EVN đo, ghi chỉ số điện như thế nào?

Hiện nay, EVN đang quản lý khoảng 28,5 triệu công tơ của khách hàng cả nước, trong đó, khoảng 54% là công tơ điện tử (đo xa và không đo xa), còn lại là công tơ cơ. Với mỗi loại công tơ, EVN có hình thức đo, ghi chỉ số phù hợp, mục tiêu là đảm bảo tính chính xác dữ liệu để tính hóa đơn tiền điện.

Các hình thức ghi chỉ số

Ông Nguyễn Quốc Dũng - Trưởng ban Kinh doanh EVN cho biết, với công tơ cơ và công tơ điện tử nhưng chưa có tính năng đọc số liệu từ xa, các đơn vị Điện lực trang bị 100% máy tính bảng cho nhân viên ghi chỉ số (GCS). Trên thiết bị đã cài đặt phần mềm GCS, đồng thời có chức năng cảnh báo lượng điện tiêu thụ chênh lệch so với tháng trước, giúp nhân viên có thể kiểm tra lại chỉ số công tơ ngay tại hiện trường. Một số đơn vị của EVN như Tổng công ty Điện lực TP. Hà Nội, Công ty Điện lực Bắc Ninh, Thái Nguyên... còn trang bị gậy GCS có gắn camera chụp ảnh công tơ tại thời điểm GCS. 

Đối với công tơ điện tử đo xa, chỉ số được tự động cập nhật về máy chủ dữ liệu, không cần nhân viên Điện lực đi ghi chỉ số điện. Nhờ ứng dụng công nghệ hiện đại, khách hàng có thể tra cứu tình hình tiêu thụ điện theo từng ngày tại website Chăm sóc khách hàng. Tổng công ty Điện lực miền Trung, Tổng công ty Điện lực TP. Hà Nội hiện là những đơn vị có tỷ lệ cao về lắp công tơ điện tử đo xa.

Việc triển khai lắp công tơ điện tử đo xa có ưu điểm là độ chính xác cao trong đo ghi, góp phần nâng cao năng suất lao động, tăng tiện ích cho khách hàng. Tuy nhiên, nếu thay công tơ quá nhanh, chi phí quá lớn sẽ tạo áp lực lên giá bán điện. Vì vậy, EVN đã đề xuất lộ trình thực hiện, đảm bảo 2 mục tiêu, hiện đại hóa hệ thống đo đếm và không gây áp lực về tài chính. 

Công nhân EVNHANOI sử dụng gậy GCS gắn camera, chụp ảnh công tơ tại thời điểm chốt số điện

Có thể can thiệp vào công tơ để điều chỉnh chỉ số?

Liên quan tới chỉ số điện, công tơ điện, thời gian qua một số ý kiến còn băn khoăn về tính chính xác và nghi ngại khả năng can thiệp vào công tơ điện để điều chỉnh chỉ số. Về vấn đề này, ông Phạm Ngọc Tuyến, Giám đốc Công ty CP Thiết bị Công nghiệp Hữu Hồng cho biết, chất lượng công tơ được đảm bảo ngay từ khâu sản xuất, tất cả đều được kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ. Khi có bất kỳ công tơ nào không đạt tiêu chuẩn, hệ thống sản xuất sẽ cảnh báo và sản phẩm bị loại bỏ ngay lập tức. Khi đưa công tơ vào hoạt động trên lưới, không thể tác động được vào dữ liệu trong công tơ, bởi nếu muốn thay đổi chỉ số thì buộc phải cắt kẹp chì và tháo rời công tơ; trong khi đó nếu muốn can thiệp vào phần mềm cũng rất khó khăn.

Đồng quan điểm, đại diện Công ty CP Thiết bị điện Gelex cũng cho biết, việc can thiệp vào công tơ điện là không thể. Thực tế, các nhà sản xuất công tơ phục vụ kinh doanh điện đều phải chịu sự giám sát chặt chẽ từ các cơ quan chức năng. 100% công tơ trước khi xuất xưởng phải được dán tem, kẹp chì, vỏ công tơ cũng đã được tính toán thiết kế để tránh can thiệp của con người và môi trường. Phần mềm bên trong công tơ được mã hóa, rất khó để cho các đơn vị khác can thiệp vào.
Theo ông Nguyễn Hùng Điệp, Vụ trưởng Vụ Đo lường, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng, hiện nay việc kiểm soát đo lường đối với công tơ điện ở Việt Nam khá chặt chẽ, phù hợp thông lệ quốc tế. Từ khi công tơ điện bắt đầu nhập khẩu vào Việt Nam hoặc sản xuất trong nước, đều phải được phê duyệt mẫu và tiến hành kiểm định ban đầu trước khi đưa ra thị trường. Trong quá trình sử dụng, công tơ sẽ được kiểm định định kỳ; trường hợp công tơ xảy ra lỗi kỹ thuật, phải sửa chữa và sẽ kiểm định công tơ sau khi sửa chữa. Các cơ quan tổ chức kiểm định được bố trí ở các tỉnh, thành phố trên cả nước, phục vụ nhu cầu của các đơn vị và cũng thường xuyên tiến hành thanh tra, kiểm tra các thiết bị đo đếm điện năng. 

Tính đến tháng 6/2020: EVN có trên 28,5 triệu công tơ phục vụ khách hàng, gồm:

- Trên 15,4 triệu công tơ điện tử

- Trên 13,09 triệu công tơ cơ (trong đó có 0,65 triệu công tơ áp dụng công nghệ ghi chỉ số bằng camera


  • 01/09/2020 10:13
  • Nguồn: Tạp chí Điện lực Chuyên đề Thế giới điện
  • 22321