Gần 50% số vụ cháy nổ liên quan đến điện

Theo thống kê của Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ - CO7 (Bộ Công an) có gần 50% vụ cháy nổ liên quan đến sử dụng điện sinh hoạt. Tuy vậy, vẫn chưa có một chế tài đủ mạnh, xử lý mạnh các sai phạm trong sử dụng điện sinh hoạt.

Thượng tá Hoàng Ngọc Huynh - Phó Cục trưởng C07 cho biết các lỗi chủ yếu ở đây là do vi phạm khoảng cách an toàn lưới điện, dẫn đến phóng điện; việc thiết kế, lắp đặt các MBA, máy phát điện có công suất định mức thấp hơn công suất phụ tải; không kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ các nguồn điện, dẫn đến mất khả năng cách điện, quá tải, kết quả là xảy ra cháy, nổ.

Ngoài ra, chất lượng thiết bị, đồ dùng điện sinh hoạt trong các hộ gia đình không được kiểm tra, kiểm soát thường xuyên; người dân thường tự ý lắp thêm các thiết bị, đồ điện có công suất tiêu thụ lớn, vượt quá khả năng chịu tải của hệ thống điện trong gia đình. Ý thức của người sử dụng điện chưa cao, chưa lường hết hậu quả khi tự thay đổi kết cấu mạng điện gia đình.

Ảnh minh họa

Theo ông Ngô Sơn Hải - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, EVN đã cung cấp điện đến 100% số xã và 99,52% số hộ dân với tổng số hơn 28 triệu khách hàng sử dụng điện. Trong thời gian qua, EVN đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm ngăn ngừa các nguy cơ cháy nổ, gây mất an toàn điện, ảnh hưởng đến việc vận hành hệ thống điện đồng thời thường xuyên kiểm tra phát hiện, thay thế kịp thời các vật liệu, thiết bị đã qua sử dụng lâu ngày hoặc có chất lượng kém. Ngoài ra, EVN thường xuyên phối hợp với chính quyền các địa phương, Cảnh sát PCCC tuyên truyền về sử dụng điện an toàn, hiệu quả đối với lưới điện sau công tơ của cơ sở, hộ tiêu thụ điện nhằm giảm thiểu thiệt hại tình trạng cháy nổ do điện gây ra.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Tuấn Anh - Cục trưởng C07, kinh tế Việt Nam trong những năm qua phát triển với tốc độ khá cao, quá trình CNH- HĐH diễn ra rất nhanh ở hầu hết các địa phương. Chất lượng cuộc sống của người dân được nâng cao, nhu cầu sử dụng các thiết bị điện ngày càng nhiều. Những yếu tố đó đã kéo theo nhu cầu tiêu thụ năng lượng, trong đó có sự tiêu thụ điện ngày càng tăng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra cháy, nổ.

Chính vì vậy, trong thời gian tới, các Bộ, ngành, địa phương cần chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực hiện công tác quản lý, đánh giá chất lượng sản phẩm hàng hóa, thiết bị điện, kiểm tra, điều tra giải quyết các vụ cháy, nổ do chập điện. EVN cần chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc cử cán bộ, chuyên viên phụ trách an toàn tham gia các chương trình đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu về an toàn PCCC.

Cần có các quy định, chế tài đủ mạnh, buộc các chủ đầu tư, tổ chức, doanh nghiệp khi đầu tư xây dựng dự án, công trình phải nghiên cứu, nắm bắt và vận dụng đầy đủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn về kỹ thuật điện trong thiết kế, lựa chọn thiết bị, lắp đặt và nghiệm thu, đưa công trình vào sử dụng bảo đảm vận hành an toàn, tin cậy.

Trong quá trình sử dụng điện khi có nhu cầu tăng thêm các thiết bị tiêu thụ điện, người dân cần phải thông báo cho bên cung ứng điện, rà soát, đánh giá lại hệ thống đường dây dẫn, thiết bị bảo vệ có đáp ứng được yêu cầu công suất tăng thêm hay không. Trường hợp không bảo đảm phải tiến hành cải tạo, nâng cấp hoặc thay thế đồng bộ hệ thống điện, trước khi đưa vào sử dụng; kiểm tra, bảo trì hệ thống, thiết bị điện, thay thế kịp thời các thiết bị hư hỏng hoặc không bảo đảm yêu cầu. Việc sử dụng điện phải bảo đảm quy định an toàn về PCCC. 


  • 01/09/2020 09:51
  • Nguồn: Tạp chí Điện lực Chuyên đề Thế giới điện
  • 10642