EVN góp phần cứu 216.000 ha lúa

Trao đổi với evn.com.vn về kinh nghiệm phòng chống lụt bão và khắc phục hậu quả sau bão số 1, 2, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường – Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, đánh giá cao sự nỗ lực của EVN và khẳng định, EVN đã kịp thời cấp điện cho các trạm bơm tiêu úng, góp phần cứu 216.000 ha lúa.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT chỉ đạo khôi phục lúa sau bão số 1 tại tỉnh Thái Bình

PV: Thưa Bộ trưởng, là người trực tiếp chỉ đạo, cũng như theo dõi sát sao công tác khắc phục hậu quả do bão số 1 và 2 gây ra vừa qua, Bộ trưởng đánh giá thế nào về diễn biến bất thường của các cơn bão vừa qua?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: 2 cơn bão vừa qua là cơn bão đầu mùa nhưng cho thấy mức độ nguy hiểm cũng như  sức tàn phá của nó, đặc biệt là cơn bão số 1 (cơn bão này đổ bộ vào nước ta tối 27 và rạng sáng 28/7).

Chúng tôi đánh giá đây là cơn bão rất đặc biệt. Thứ nhất, bão được hình thành ở biển Đông gần bờ biển Việt Nam với tốc độ đi vào bờ rất nhanh. Thông thường, những cơn bão hình thành gần bờ biển xung lượng của nó không lớn, nhưng với cơn bão này tốc độ đi nhanh, cường độ gió giật cấp 12,13, phổ tác động cùng với hoàn lưu xung quanh tác động rất lớn. Thứ hai, thời gian lưu bão lớn từ 8-10 giờ (thông thường 2-4 giờ). Thứ ba, mưa bão giống lốc lớn, lại kèm theo sấm sét, đây là điều trái với quy luật thông thường.

Cùng với đó, thời gian gây mưa dài trên diện rộng với lượng mưa tương đối lớn từ 100-250 mm ở khu vực trọng điểm của bão. Chính điều đó cho thấy tác động cực đoan của biến đổi khí hậu cộng với thiên tai bão lũ đòi hỏi chúng ta phải luôn luôn cảnh giác trước những nguy hiểm của thời tiết, đặc biệt là vào mưa bão.

PV: Thưa Bộ trưởng, 2 cơn bão đã gây thiệt hại lớn cho các ngành, địa phương. Vậy kinh nghiệm rút từ công tác PCTT&TKCN qua 2 cơn bão này là gì?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Kinh nghiệm rút ra từ 2 cơn bão này là sự chỉ đạo quyết liệt từ trung ương đến địa phương đã góp phần hạn chế đến mức thấp nhất tình hình thiệt hại. Ví dụ, hơn 1 vạn tàu thuyền ở ngoài khơi, chúng ta đã kêu gọi vào bờ kịp thời; trên 1 vạn người gồm những người nuôi trồng thủy sản ven bờ, những ngư  dân  được đưa vào bờ tránh bão an toàn; tất cả các công trình thủy lợi được kiểm tra, khơi thông trước khi bão nên khi bão đi qua hệ thống tiêu, thoát nước đã hoạt động hiệu quả hạn chế ngập úng lâu ngày. Những điều đó cho thấy công tác chỉ đạo sát sao, ráo riết và rất chủ động từ trung ương đến địa phương.

Tuy nhiên những điểm cần rút ra ở đây là: Công tác dự báo đòi hỏi phải nâng cao hơn kể cả tiềm lực cơ sở vật chất như trang thiết bị máy móc, số trạm đo đếm, số trạm dự báo. Công tác đào tạo nguồn nhân lực cho dự báo phải được nâng cao hơn nữa bởi nước ta thường xuyên có bão. Cần tăng cường hợp tác quốc tế để chúng ta có thể đưa ra dự báo sát với tình hình thực tế, làm tốt công tác tham mưu trong công tác phòng chống thiên tai.

Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên hạ tầng điện, viễn thông, công trình xây dựng… cần xem xét để thiết kế lại sao cho thích ứng với yếu tố cực đoan của thời tiết.

Chúng ta cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nhân dân đề cao cảnh giác trước thời tiết cực đoan như hiện nay.

Hiện khu vực miền núi Phía bắc có gần 2 vạn điểm có nguy cơ sạt lở trong đó có 2.000 điểm có khả năng sạt lở rất cao vì thế các địa phương, sở, ngành liên quan cần tập trung nguồn lực, tuyên truyền vận động thuyết phục người dân sống ở khu vực đó di dời, đảm bảo an toàn.

PV: Xin Bộ trưởng đánh giá vai trò của Tập đoàn Điện lực Việt Nam trong việc khôi phục sự cố, cấp điện cho trạm bơm để cứu lúa sau cơn bão vừa qua?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Ngành Điện là một trong những ngành thiệt hại nặng nề sau bão số 1, chúng tôi đánh giá EVN đã tích cực khắc phục sự cố, nhanh chóng phục hồi sản xuất.

Ngay sau khi bão số 1 đổ bộ vào nước ta, 4 tỉnh bị mất điện 100%, trong đó có hơn 400 điểm liên quan đến sản xuất, phục hồi sản xuất là các trạm bơm lớn. Nhưng chỉ trong 1 ngày, EVN cùng các địa phương đã khắc phục được 392 điểm/400 điểm, đây là cố gắng rất lớn của EVN. Sau 2 ngày, cơ bản những điểm tiêu úng lớn được cấp điện. Chính điều này đã góp phần cho các tỉnh trong thời gian 3 ngày đã giải thoát được 216.000 ha lúa không bị ngập sâu và hiện đang phục hồi, góp phần quan trọng khắc phục hậu quả sau bão.

PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Ông Phạm Đình Nghị - Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định: Có thể nói cơn bão số 1 đổ bộ vào tỉnh Nam Định là cơn bão lớn nhất tại Nam Định mà tôi được tận mắt chứng kiến gây thiệt hại lớn cho nông nghiệp và gây mất điện toàn tỉnh. Một trong những đơn vị nhanh chóng bắt tay vào khắc phục sự cố do bão là Công ty Điện lực Nam Định. Chính sự nhanh chóng, kịp thời của ngành Điện Nam Định đã chống úng cho toàn tỉnh, cứu hàng nghìn ha lúa vừa mới gieo cấy.

 

Ông Phạm Văn Xuyên – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình: Nếu không có ngành Điện thì hàng chục ngàn ha lúa trên địa bàn tỉnh Thái Bình sẽ phải gieo cấy lại. Tỉnh Thái Bình đánh giá cao sự chủ động, tích cực của Công ty Điện lực Thái Bình trong cơn bão số 1 vừa qua. Tới đây, chúng tôi mong muốn các bộ ngành Trung ương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam tính toán điều chỉnh kỹ thuật cho các công trình điện sao cho ngày càng phù hợp với những vùng hay bị bão tác động như tỉnh Thái Bình.

 


  • 10/08/2016 10:29
  • Bài, ảnh: Xuân Tiến
  • 8815