Tham gia Hội thảo có đại diện Sở Công Thương, Đại học Bách Khoa Đà Nẵng - đơn vị tư vấn cho Sở Công Thương thực hiện đánh giá hiệu quả dự án ĐMTMN, 10 công ty cung cấp giải pháp điện mặt trời, 3 tổ chức tài chính, cung cấp giải pháp hỗ trợ đầu tư ĐMTMN, 60 khách hàng sử dụng điện có quan tâm, có tiềm năng lắp đặt ĐMTMN.
Cùng dự có lãnh đạo ban chuyên môn của EVN, EVNCPC và các đơn vị thành viên trên địa bàn 13 tỉnh, TP miền Trung - Tây Nguyên.
Lãnh đạo Ban Kinh doanh EVN, lãnh đạo EVNCPC cùng dự Hội thảo
|
Tự cung cấp điện bằng giải pháp đầu tư ĐMTMN gắn với công trình xây dựng hiện đang là xu hướng của các nước trên thế giới. Bởi đây là nguồn năng lượng tái tạo, thân thiện với môi trường, không bị cạn kiệt như nguồn năng lượng hóa thạch.
Địa bàn miền Trung – Tây Nguyên có bức xạ mặt trời và số giờ nắng trung bình khá cao, có tiềm năng rất lớn để phát triển ĐMTMN. Khách hàng lắp đặt ĐMTMN có nhiều lợi ích như: Tiết kiệm chi phí tiền điện nhờ giảm mua điện lưới quốc gia; có thể bán phần điện không sử dụng hết cho ngành Điện với giá cao; có thời gian hưởng lợi lâu dài sau thời gian thu hồi vốn; chống nóng hiệu quả cho nhà ở, công trình xây dựng; nâng cao thương hiệu, hình ảnh của doanh nghiệp khi sử dụng năng lượng sạch, có thể được cấp chứng chỉ năng lượng tái tạo giúp tăng lợi thế cạnh tranh.
Với mong muốn đồng hành trong việc đầu tư điện mặt trời của khách hàng, EVNCPC tổ chức Hội thảo Phát triển điện mặt trời trên mái nhà tạo diễn đàn kết nối các khách hàng tiềm năng trên địa bàn miền Trung - Tây Nguyên với các nhà cung cấp hệ thống điện mặt trời, tổ chức tài chính và ngành Điện. Qua đó cung cấp cho khách hàng đầy đủ thông tin về chính sách, cơ chế của nhà nước, giải đáp các ý kiến thắc mắc, từ đó khách hàng có đủ cơ sở đề quyết định đầu tư ĐMTMN.
Hội thảo đề cập đến các nội dung: Tình hình triển khai và các giải pháp khuyến khích lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà ở khu vực miền Trung -Tây Nguyên; Tiềm năng điện mặt trời mái nhà tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên và hướng dẫn đấu nối, kiểm tra thử nghiệm; Hiệu quả kinh tế dự án ĐMTMN - dự án thực tế đã triển khai; Quy trình thực hiện dự án ĐMTMN và kết quả phát triển ĐMTMN tại tỉnh Đăk Lăk; Điện mặt trời trên mái nhà - Giải pháp năng lượng bền vững và hiệu quả; Giải pháp tài chính đối với ĐMTMN tại Việt Nam; Điện mặt trời hòa lưới không accu; Giải pháp điện mặt trời áp mái - Bảo hiểm sản lượng và hỗ trợ tài chính; Nhà thầu EPC, lắp đặt, vận hành và bảo dưỡng các hệ thống/dự án Điện mặt trời chất lượng cao trên mái nhà và trang trại (Rooftop & Solar Farm).
Bà Lê Thị Phương Cẩm - Trưởng Ban Kinh doanh EVNCPC trình bày tham luận "Tình hình triển khai và các giải pháp khuyến khích lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà ở khu vực miền Trung-Tây Nguyên"
|
Bên cạnh đó tại Hội thảo còn giới thiệu các văn bản của pháp luật về phát triển điện mặt trời của Chính phủ, Bộ Công thương và ngành Điện: Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/04/2017 về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam và số 02/2019/QĐTTg ngày 08/01/2019 sửa đổi bổ sung một số điều của QĐ 11/2017/QĐ-TTg; các thông tư số 16/2017/TT-BCT ngày 12/09/2017 quy định phát triển dự án và hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án ĐMT, số 05/2019/TT-BCT ngày 11/03/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của thông tư 16/2017;
Hội thảo cũng giới thiệu các văn bản của Tập đoàn Điện lực Việt Nam ban hành như văn bản số 1530/EVN-TCKT ngày 27/03/2019 về việc hạch toán doanh thu, chi phí hệ thống điện áp mái tại văn phòng Tổng công ty và các đơn vị trực thuộc, số 1532/EVN-KD ngày 27/03/2019 và số 1586/EVN-KD ngày 28/03/2019 hướng dẫn thực hiện các dự án ĐMTMN.
Thời gian tới, EVNCPC tiếp tục quảng bá, hỗ trợ khách hàng trong việc tư vấn, khảo sát, nghiệm thu, đấu nối các dự án ĐMTMN vào lưới điện EVNCPC; ký kết chính thức hợp đồng mua bán điện với các dự án ĐMTMN, thanh toán tiền mua điện phát ra lưới cho chủ đầu tư ngay khi Thông tư 05/2019/TT-BCT có hiệu lực; đề xuất EVN tìm kiếm nguồn tài trợ để hỗ trợ một phần kinh phí cho khách hàng lắp đặt ĐMTMN; phát triển các mô hình ESCO, kêu gọi bên thứ 3 đầu tư ĐMTMN.
Tại Hội thảo, ông Phạm Sỹ Hùng – Phó Tổng giám đốc EVNCPC đã giải đáp các thắc mắc của nhà đầu tư, trong đó khuyến khích công trình điện mặt trời lắp trên mái nhà, mái nhà của trang trại có sẵn (công suất nhỏ hơn 1 MWp) nhận được ưu đãi theo quy định là được ngành Điện mua điện với giá cao (giá 9,35 cent/1 kWh) khi dự án được phát điện trước 30/6/2019 và giá này được kéo dài đến 20 năm.
Kết luận tại Hội thảo, ông Phạm Sỹ Hùng – Phó Tổng giám đốc EVNCPC nhấn mạnh mục đích của Hội thảo hôm nay là tạo ra môi trường để nhà đầu tư, nhà cung cấp giải pháp, nhà tài chính và EVNCPC gặp nhau để thảo luận về những chính sách mà các Bộ, ngành triển khai; sự quan tâm của nhà đầu tư đối với ĐMTMN.
Năm 2019, EVN giao cho EVNCPC vận động, hỗ trợ, khuyến khích các nhà đầu tư thực hiện ĐMTMN với công suất 48 MWp trên phạm vi 13 tỉnh, thành phố miền Trung – Tây Nguyên và 9,4 MWp trên mái nhà các văn phòng, các điện lực, trạm biến áp của Tổng công ty.
Ông Phạm Sỹ Hùng - Phó Tổng giám đốc EVNCPC kết luận tại Hội thảo
|
Các tài liệu liên quan về quy định của nhà nước, của EVN, các giải pháp kỹ thuật và tài chính đã trình bày tại Hội thảo sẽ được EVNCPC đăng tải trên trang tin điện tử của Tổng công ty, để các nhà đầu tư/người dân quan tâm có thể tìm đọc, tham khảo thông tin" - ông Phạm Sỹ Hùng cho biết.
"Đối với nhà đầu tư, nhà cung cấp giải pháp, tài chính cho ĐMTMN cần phối hợp với Tổng công ty qua đầu mối là Trung tâm CSKH Điện lực miền Trung, qua đó tạo ra sự gắn kết để nhà đầu tư có nhu cầu đầu tư thì EVNCPC cung cấp ngay các thông tin kết nối giữa các bên”.
Hiện nay, còn một số dự án ĐMTMN sắp đưa vào vận hành, việc lắp đặt công tơ 2 chiều miễn phí sẽ được EVNCPC thực hiện để đưa công trình nhanh chóng vào vận hành.
Phó Tổng giám đốc EVNCPC bày tỏ: “Chúng tôi có 10 phần thưởng cho 10 nhà đầu tư tốt, hiệu quả tiêu biểu trong năm nay để tri ân nhà đầu tư điện áp mái đã góp phần đầu tư tạo ra nguồn điện từ năng lượng sạch tại miền Trung – Tây Nguyên. Phát triển điện mặt trời nói chung, điện mặt trời áp mái là quá trình lâu dài. Hội thảo đã tiên phong trong việc quảng bá điện mặt trời áp mái, kêu gọi đầu tư tại miền Trung – Tây Nguyên để cùng góp sức cung cấp thêm nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo tại Việt Nam, qua đó góp phần giảm bớt áp lực về nguồn điện đang thiếu hụt hiện nay. Những kiến nghị, ý kiến hôm nay tại Hội thảo, chúng tôi đều đã ghi nhận và sẽ có thông tin kịp thời đến nhà đầu tư”.
Thời gian qua, thực hiện chủ trương của Chính phủ, EVNCPC đã hỗ trợ khách hàng lắp đặt ĐMTMN bằng việc sẵn sàng để ký kết hợp đồng, lắp đặt công tơ hai chiều miễn phí, thanh toán tiền mua điện từ các dự án ĐMTMN với khách hàng.
Tính đến tháng 2/2019, khu vực miền Trung- Tây Nguyên đã có 330 khách hàng lắp đặt ĐMTMN đấu nối vào lưới điện EVNCPC với tổng công suất 2,1 MWp; EVNCPC đã đầu tư lắp đặt ĐMTMN ở các trụ sở Điện lực, đến 30/6/2019 sẽ đạt mức công suất 7,2 MWp.
Một số hình ảnh giới thiệu các giải pháp về kỹ thuật, tài chính với các nhà đầu tư ĐMTMN bên lề Hội thảo:
Theo cpc.vn
Share