EVN sẽ cơ bản hoàn thành chuyển đổi số vào năm 2022

Đó là khẳng định của ông Dương Quang Thành – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khi đề cập đến Nghị quyết của Đảng ủy Tập đoàn về “Thực hiện chuyển đổi số trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam” vừa được ban hành.

Ông Dương Quang Thành

PV: Xin ông cho biết, vì sao Đảng ủy EVN ban hành Nghị quyết “Thực hiện chuyển đổi số trong EVN” vào thời điểm này?

Ông Dương Quang Thành: Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) với sự tiến bộ vượt bậc của khoa học công nghệ (KHCN) đã tác động mạnh và sâu sắc đến các lĩnh vực hoạt động trên thế giới. Đây cũng vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với mỗi quốc gia, mỗi dân tộc, mỗi ngành và đòi hỏi phải có sự thay đổi phù hợp. Việc ứng dụng thành quả của CMCN 4.0 vào hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Điện lực Việt Nam trên nền tảng số hoá sẽ có vai trò quyết định đến sự phát triển của Tập đoàn.

Trong thời gian qua, Đảng ủy Tập đoàn đã ban hành các nghị quyết về lãnh đạo, chỉ đạo Tập đoàn và đơn vị quyết tâm xây dựng EVN trở thành Tập đoàn kinh tế phát triển toàn diện trên cơ sở ứng dụng thành tựu KHCN trong các hoạt động, từ quản trị doanh nghiệp, sản xuất, truyền tải, phân phối đến kinh doanh và dịch vụ khách hàng. Để ứng dụng hiệu quả các thành tựu của CMCN 4.0, việc chuyển đổi số là tiền đề và có ý nghĩa quyết định. Trong quá trình triển khai, thực hiện chuyển đổi số, Tập đoàn và đơn vị đã nghiên cứu ứng dụng thử nghiệm trong một số lĩnh vực quản lý kỹ thuật, chăm sóc khách hàng và đã thu được những kết quả khả quan. EVN đã được các tổ chức đánh giá là đơn vị đi đầu trong ứng dụng khoa học công nghệ với nhiều các giải thưởng như Sao Khuê, Doanh nghiệp chuyển đổi số xuất sắc...

Với mục tiêu xây dựng EVN trở thành doanh nghiệp số, tận dụng tối đa sức mạnh của công nghệ số, dữ liệu số, gia tăng hiệu quả hoạt động, đổi mới sáng tạo, tối ưu hóa chi phí, nâng cao trải nghiệm và mức độ hài lòng của khách hàng, nâng cao năng suất lao động... Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã lựa chọn chủ đề năm 2021 là “Chuyển đổi số trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam”, hướng tới mục tiêu đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 và trở thành doanh nghiệp mạnh trong khu vực. 

PV: Theo ông, đâu là những thách thức trong việc thực hiện chuyển đổi số tại EVN?

Ông Dương Quang Thành: Nhìn tổng thể, Tập đoàn vẫn còn một số hạn chế về năng lực nghiên cứu công nghệ mới, về tiếp nhận, ứng dụng, khai thác công nghệ số. Sự nhận thức về chuyển đổi số của một số lãnh đạo, cán bộ công nhân viên trong Tập đoàn còn chưa đầy đủ, toàn diện, còn có sự hoài nghi về thành công và hiệu quả của ứng dụng công nghệ chuyển đổi số.

Nguyên nhân chủ yếu là, EVN là Tập đoàn kinh tế, không phải là Tập đoàn công nghệ thông tin, chưa có đơn vị chuyên trách về nghiên cứu khoa học, nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới. Các công nghệ của CMCN 4.0 như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, chuỗi khối, IoT… còn rất mới trên thế giới, nhiều công nghệ chưa có chuẩn chung, do đó việc tiếp cận nghiên cứu, tìm hiểu để ứng dụng vào thực tế sản xuất của Tập đoàn cần phải có thời gian, nguồn nhân lực chất lượng cao, nắm bắt được các công nghệ mới, đồng thời sửa đổi các quy trình thủ công trước đây thành các quy trình mới. 

Cơ chế chính sách cho việc thử nghiệm ứng dụng các công nghệ mới còn thiếu đồng bộ cũng gây khó khăn cho quá trình triển khai, trong đó, một số cơ chế như cơ chế đấu thầu không vận dụng được trong quá trình nghiên cứu thử nghiệm công nghệ mới; chưa xây dựng được cơ chế cho Quỹ đổi mới sáng tạo. Việc đầu tư nghiên cứu, đổi mới sáng tạo còn mất nhiều thời gian trong quá trình phê duyệt thủ tục, làm giảm động lực của các cá nhân, tổ chức tham gia nghiên cứu.

PV: Mục tiêu lớn nhất mà Nghị quyết này đặt ra là gì, thưa ông?

Ông Dương Quang Thành: Chuyển đổi số là nhiệm vụ quan trọng, là nền tảng tất yếu cho việc ứng dụng các thành tựu của CMCN 4.0, phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ. Với tính chất là ngành có hàm lượng khoa học công nghệ cao, yêu cầu chuyển đổi số sớm và thành công là nhiệm vụ cấp thiết, đồng thời cũng là giải pháp nâng cao hiệu quả SXKD của Tập đoàn. Đây là nhiệm vụ cần được ưu tiên hàng đầu trong các hoạt động của Tập đoàn hiện nay và thời gian tới. 

Đảng ủy EVN đưa ra mục tiêu xây dựng EVN trở thành doanh nghiệp số vào năm 2025, trong đó chuyển đổi số cơ bản hoàn thành trong năm 2022. Chuyển đổi các hoạt động chưa được số hóa trở thành số hóa; các hoạt động còn thủ công, chưa tự động chuyển thành tự động, áp dụng các công nghệ mới thay thế cho các công nghệ cũ, lạc hậu, tận dụng sức mạnh của công nghệ số, dữ liệu số, gia tăng hiệu quả hoạt động, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao năng suất lao động trong toàn Tập đoàn là mục tiêu trước mắt và lâu dài của Tập đoàn. 

Nhà máy điện mặt trời Đa Mi (Bình Thuận)

PV: Những nhiệm vụ quan trọng nào được Đảng ủy Tập đoàn tập trung nguồn lực phát triển thưa ông?

Ông Dương Quang Thành: 5 lĩnh vực được Đảng ủy EVN xác định là nhiệm vụ trọng tâm gồm: 

1. Lĩnh vực kỹ thuật và sản xuất (phát điện, truyền tải điện và phân phối) sẽ tập trung ứng dụng các công nghệ tiên tiến, các giải pháp khoa học công nghệ mới, quản lý và khai thác vận hành hiệu quả thiết bị với mục tiêu: Chuyển đổi các trung tâm điều khiển nhà máy điện và các trạm biến áp thành trung tâm điều khiển số. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, đổi mới, cải tiến quy trình quản lý và vận hành hệ thống điện, nâng cao độ an toàn, tin cậy và cải thiện hiệu suất vận hành.

 2. Đối với lĩnh vực kinh doanh và dịch vụ khách hàng, xây dựng nền tảng phân phối kỹ thuật số các ứng dụng (App Chăm sóc khách hàng) chung cho toàn Tập đoàn nhằm cung cấp các dịch vụ chăm sóc khách hàng thuận lợi, đơn giản trong việc đăng ký và sử dụng các dịch vụ điện. 
Đẩy mạnh chất lượng cung cấp dịch vụ điện trực tuyến cấp độ 4; nâng cao chất lượng xử lý hồ sơ trong lĩnh vực này trên môi trường mạng theo phương thức điện tử; thanh toán tiền điện và tiền dịch vụ theo phương thức không dùng tiền mặt; các yêu cầu khách hàng qua Trung tâm Chăm sóc khách hàng (CSKH) được tiếp nhận xử lý tự động và từng bước hướng tới xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) định danh khách hàng thống nhất trong EVN.

3. Lĩnh vực đầu tư xây dựng, nâng cao năng lực quản lý các dự án, hoàn thành cơ sở dữ liệu số của các dự án. Đẩy mạnh thực hiện theo hình thức chào hàng cạnh tranh và đấu thầu rộng rãi, tổ chức đấu thầu qua mạng. Đẩy mạnh công tác thiết kế khảo sát các công trình bằng 3D; ứng dụng hệ thống giám sát thông minh trên các công trình xây dựng các nhà máy điện và trạm điện đối với nhà thầu cũng như trang thiết bị của nhà thầu ra vào tại công trường…

4. Đối với lĩnh vực quản trị, nâng cao năng lực quản trị nội bộ, gồm lĩnh vực Quản trị Nhân sự, Quản trị văn phòng, Tài chính kế toán… Trong đó, thống nhất hệ thống văn phòng số (Digital Office); trang bị hệ thống làm việc từ xa và họp trực tuyến; cấp chữ ký số cho CBCNV có chức trách, nhiệm vụ và áp dụng trong các ứng dụng quản lý nội bộ, giao dịch nội bộ toàn EVN. Xây dựng quy trình phù hợp với xu hướng quản trị mới; nghiên cứu và xây dựng quy trình trao đổi thông tin trực tuyến kết nối liên thông thông tin trong nội bộ EVN, giữa EVN với các cơ quan quản lý nhà nước, đối tác, ngân hàng. 

5. Lĩnh vực công nghệ thông tin và tự động hóa, tập trung nâng cao năng lực hạ tầng viễn thông, ứng dụng các nền tảng công nghệ số trong khai thác và triển khai các dịch vụ CNTT. Xây dựng nền tảng và kiến trúc CNTT, hệ sinh thái số linh hoạt, tăng cường khai thác tối đa các dịch vụ, dữ liệu dùng chung, đẩy nhanh quá trình xây dựng và triển khai các chương trình chuyển đổi số trong EVN. 

Nghiên cứu các công nghệ số mới và đưa vào áp dụng trong thực tiễn, nâng cấp các hệ thống dùng chung hiện có, phù hợp với các nền tảng công nghệ mới, đảm bảo hỗ trợ khả năng di động hóa, tích hợp và chia sẻ thông tin, trợ giúp người lao động làm việc hiệu quả hơn.

PV: Đảng bộ EVN là Đảng bộ không toàn Tập đoàn, vậy để Nghị quyết đến được với mọi đơn vị trực thuộc, Đảng ủy EVN đã có những giải pháp nào, thưa ông?

Ông Dương Quang Thành: BCH Đảng bộ Tập đoàn đã giao Ban Thường vụ Đảng ủy chỉ đạo các cấp ủy trực thuộc, các tổ chức đoàn thể xây dựng chương trình hành động, kế hoạch cụ thể, quán triệt, triển khai và tổ chức thực hiện Nghị quyết.

Đối với những Đảng bộ không trực thuộc Đảng bộ Tập đoàn, BCH Đảng bộ Tập đoàn giao HĐTV, Tổng giám đốc Tập đoàn chỉ đạo các Ban tham mưu, các đơn vị thành viên trong Tập đoàn thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết. Trong đó, yêu cầu Tổng Giám đốc Tập đoàn và các đơn vị xây dựng kế hoạch và triển khai kế hoạch chuyển đổi số theo nguyên tắc: Tập đoàn xây dựng và ban hành kế hoạch chuyển đổi số tổng thể trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam. Trên cơ sở đó, các đơn vị xây dựng kế hoạch chuyển đổi số của đơn vị mình đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc: Thống nhất các mục tiêu/chỉ tiêu trong Tập đoàn; quy trình nghiệp vụ thống nhất trong Tập đoàn, hạn chế phát sinh đặc thù của từng đơn vị; thống nhất giải pháp công nghệ, kiến trúc hệ thống công nghệ… trong Tập đoàn.

PV: Xin cảm ơn ông! 


  • 09/04/2021 02:40
  • Theo Tạp chí Điện lực Chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 18810