EVN hỗ trợ 3 huyện nghèo của tỉnh Lai Châu: Ðể giảm nghèo nhanh và bền vững

Thực hiện Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ về Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được giao nhiệm vụ hỗ trợ 3 huyện nghèo của tỉnh Lai Châu. Để hiểu rõ hơn về đóng góp của EVN, PV TCĐL đã có cuộc trao đổi với ông Vương Văn Thành - Phó chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu.

Ông Vương Văn Thành - Phó chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu

Phóng viên (PV): Ông đánh giá như thế nào về kết quả phối hợp giữa EVN và UBND tỉnh Lai Châu trong việc thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ trong những năm qua?

Ông Vương Văn Thành: Khi Nghị quyết 30a /2008/NQ – CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ được ban hành, Lai Châu là tỉnh có số huyện nghèo vào loại nhiều nhất cả nước. Tuy nhiên, cùng với sự hỗ trợ từ Chính phủ, sự nỗ lực của các cấp, các ngành và nhân dân trong Tỉnh và sự đóng góp, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân cả nước, đặc biệt là sự hỗ trợ tích cực của EVN, công tác xóa đói, giảm nghèo ở Lai Châu đã thu được những kết quả đáng khích lệ: Đời sống của người dân ngày càng được cải thiện; kết cấu hạ tầng phục vụ đời sống, dân sinh được nâng cấp. Trong giai đoạn 2011-  2013, tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm trên 6%/năm.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã phối hợp với tỉnh Lai Châu xây dựng chương trình cụ thể, hỗ trợ, giúp đỡ 3 huyện nghèo của tỉnh Lai Châu là: Than Uyên, Tân Uyên và Phong Thổ.

UBND tỉnh Lai Châu đã phối hợp chặt chẽ với EVN triển khai thực hiện các nội dung mà EVN cam kết hỗ trợ, đồng thời lồng ghép các nguồn lực khác, đảm bảo đạt được hiệu quả cao khi thực hiện các thỏa thuận đã ký kết giữa hai bên về: Phát triển mở rộng lưới điện nông thôn, đấu nối cấp điện cho các hộ dân và thực hiện các chính sách hỗ trợ trên địa bàn các huyện về xây dựng nhà bán trú dân nuôi, hỗ trợ cho giáo dục đào tạo, hỗ trợ xóa nhà tạm, mua bảo hiểm y tế cho học sinh nghèo...

Hàng năm, hai bên đã tổ chức các đoàn kiểm tra, đánh giá kết quả phối hợp thực hiện, đồng thời tiếp tục rà soát và bổ sung những nội dung phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh Lai Châu và các huyện nghèo. Mối quan hệ giữa lãnh đạo Tỉnh và EVN ngày càng được củng cố, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau. Nhiều công trình có nguồn vốn từ các nguồn khác của Tỉnh đã giao cho Công ty Điện lực Lai Châu thực hiện, đáp ứng được các yêu cầu về chuẩn kỹ thuật và quản lý.

PV: Những kết quả mà EVN làm được đã tạo điều kiện cho người dân 3 huyện nghèo là Phong Thổ, Than Uyên, Tân Uyên phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo ra sao thưa ông?

Ông Vương Văn Thành: Theo thỏa thuận giữa EVN và tỉnh Lai Châu, giai đoạn 1 từ năm 2009 - 2012 EVN đã hỗ trợ xóa nhà tạm cho 2.483 hộ (tổng kinh phí là 12,415 tỷ đồng); Hỗ trợ xây dựng 16 nhà tình nghĩa cho các hộ là đối tượng chính sách (kinh phí là 640 triệu đồng); Hỗ trợ xây dựng 22 nhà bán trú dân nuôi (kinh phí là 5,5 tỷ đồng). Đồng thời, EVN thực hiện hỗ trợ giáo dục đào tạo 61 học sinh của 3 huyện đi học tại Trường Cao đẳng nghề Điện. Trong đó, đợt I đã có 22/23 học sinh tốt nghiệp ra trường (một học sinh bỏ học giữa chừng), đợt II có 26 học sinh, đợt III có 12 học sinh đang theo học. Về y tế, EVN đã thực hiện mua thẻ bảo hiểm y tế cho 4.278 lượt học sinh với tổng kinh phí là 1.102 triệu đồng.

Sự hỗ trợ của EVN đã giúp cho gần 2.500 hộ nghèo, những gia đình có công với cách mạng có nhà ở ổn định, yên tâm lao động sản xuất vươn lên thoát nghèo; trên 20 điểm trường có nhà bán trú kiên cố, giúp các cháu học sinh giảm bớt khó khăn trong học tập. Đồng thời, số hộ dân nông thôn tại 3 huyện nghèo  được sử dụng điện lưới quốc gia đã tăng lên, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn các huyện nghèo, góp phần vào thành công chương trình xóa đói giảm nghèo .

Lễ ký thỏa thuận hỗ trợ 3 huyện nghèo tỉnh Lai Châu giữa EVN và UBND tỉnh Lai Châu - Ảnh CTV

Giai đoạn II từ năm 2013 đến năm 2015, tổng kinh phí do EVN hỗ trợ để thực hiện chính sách an sinh xã hội trên địa bàn 3 huyện nghèo  là 33 tỷ đồng. Đến tháng 10/2014, EVN đã tạm cấp là 5,5 tỷ đồng, UBND tỉnh Lai Châu đã phân bổ xây dựng 11 nhà bán trú.

Ngoài các nội dung trên, Công ty Điện lực Lai Châu đã xây dựng lắp đặt các công trình đưa điện về các xã, bản, hộ vùng sâu vùng xa, nâng tỷ lệ số hộ được dùng điện lưới quốc gia là 77%, với 99/108 xã phường có điện lưới quốc gia. Một số công trình thuỷ điện của EVN phát điện đã đóng góp vào nguồn ngân sách của địa phương để Lai Châu có điều kiện tiếp tục thực hiện các nội dung nhằm thực hiện giảm nghèo bền vững.

PV: Việc triển khai các dự án điện, các công trình trường học, nhà bán trú do EVN tài trợ trước đây gặp một số khó khăn về đền bù giải phóng mặt bằng. Tỉnh Lai Châu đã có những giải pháp nào để tháo gỡ khó khăn này thưa ông?

Ông Vương Văn Thành: Tính đến nay, việc triển khai các dự án xây dựng nhà bán trú đã được UBND các huyện thụ hưởng giải phóng xong mặt bằng và tổ chức thi công các công trình, không còn vướng mắc gì. Không chỉ vậy, công tác giải phóng mặt bằng các công trình điện trên địa bàn đang được UBND tỉnh Lai Châu tập trung chỉ đạo, giải quyết dứt điểm, sớm bàn giao mặt bằng cho EVN, đặc biệt là đối với các công trình trọng điểm trên địa bàn như công trình Thủy điện Lai Châu, Thủy điện Huội Quảng đáp ứng đúng tiến độ tích nước của các công trình này.

PV: Tỉnh Lai Châu có đề xuất, kiến nghị gì trong việc phối hợp với EVN tiếp tục thực hiện Nghị quyết 30a thời gian tới?

Ông Vương Văn Thành: Tôi mong muốn EVN đẩy nhanh tiến độ thực hiện và sớm hoàn thành các công trình thủy điện lớn trên địa bàn tỉnh và tiếp tục quan tâm hỗ trợ cho lĩnh vực an sinh xã hội của Lai Châu.

PV: Xin cảm ơn ông!

Các hạng mục EVN cam kết hỗ trợ  3 huyện nghèo tỉnh Lai Châu theo Nghị quyết 30a của Chính phủ

1. Giai đoạn 1 (2009 - 2011):

 - Phát triển mở rộng lưới điện nông thôn

 - Xóa nhà tạm

 - Xây dựng “Nhà bán trú dân nuôi”

 - Hỗ trợ giáo dục và đào tạo

 - Hỗ trợ về y tế
 - Hỗ trợ khác như ủng hộ chăn màn, đồ dùng trang thiết bị học tập, vật dụng hàng ngày như xô, chậu, nồi niêu, bát đũa .... cho các em học sinh; Hỗ trợ sửa chữa, hướng dẫn các hộ dân nghèo, hộ dân tộc các hộ dân tái định cư sử dụng điện an toàn, tiết kiệm.

Tổng kinh phí đã thực hiện giai đoạn 2009 - 2011 là 42,087 tỷ đồng.

2. Giai đoạn  2012 - 2015:

 - Phát triển lưới điện nông thôn

 - Hỗ trợ đào tạo

 - Xây dựng nhà bán trú dân nuôi

 - Chi phí đấu nối cấp điện cho các hộ dân

 - Xoá nhà tạm

 - Các hỗ trợ khác như trang bị thiết bị y tế, đồ dùng học tập, chăn màn, các chương trình của đoàn thanh niên...

Tổng đầu tư giai đoạn 2012 - 2015 khoảng 480 tỷ đồng

 


  • 26/02/2015 04:40
  • Theo TCĐL Chuyên đề QL&HN
  • 4299


Gửi nhận xét