Giải phóng mặt bằng các dự án điện vùng sâu tỉnh Thái Nguyên: Bài học "lòng dân"

Hơn 99,43% hộ dân nông thôn có điện lưới quốc gia là con số không hề nhỏ đối với một tỉnh miền núi có nhiều huyện, xã vùng vùng sâu, địa hình phức tạp, kinh tế khó khăn như Thái Nguyên. Đâu là "Bí quyết" của thành công?

Năm 2008, khi bắt đầu thực hiện các dự án đưa điện đến các xã vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, Lãnh đạo Công ty Điện lực Thái Nguyên đã xác định đây là một nhiệm vụ hết sức khó khăn. Không chỉ đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn, thời gian, công sức, nhân lực phải bỏ ra rất nhiều, mà điều kiện địa hình, thời tiết, khí hậu, tập quán sinh hoạt của đồng bào các dân tộc thiểu số... cũng là những thách thức không nhỏ, nhất là trong khâu giải phóng mặt bằng cho các dự án.

Phân tích về những đặc thù trong công tác giải phóng mặt bằng, ông Dương Thái Sơn - Phó giám đốc PC Thái Nguyên, chia sẻ: Tuy giá đất, giá đền bù tại các xã miền núi không cao như các thành phố lớn, nhưng phong tục tập quán của người dân địa phương lại rất khác biệt nên công tác giải phóng mặt bằng không hề đơn giản. Hơn thế nữa, nhiều bà con ở các xã vùng sâu, vùng xa ban đầu chưa hiểu hết ý nghĩa của việc đưa điện về với bản làng, vì vậy chưa sẵn sàng nhường đất cho Dự án, nếu vận động không khéo còn nảy sinh mâu thuẫn khó triển khai công việc.

Hiểu rõ phong tục và gắn bó với người dân địa phương là bí quyết để người làm điện Thái Nguyên hoàn thành giải phóng mặt bằng các dự án điện - Ảnh: Phan Trang

Qua kinh nghiệm 5 năm triển khai các dự án điện vùng sâu, vùng xa trong tỉnh Thái Nguyên cho thấy nếu được bà con nhân dân ủng hộ, thì thậm chí nhiều nơi, nhiều người còn sẵn sàng nhường đất cho các công trình, dự án quốc gia, trong đó có các dự án điện. Hiểu rõ về đặc thù địa phương, phong tục tập quán và những nét văn hóa riêng của các dân tộc chính là "bí quyết" để người làm điện Thái Nguyên làm tốt công tác dân vận trong khâu giải phóng mặt bằng.

Cụ thể, Công ty Điện lực Thái Nguyên đã dựa vào sự tín nhiệm của nhân dân địa phương đối với các cán bộ làm việc lâu năm, cắm chốt, cắm bản ở đó để vận động bà con. Khi có dự án cấp điện về các bản vùng sâu, vùng xa, cán bộ tại các điện lực thậm chí phải đến từng hộ gia đình, trò chuyện, giải thích, cam kết với bà con về các cơ chế chính sách đền bù giải phóng mặt bằng, nói rõ về những lợi ích khi có điện về bản làng... Có nhà phải đi lại đến vài chục lần gặp gỡ, chuyện trò, uống rượu với bà con... Đó là chuyện hết sức bình thường trong công tác "dân vận" của điện lực vùng cao - anh Lê Văn Mạnh - Trưởng phòng Kỹ thuật Điện lực Võ Nhai, tâm sự. Phải hiểu rõ từ việc “làm dấu” của người Mông treo trước cửa nhà khi gia đình có người mới sinh, đến phong tục của người Dao khi nhà có đám tang... từ đó lựa chọn thời điểm đến làm công tác "dân vận" thì mới thành công. Đó chính là bài học cơ bản mà những cán bộ điện lực vùng cao như anh Mạnh đều đã "thuộc lòng" và vận dụng thành công.

Bên cạnh "dân vận khéo", thì việc dựa vào chính quyền, tranh thủ được sức mạnh của chính quyền cũng chính là một trong những "bí quyết" thành công của ngành Điện Thái Nguyên. Theo phân tích của ông Dương Thái Sơn, dù ngành Điện nỗ lực và "dân vận khéo" nhưng vẫn không thể gần dân, hiểu dân bằng chính quyền địa phương các cấp. Cụ thể, với các dự án điện vùng sâu vùng xa của tỉnh Thái Nguyên, ngành Điện đã phối hợp với chính quyền từ cấp thôn, bản, đến các xã, huyện để có thể tận dụng tối đa sức mạnh tổng hợp. Đặc biệt, đối với một số địa phương có nhiều người dân tộc thiểu số như ở Võ Nhai, chính quyền địa phương đã vào cuộc cùng ngành Điện hết sức kịp thời, hiệu quả.

Theo ông Dương Hữu Kiều - Chủ tịch UBND xã Phương Dao - huyện Võ Nhai, ngành Điện đã chủ động phối hợp với chính quyền xã, có cơ chế làm việc với xã thường xuyên, nên chính quyền xã cũng đã vào cuộc rất kịp thời. Ngay khi mới có dự án, chính quyền xã đã tổ chức họp dân, thông báo, tuyên truyền, lấy ý kiến người dân một cách công khai, dân chủ... Công tác tuyên truyền giải phóng mặt bằng dự án điện cũng được lồng ghép khéo léo đối với các dự án hạ tầng và xóa đói giảm nghèo khác của địa phương nên đã được người dân đồng tình, ủng hộ cao.

Anh Bế Minh Tuấn - Bí thư Chi bộ xóm Nà Canh - xã Phương Dao (xóm vừa mới được cấp điện trong tháng 11/2013), cho biết: Bản thân anh cũng đã từng làm "tuyên truyền viên" cho dự án điện, vận động, giải thích cho nhân dân Nà Canh hiểu và đồng thuận với các chính sách đền bù giải phòng mặt bằng của Dự án này... Anh Tuấn tỏ ra rất vui và tự hào vì đã góp sức cho việc sớm đưa điện về thắp sáng Nà Canh...

Rõ ràng, "được lòng dân và dựa vào chính quyền" tuy không phải là mới, nhưng đã được Công ty Điện lực Thái Nguyên vận dụng nhuần nhuyễn và hiệu quả. Thiết nghĩ, đây cũng là bài học quý về việc tháo gỡ những "điểm nghẽn" trong khâu giải phóng mặt bằng các dự án điện vùng cao đặc thù nói riêng, công tác giải phóng mặt bằng các dự án điện nói chung.
 


  • 16/04/2014 08:04
  • Theo TCĐL chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 2994


Gửi nhận xét