EVN đề nghị đảm bảo chất lượng than cho các nhà máy nhiệt điện

Đây là một trong những nội dung trọng tâm vừa được Tập đoàn Điện lực Việt Nam trao đổi với các nhà cung cấp, nhằm đảm bảo than cho sản xuất điện trong thời gian tới.

Ngày 10/9, EVN tổ chức Hội nghị chất lượng than cấp cho các NMNĐ thuộc EVN, kế hoạch huy động các tháng còn lại năm 2021 và năm 2022. Hội nghị do Phó Tổng giám đốc EVN Ngô Sơn Hải chủ trì, được tổ chức theo hình thức trực tuyến. 

Hội nghị có sự tham gia của đại diện Bộ Công Thương, đại diện Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản (TKV), Tổng công ty Đông Bắc. Hội nghị cũng được kết nối tới điểm cầu tại các tổng công ty phát điện, các nhà máy điện trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia.

Nhu cầu than cho phát điện biến động

Theo ông Tạ Tuấn Anh, Phó Trưởng ban Kỹ thuật - Sản xuất EVN, trong nửa đầu năm 2021, nhu cầu sử dụng điện trên cả nước vẫn tương đối sát so với kế hoạch của Bộ Công Thương. Tuy nhiên, trong tháng 7, 8, tiêu thụ điện có xu hướng giảm do đã hết mùa nóng ở miền Bắc và ảnh hưởng của giãn cách xã hội tại các tỉnh, thành miền Nam. Tương ứng theo đó, nhu cầu huy động các nhà máy điện nói chung và các NMNĐ than nói riêng cũng phải điều chỉnh giảm trong tháng 7 và tháng 8. Vì vậy, nhu cầu than cho phát điện trong 8 tháng đầu năm cũng thấp hơn kế hoạch.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến

Dự kiến, sản lượng điện các tháng cuối năm 2021 của các NMNĐ than là 36,16 tỷ kWh. Tổng khối lượng tiêu thụ than năm 2021 thực tế cũng sẽ thấp hơn tổng khối lượng hợp đồng.

Tuy nhiên, cũng theo ông Tạ Tuấn Anh, từ nay tới cuối năm, diễn biến nhu cầu sử dụng điện rất khó lường. Đặc biệt, khi các tỉnh miền Nam ngừng thực hiện giãn cách xã hội, các hoạt động SXKD và đời sống xã hội trở lại bình thường, nhu cầu sử dụng điện sẽ tăng lên. Do đó, cần thường xuyên cập nhật và điều chỉnh kế hoạch cung cấp điện và cung cấp than cho phù hợp với thực tế.

Với năm 2022, dự kiến tổng sản lượng điện các NMNĐ than (cả trong nước và nhập khẩu) là 114,45 tỷ kWh (phương án cơ sở), tăng khoảng 8% so với ước thực hiện của năm 2021, tương ứng với nhu cầu 54,58 triệu tấn than. Theo đó, khối lượng than tiêu thụ của các nhà máy năm 2022 dự báo đều thấp hơn so với khối lượng hợp đồng dài hạn.

Cần đảm bảo chất lượng than

Bắt đầu từ cuối năm 2018, TKV và Tổng công ty Đông Bắc đã chuyển sang cấp than trộn cho các NMNĐ. Cho đến nay, phần lớn khối lượng than cấp theo các hợp đồng cho các NMNĐ là than trộn. Theo đó, các chủng loại than tăng lên với số lượng lớn từ năm 2018 đến năm 2021, từ 7 loại than lên 15 loại than. Do sử dụng nhiều loại than, công tác hiệu chỉnh và vận hành lò hơi cũng trở nên khó khăn hơn so với các năm trước. 

Về chất lượng than, chỉ tiêu chất lượng than do TKV cung cấp luôn nằm trong dải hợp đồng than. Tuy nhiên một số chỉ tiêu có xu hướng tăng dần và cao hơn các thông số thiết kế (độ ẩm, chất bốc khô,…), điều này tiềm ẩn nguy cơ gây sự cố trong vận hành NMNĐ.

Chất lượng than cung cấp cho các NMNĐ cần được đảm bảo để không gây sự cố tổ máy. Ảnh: Kho than Công ty Nhiệt điện Duyên Hải - ĐVCC.

Tại hội nghị, Phó Tổng giám đốc EVN Ngô Sơn Hải đề nghị TKV, Tổng công ty Đông Bắc chia sẻ với EVN về những thách thức trong công tác vận hành các nhà máy điện, khi phụ tải hệ thống giảm, cũng như những khó khăn trong vận hành do chất lượng than không ổn định. Chất lượng than cần đảm bảo để không gây sự cố tại các NMNĐ, không ảnh hưởng việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật của các nhà máy, cũng như việc huy động của điều độ hệ thống điện.

Để đảm bảo than cho sản xuất điện trong thời gian tới, lãnh đạo EVN đề nghị các đơn vị của EVN phải thường xuyên cập nhật kế hoạch huy động các nhà máy điện, chủ động dự kiến nhu cầu than và trao đổi, phối hợp chặt chẽ với TKV, Tổng công ty Đông Bắc, đối tác nhập khẩu than. 

Tại hội nghị, đại diện TKV, Tổng công ty Đông Bắc đã thông tin về các khó khăn trong khai thác, cung ứng than do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Đồng thời cho biết sẽ tăng cường kiểm soát chất lượng than và đề nghị EVN sớm thông tin về kế hoạch phát điện 2022 để các nhà cung cấp than chủ động trong việc cấp nhiên liệu.