EVN tăng năng suất lao động: Những nỗ lực không mệt mỏi

Năm 2015 được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chọn là năm “Năng suất - hiệu quả”. Tuy nhiên, không phải đến bây giờ EVN mới bắt đầu chú trọng đến  vấn đề này, mà từ nhiều năm qua, nâng cao năng suất lao động luôn được EVN nỗ lực thực hiện.

Từ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Trong vòng 6 năm (từ 2009 - 2014), sản lượng điện thương phẩm đã tăng gần 72%, lượng khách hàng tăng gần 41%, trong khi đó nhân lực chỉ tăng gần 10,6%. Năm 2014, EVN không tăng biên chế. Những con số trên đây đã thể hiện những nỗ lực của EVN trong việc nâng cao NSLĐ, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, tại một số đơn vị như Tổng công ty Điện lực thành phố Hồ Chí Minh (EVN HCMC), từ năm 2005 đến nay, số lượng lao động giảm chứ không tăng.

Để có được những kết quả trên đây, EVN đặc biệt chú trọng công tác quản lý, nâng cao trình độ, chất lượng nguồn nhân lực - một trong những yếu tố quyết định NSLĐ. Nếu năm 2009, tỷ lệ lao động trên đại học của Tập đoàn chỉ chiếm 1,29%, đến năm 2013 đã chiếm 1,95%; trình độ đại học từ 28,25% tăng lên 31,45%; cao đẳng và trung cấp nghề tăng từ 20,89% lên 21,49%..., trong khi đó lao động phổ thông và ngành nghề khác giảm từ 11,38% xuống còn 5,25%.

Hàng năm, các đơn vị trong Tập đoàn đều tổ chức các khóa đào tạo nâng cao trình độ của CBCNV-LĐ, với số lượng bình quân hơn 1 lượt/người/năm. Riêng đội ngũ cán bộ, quản lý, từ năm 2010-2013, hầu hết cán bộ quản lý của các đơn vị cấp 2 trở lên đều được tham gia các khóa đào tạo quản trị doanh nghiệp hiện đại, với nội dung phong phú, đa dạng như: Xây dựng kế hoạch chiến lược quản trị tài chính, quản trị nhân sự, quản lý dự án. Năm 2014, EVN còn tiến hành các chương trình đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý và cán bộ nằm trong diện quy hoạch cấp 1, cấp 2, cấp 3 và cấp 4, chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao kế cận các vị trí trong bộ máy quản lý EVN.

Bên cạnh đó, EVN cũng đã và đang cử CBCNV đi học tập, trao đổi kinh nghiệm ở nước ngoài, từng bước tiếp cận kỹ thuật công nghệ tiên tiến trên thế giới, có khả năng nắm bắt, làm chủ công nghệ hiện đại, hướng tới tự chủ về kỹ thuật, công nghệ...

Xây dựng và vận hành các trạm biến áp không người trực là một trong những giải pháp hữu hiệu giúp EVN nâng cao NSLĐ - Ảnh: Hồng Hoa

Đến sự đổi mới mạnh về công nghệ

Cùng với việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, EVN cũng đã có bước tiến dài trong ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất, kinh doanh điện năng, góp phần tăng NSLĐ một cách bền vững.

Hiện nay, cả 5 tổng công ty điện lực đều đã sử dụng hóa đơn điện tử, thanh toán tiền điện qua ngân hàng, vừa giảm chi phí phát hành hóa đơn giấy truyền thống, vừa tinh giản được lực lượng nhân viên đi thu tiền điện. Ngoài ra, các tổng công ty điện lực cũng đã lắp đặt hàng triệu công tơ điện tử; ứng dụng phần mềm ghi chỉ số và chấm xóa nợ từ xa trên thiết bị thông minh smart phone, tablet…; áp dụng công nghệ mã vạch trong công tác quản lý đo đếm, chấm xóa nợ... Những công nghệ này thực sự đã đem lại nhiều lợi ích thiết thực, giúp các công ty điện lực sử dụng nguồn nhân lực một cách hợp lý. Nếu trước đây, nhân viên điện lực ghi chỉ số phải cần đến 2 người, một người trèo lên cột đọc chỉ số công tơ, một người ghi chép, hiện nay, chỉ cần 1 nhân viên đứng dưới đất, cách các hộp công tơ điện khoảng 5 m đã có thể ghi chỉ số một cách chính xác và rõ ràng. Công tơ điện tử cũng góp phần quản lý số liệu đo đếm chính xác và tự động hóa, hiện đại hóa hệ thống thông tin phục vụ khách hàng, góp phần minh bạch trong công tác kinh doanh điện năng.

Đặc biệt, hiện ngành Điện đang đầu tư, xây dựng các trạm biến áp không người trực. Cuối năm 2014, Trạm điện cao thế 110 kV Tân Sơn Nhất (trực thuộc Công ty Lưới điện cao thế TP.HCM của EVN HCMC) sau thời gian thí điểm, chính thức đi vào vận hành theo cơ chế không người trực. Sau thí điểm thành công trạm Tân Sơn Nhất, trong năm 2015, EVN HCMC sẽ triển khai thêm 5 trạm khác gồm: Trạm Tăng Nhơn Phú, Nam Sài Gòn 1, Phú Mỹ Hưng A, Tân Quy (huyện Củ Chi) và Đa Kao (Quận 1).

Cùng với EVN HCMC, Tổng công ty Điện lực miền Nam cũng đang triển khai hệ thống giám sát điều khiển, thu thập dữ liệu và quản lý điện năng (scada) và TBA 110 kV không người trực tại 21 tỉnh phía Nam, dự kiến đến quý 4/2016 sẽ hoàn thành. Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVN CPC) cũng đã vận hành mô hình trạm biến 110 kV một người trực, bán người trực, góp phần giảm đáng kể số lượng nhân viên vận hành tại các TBA, giảm chi phí vận hành bảo dưỡng và tăng NSLĐ. EVN CPC đang đặt ra mục tiêu, từ năm 2015 - 2016, sẽ hình thành 4 Trung tâm Điều khiển tại Khánh Hòa, Bình Định, Đà Nẵng, Công ty Lưới điện Cao thế miền Trung; kết nối tất cả các TBA 110 kV đã đầu tư theo giải pháp DSC/Gateway về Trung tâm Điều khiển và thực hiện chuyển sang TBA 110 kV bán trực; tiến hành thí điểm 1 TBA 110 kV không người trực...

TBA không người trực là giải pháp hợp lý cho hệ thống điện vì được quản lý vận hành một cách tự động, nâng cao NSLĐ, giảm tối đa nhân lực. Trong tương lai, hàng loạt trạm biến áp không người trực, vận hành tự động, điều khiển từ xa sẽ được ngành Điện đưa vào vận hành. Đây cũng là hướng đi tất yếu, tiến tới thực hiện lộ trình lưới điện thông minh.

Còn đó những khó khăn…

Để nâng cao NSLĐ, EVN đã và đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: Tái cơ cấu doanh nghiệp; đổi mới cơ chế quản lý lao động; thuê tư vấn độc lập đánh giá định biên lao động, xác định NSLĐ của các đơn vị, từ đó bố trí, sắp xếp lại nguồn lao động một cách hợp lý; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin vào lĩnh vực trực trạm, kinh doanh bán điện... Tuy vậy, để sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, EVN vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn, thử thách.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin, đưa khoa học kỹ thuật hiện đại ứng dụng vào sản xuất - kinh doanh là một trong những tiền đề nhằm nâng cao NSLĐ nhưng lại cần vốn đầu tư rất lớn. Trong khi đó, hàng năm EVN vẫn phải đầu tư mới, cải tạo hệ thống lưới điện, đưa điện về các vùng sâu, vùng xa chưa có điện lưới. Cùng với đó, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động dôi dư khi đưa công nghệ hiện đại vào sản xuất, kinh doanh như: Nhân viên thu tiền điện, ghi chỉ số công tơ, nhân viên từ các trạm từ các TBA không người trực... cũng là một bài toán không đơn giản. Không chỉ có vậy, địa bàn quản lý rộng, số lượng khách hàng sử dụng điện ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa ngày càng tăng  cũng là những trở ngại lớn trong việc ứng dụng các công nghệ hiện đại, góp phần quan trọng vào việc  tăng NSLĐ như: Hóa đơn điện tử, thu tiền điện qua ngân hàng...

Tăng NSLĐ không phải là vấn đề có thể giải quyết trong một sớm, một chiều mà cần có thời gian, lộ trình. Điều quan trọng, EVN cần có sự vào cuộc đồng bộ từ lãnh đạo các đơn vị đến CBCNV-LĐ trong việc nâng cao năng suất lao động và hiệu quả sản xuất - kinh doanh.


  • 14/07/2015 01:21
  • Theo Tạp chí Điện lực chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 2978


Gửi nhận xét