nghiệp hiểu và có ý thức tốt hơn không xây dựng, lấn chiến hành lang lưới điện.

Ông Dũng cho rằng, vai trò của chính quyền sở tại sẽ quyết định đến việc ngăn chặn, cưỡng chế giải tỏa vi phạm, bởi, chính quyền địa phương quản lý nguồn gốc đất đai, sẽ nắm rõ vi phạm hành lang lưới điện trên đất “nhảy dù” hay đất sổ đỏ để có phương án xử lý, di dời một cách đúng pháp luật nhất. Hơn nữa, chính quyền địa phương quản lý con người, nên cũng dễ tuyên truyền vận động người dân tự giác chấp hành các quy định của nhà nước về bảo vệ hành lang an toàn lưới điện.


  • 05/09/2014 07:28
  • Theo TTXVN
  • 519877


Gửi nhận xét