Giải quyết vi phạm an toàn hành lang lưới điện: Không chỉ dựa vào pháp lý

“Hầu hết các giải pháp đưa ra đều không đơn thuần dựa vào căn cứ pháp lý, cũng không dùng tiền để đền bù mà chủ yếu dựa vào sự phối hợp của chính quyền địa phương (xã, thôn, đội), thông qua các buổi  tuyên truyền vận động sự đồng thuận, ủng hộ của người dân”- Đó là những gì đúc kết được từ cuộc thi “Tìm kiếm ý tưởng, giải pháp giải quyết cây cối trong hành lang an toàn lưới điện” nhằm khai thác những ý tưởng hay, giải pháp tốt góp phần đảm bảo hành lang an toàn lưới điện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Hiện nay, Công ty Điện lực Quảng Nam quản lý vận hành trên 500 km đường dây 35 kV, khoảng 6000 km đường dây trung, hạ áp và 2630 TBA phân phối. Tại vùng đồi núi lưới điện phải băng qua những cánh rừng tự nhiên hoặc rừng trồng áp sát lưới điện.

Việc người dân trồng cây trong và gần lưới điện chỉ đơn thuần là tận dụng đất, giá trị kinh tế mang lại không nhiều, nhưng lại làm ảnh hưởng lớn đến việc vận hành lưới điện. Hằng năm, khi công nhân điện tiến hành kiểm tra phát quang cây cối thì thường gặp sự phản kháng của chủ cây, bắt buộc phải đền bù; thậm chí đã xảy ra trường hợp uy hiếp bắt giữ anh em công nhân, buộc phải đưa tiền đền bù. Một số nơi, do chủ cây không cho chặt cây, tỉa cành nên khi gặp bão, cây đổ đã gây hư hỏng lưới điện, làm mất điện cục bộ nhiều nơi.

Cái tình, cái lý trong giải quyết vấn đề này ở Quảng Nam thời gian qua đã được Công ty Điện lực Quảng Nam và các đơn vị trực thuộc vận dụng khá hiệu quả nhờ làm tốt công tác dân vận.  

Người dân - Nhân tố quan trọng bảo vệ  hành lang lưới điện. Ảnh CTV

Trở lại với cuộc thi “Tìm kiếm ý tưởng, giải pháp giải quyết cây cối trong hành lang an toàn lưới điện” do Công ty điện lực Quảng Nam tổ chức, các tác giả đạt giải chủ yếu là công nhân tổ lưới ở các điện lực trực thuộc - những người đã từng gắn bó với người dân và đã có những bài học “xương máu” trong việc chặt cây, tỉa cành để giữ vững an toàn cho lưới điện. Kết quả  cuộc thi: Giải Nhất, Nhì, Ba thuộc về các Điện lực: Núi Thành, Trà My, Quế Sơn và các phòng: Kỹ thuật - Kỹ thuật an toàn, Điều độ, Tài chính. Về cá nhân, Đào Phước Tiệp, Lương Chí Thành (Điện lực Trà My, giải Nhất); Nguyễn Đức Ngộ (Điện lực Đông Giang, giải Nhì) và Nguyễn Ngọc Quốc (Điện lực Núi Thành, giải Ba).

Hầu hết các giải pháp đưa ra đều không chỉ dựa vào căn cứ pháp lý, cũng không dùng tiền để đền bù mà chủ yếu dựa vào sự phối hợp của chính quyền địa phương (xã, thôn, đội), thông qua tuyên truyền vận động sự đồng thuận, ủng hộ của người dân; đồng thời, cán bộ địa phương cùng Điện lực phối hợp chia nhau đến các hộ gia đình là chủ cây, giải thích tác hại của cây cối đối với sự an toàn của lưới điện, nhằm tìm kiếm sự ủng hộ và chia sẻ cùa người dân.

Người dân cùng tham gia bảo vệ  hành lang lưới điện. Ảnh CTV

Trao đổi với chúng tôi, tác giả Nguyễn Đức Ngộ, Tổ trưởng Tổ hỗn hợp Tây Giang (trực thuộc Điện lực Đông Giang) – Giải Nhì cuộc thi cho biết: Quan trọng nhất là phải sâu sát với dân, công nhân muốn chặt cây thì phải đến từng hộ gia đình vận động, tuyệt đối không tự tiện chặt cây, tỉa cành khi không được phép của chủ cây. Mặt khác phải cùng với chính quyền xã và thôn tuyên truyền để người dân hiểu mà tự giác giải quyết. “Qua nhiều năm tiếp xúc, vận động người dân chặt cây, chúng tôi nhận thấy, đa số các hộ dân không cần tiền đền bù cho cây. Cái người dân cần là sự rõ ràng, minh bạch và cách ứng xử tốt” – ông Ngộ nói.

Thật ra, giải pháp của các tác giả cũng chỉ là việc đúc kết kinh nghiệm xử lý công việc hằng ngày mà họ đã từng trải qua. Đó cũng chính là việc vận dụng những điều khoản trong Quy chế phối hợp chia sẻ trách nhiệm đã được ký kết giữa lãnh đạo PC Quảng Nam và UBND các huyện, thành phố; giữa lãnh đạo các Điện lực và UBND các xã, phường vào thực tế công việc. Đó là việc kiên trì vận động, thuyết phục; giải quyết có lý, có tình nên các hộ dân đồng tình và tham gia giải quyết cây cối trong hành lang tuyến.


  • 20/06/2014 02:02
  • Theo TCĐL Chuyên đề QL&HN
  • 3805


Gửi nhận xét