EVN đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó

LTS: Tới dự Lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới và kỷ niệm 66 năm Ngày Truyền thống ngành Điện lực Việt Nam, sáng 21/12, đồng chí Trịnh Đình Dũng - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ biểu dương những thành quả mà toàn thể CBNV, người lao động EVN đã đạt được. Trang tin Evn.com.vn lược trích bài phát biểu của đồng chí Trịnh Đình Dũng.

Hôm nay, tôi rất vui mừng đến tham dự Lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới và kỷ niệm 66 năm Ngày Truyền thống ngành Điện lực Việt Nam (21/12/1954 – 21/12/2020). 

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tôi xin gửi đến quý vị đại biểu, tập thể cán bộ, lãnh đạo, nguyên lãnh đạo, công nhân viên, người lao động ngành Điện lực Việt Nam qua các thời kỳ lời chào mừng và những lời chúc tốt đẹp nhất. 

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Định Dũng biểu dương những thành quả của EVN đã đạt được

Ngành công nghiệp điện là ngành kinh tế đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa quyết định cho sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh và nâng cao chất lượng đời sống của người dân. 

Quá trình phát triển của ngành Điện lực Việt Nam gắn liền với lịch sử đấu tranh, giải phóng dân tộc và sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trải qua 66 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, các thế hệ lãnh đạo, công nhân viên và người lao động của ngành Điện lực Việt Nam đã luôn đoàn kết, đồng lòng, với tinh thần trách nhiệm cao, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hi sinh để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó; đảm bảo cung cấp đủ điện cho đất nước, qua đó góp phần quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa ngày nay.

Ngay từ những ngày đầu tiếp quản, ngành Điện lực đã đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn để sửa chữa, phục hồi các nhà máy, đường dây tải điện từ chế độ cũ để lại, giữ cho dòng điện ổn định liên tục. 

Trong những năm tháng chiến tranh ở miền Bắc, các nhà máy điện là mục tiêu đánh phá hàng đầu của địch, nhưng với tinh thần "Tổ quốc cần điện như cơ thể cần máu", những người thợ Điện Việt Nam đã không quản ngại hiểm nguy để bảo vệ, phát triển nguồn điện, phục vụ sản xuất và chiến đấu của đất nước;

Sau ngày thống nhất đất nước, ngành Điện lực Việt Nam đã phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ, đáp ứng nhu cầu điện cho công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước với chất lượng và độ tin cậy ngày càng được cải thiện, nâng cao. Bình quân giai đoạn 2011-2020, nhu cầu điện của nền kinh tế tăng 9,7%/năm; thuộc nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng nhu cầu điện cao nhất trong khu vực và trên thế giới. Quy mô của hệ thống điện Việt Nam không ngừng được mở rộng. 

Năm 1975, sau khi đất nước thống nhất tổng công suất nguồn điện cả nước chỉ 1.326MW, sản lượng điện sản xuất 2,95 tỷ kWh. Đến nay hệ thống điện Việt Nam đã đạt tổng công suất nguồn điện trên 60.000MW (gần 64.000MW, tăng khoảng 48 lần), điện năng sản xuất đạt khoảng 248 tỷ kWh (tăng 84 lần). Hệ thống điện Việt Nam có quy mô đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Á, thứ 23 trên thế giới. 

Đặc biệt trong 10 năm qua đã đưa vào vận hành các nguồn điện mới với tổng công suất trên 40.000MW, gấp gần 2 lần tổng công suất lắp đặt đến cuối năm 2010 (10.600MW). Đồng thời, cơ cấu nguồn điện được đa dang hóa, trong đó công suất lắp đặt các nguồn năng lượng tái tạo (gồm thủy điện, điện gió, điện mặt trời, sinh khối...) chiếm tỷ trọng cao, khoảng 51%.

Đặc biệt, ngành Điện lực đã có rất nhiều nỗ lực để ưu tiên đưa điện đến với người dân ở các khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo. 
Từ đó, góp phần thay đổi căn bản diện mạo kinh tế và xã hội ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, đóng góp to lớn vào sự nghiệp xoá đói, giảm nghèo, đồng thời góp phần giữ gìn an ninh chính trị, bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.

Chủ tịch HĐTV EVN Dương Quang Thành tiếp thu các chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng

Đến nay, 100% số xã và 99,3% số hộ dân nông thôn có điện, cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Cùng với đó, hiệu quả vận hành hệ thống điện ngày càng được nâng cao. 

Tỷ lệ tổn thất điện năng hiện chỉ còn dưới 6,5% năm, đứng thứ 3 khu vực ASEAN  và đã tiệm cận với tổn thất điện năng của các nước phát triển. 

Chỉ số tiếp cận điện năng Việt Nam có bước tiến vượt bậc, từ vị trí xếp hạng thứ 156 năm 2013, đến nay đã vươn lên vị trí 27/190 Quốc gia, vùng lãnh thổ và thuộc nhóm 4 nước đứng đầu khu vực ASEAN. Kết quả này đã góp phần đáng kể trong việc cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh Quốc gia.

Cung cấp dịch vụ điện theo phương thức điện tử, đưa 100% các dịch vụ điện đạt mức dịch vụ công cấp độ 4 lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia (cấp điện mới, thay đổi hợp đồng, nâng công suất mua điện, thanh toán tiền điện…; thực tế, việc thực qua một năm chiếm khoảng 77% tổng số lượng yêu cầu của người dân và doanh nghiệp).

Để nâng cao hiệu quả hoạt động, ngành Điện đã tích cực thực hiện tái cơ cấu, từng bước chuyển đổi hoạt động theo cơ chế thị trường, trong đó đã hình thành thị trường phát điện cạnh tranh chính thức từ năm 2012 và thị trường bán buôn điện canh tranh vận hành từ năm 2019, loại bỏ các yếu tố bao cấp, tạo sự cạnh tranh, minh bạch hơn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh điện.

Xác định, ngành Điện là ngành kỹ thuật hạ tầng có công nghệ hiện đại, trong thời gian qua, các doanh nghiệp ngành điện đã quan tâm đến công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu cho nhiệm vụ sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển của ngành. 

Đội ngũ cán bộ, kỹ sư và ngoài lao động ngành Điện được đào tạo bài bản, có tinh thần chủ động sáng tạo, dám nghĩ dám làm, đã vươn lên làm chủ khoa học công nghệ (trong đó đã chủ trì thiết kế các nhà máy thủy điện lớn, hiện đại như TĐ Sơn La, Lai Châu; các nhà máy điện nhiệt điện lớn và các công trình lưới điện đến 500kV...). 

Hiện nay, EVN đang tích cực nghiên cứu, phát triển các công nghệ tiên tiến của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, phát triển lưới điện thông minh, hiện đại, có mức độ tự động hóa cao; thực hiện chuyển đổi số trong các lĩnh vực để hoạt động để sớm đưa EVN trở thành doanh nghiệp số hàng đầu Việt Nam.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước chúc mừng lãnh đạo EVN qua các thời kỳ nhân dịp kỷ niệm Ngày Truyền thống

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp ngành Điện cũng đã rất nỗ lực trong việc góp phần đảm bảo an sinh xã hội, ổn định đời sống nhân dân các vùng khó khăn.

Với những thành tích nổi bật đã đạt được trong 66 năm qua, nhiều tập thể, cá nhân trong ngành Điện lực Việt Nam đã được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều danh hiệu và phần thưởng cao quý. Và hôm nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Đây là phần thưởng cao quý, thể hiện sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước dành cho những thành tích đặc biệt xuất sắc của các thế hệ lãnh đạo, công nhân viên, người lao động Tập đoàn điện lực Việt Nam trong lao động, sáng tạo ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, đóng góp lớn vào sự nghiệp đảm bảo an ninh năng lượng, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tôi nhiệt liệt biểu dương và chúc mừng thành tích anh hùng trong chiến đấu và lao động, sản xuất mà các thế hệ lãnh đạo và cán bộ công nhân viên, người lao động của ngành Điện lực Việt Nam đã đạt được trong suốt chặng đường xây dựng, trưởng thành và phát triển 66 năm qua. 

Đất nước ta đang trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12 tiếp tục xác định mục tiêu phải đưa nước ta sớm trở thành một nước cơ bản là công nghiệp theo hướng hiện đại. 

Dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 yêu cầu phải đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, phấn đấu đến năm 2030 (100 năm thành lập Đảng) nước ta phải trở thành một nước có thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 (100 năm thành lập nước) trở thành nước công nghiệp phát triển. 

Để thực hiện mục tiêu này, yêu cầu phải kiên trì phát triển một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư sản xuất kinh doanh nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Trong đó phải tiếp tục thực hiện 3 đột phá chiến lược: Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XNCH (trong đó phải tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật có liên quan đến phát triển kinh tế tập thể. Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, tập trung vào hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị lớn, hạ tầng kết nối vùng, miền, hạ tầng năng lượng, hạ tầng số. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. 

Đây chính là các nhân tố để tạo môi trường cho doanh nghiệp và người dân đầu tư, sản xuất kinh doanh. 

Đồng thời, Dự thảo báo cáo chính trị còn yêu cầu phải tiếp tục tái cấu trúc nền kinh tế, các ngành, các lĩnh vực, các doanh nghiệp. Trong đó, ngành Điện, mà nòng cốt là Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng phải được tái cấu trúc phù hợp với việc phát triển thị trường điện lực ở nước ta. 

Từ những định hướng của Đảng nêu trên, trong giai đoạn tới, cần xác định rõ yêu cầu nhiệm vụ đối với ngành điện Việt Nam, nòng cốt là Tập đoàn Điện lực Việt Nam là: 

- Bảo đảm vững chắc an ninh cung ứng điện; cung cấp đầy đủ điện năng  ổn định, có chất lượng cao với giá cả hợp lý cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống của nhân dân, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái. 

- Phát triển hạ tầng ngành điện đồng bộ, thông minh và hiện đại, đạt trình độ tiên tiến của khu vực ASEAN. 

- Xây dựng thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, minh bạch, hiệu quả, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. 

- Khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng trong nước kết hợp với xuất, nhập khẩu năng lượng hợp lý; triệt để thực hành tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng. 

- Chủ động sản xuất được một số thiết bị chính trong ngành; nâng cấp, xây dựng lưới điện truyền tải, phân phối điện tiên tiến, hiện đại.

- Đẩy mạnh thực hiện tiết kiệm điện, giảm tổn thất điện năng; tiếp tục nâng cao hơn nữa khâu dịch vụ khách hàng, trong đó, tiếp tục phát huy thành tích tiên phong phục vụ người dân và doanh nghiệp qua Cổng dịch vụ công quốc gia.

Trong đó, phát triển Tập đoàn Điện lực Việt Nam thành tập đoàn kinh tế mạnh, với tầm nhìn trở thành Tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực năng lượng tại Việt Nam và khu vực Châu Á năm 2045; có trình độ công nghệ, quản lý hiện đại và chuyên môn hóa cao, trong đó sản xuất, kinh doanh điện năng, tư vấn điện là ngành, nghề kinh doanh chính; gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất, kinh doanh với khoa học, công nghệ, nghiên cứu triển khai, đào tạo. 

EVN đặt ra sứ mệnh cung cấp điện với chất lượng dịch vụ ngày càng tốt hơn, đồng thời có trách nhiệm với môi trường và cộng đồng.

Để triển khai thực hiện tốt những mục tiêu nhiệm vụ nêu trên, trong năm 2021 và các năm tiếp theo, tôi đề nghị tập thể lãnh đạo, công nhân viên, người lao động ngành Điện lực Việt Nam mà nòng cốt là Tập đoàn Điện lực Việt Nam cần phát huy truyền thống anh hùng trong chiến đấu và lao động, sản xuất; tổ chức thực hiện tốt các yêu cầu nhiệm vụ của Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 dự kiến được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu năm 2021. 

Trong đó cần tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm sau đây: 

Một là, Đảm bảo an ninh cung ứng điện, cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội đất nước, trong đó Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tập đoàn lớn của Nhà nước tiếp tục giữ vai trò trụ cột trong ngành Điện. 

Hai là, Vận hành an toàn, ổn định và tối ưu hệ thống điện quốc gia để khai thác hiệu quả các nguồn tài nguyên năng lượng của đất nước.

Ba là, Đầu tư phát triển nguồn điện và lưới điện đồng bộ theo quy hoạch và kế hoạch được duyệt, trong đó: 

- Phát triển nguồn điện mới đi đôi với đầu tư chiều sâu, sử dụng công nghệ hiện đại; nghiên cứu đổi mới công nghệ các nhà máy điện đang vận hành, bảo đảm đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường.

- Đa dạng hóa các loại hình phát điện, ưu tiên phát triển các nguồn năng lượng sạch và năng lượng tái tạo với tỷ trọng hợp lý.

- Đầu tư phát triển lưới điện đồng bộ với phát triển nguồn điện; khắc phục triệt để hiện tượng quá tải tại một số đường dây và trạm biến áp, đặc biệt chú trọng việc giải tỏa công suất nguồn điện năng lượng tái tạo.

- Nghiên cứu áp dụng lưới điện thông minh, công nghệ hiện đại để nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống lưới điện nhằm khai thác hiệu quả mọi nguồn điện trong hệ thống điện quốc gia, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện và nâng cao chất lượng điện năng. 

Bốn là, Thực hiện thị trường hóa giá điện nhằm đạt mục tiêu khuyến khích đầu tư cho phát triển ngành Điện: Thực hiện giá bán điện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, bảo đảm kết hợp hài hoà giữa các mục tiêu chính trị - kinh tế - xã hội của Nhà nước và mục tiêu sản xuất kinh doanh, tự chủ tài chính của các doanh nghiệp ngành Điện. 

Năm là, Thực hiện tái cơ cấu, tiếp tục quá trình phát triển thị trường điện lực theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đảm bảo đưa thị trường bán lẻ điện cạnh tranh vào vận hành chính thức từ năm 2023. 

Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ công tác quản trị doanh nghiệp nhằm xây dựng các doanh nghiệp ngành điện lớn mạnh, có trình độ công nghệ, quản lý hiện đại và chuyên môn hóa cao; có tiềm lực tài chính mạnh, tín nhiệm tài chính cao để có khả năng tự huy động vốn cho phát triển điện.

Sáu là, Thực hiện các giải pháp tổng thể để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tăng năng suất lao động; thu hẹp, tiến tới đuổi kịp các nước tiên tiến trong khu vực về năng suất lao động.

Bảy là, Tăng cường công tác sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả để bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Áp dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất và tiêu thụ điện, từng bước thay thế các công nghệ lạc hậu, tiêu thụ nhiều điện năng bằng các công nghệ tiêu hao ít điện năng. Tăng cường công tác tuyên truyền tiết kiệm điện sâu rộng trong toàn xã hội. 

Tám là, Đảm bảo đời sống, việc làm của người lao động ngành Điện, xây dựng cơ chế tiền lương và thu nhập của lao động ngành Điện, chế độ đãi ngộ nhân tài phù hợp quy định của nhà nước.

Kỷ niệm 66 năm Ngày Truyền thống ngành Điện lực Việt Nam, đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới là dịp để chúng ta ôn lại và tự hào về truyền thống vẻ vang của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, công nhân viên, người lao động ngành Điện lực Việt Nam. Tôi tin tưởng rằng, tập thể cán bộ, công nhân viên, người lao động ngành Điện lực hôm nay, trong đó nòng cốt là Tập đoàn Điện lực Việt Nam, sẽ phát huy truyền thống Anh hùng trong chiến đấu và lao động sản xuất của các thế hệ đi trước, viết tiếp những trang sử mới, góp phần tô thắm lá cờ truyền thống vẻ vang của ngành Điện lực Việt Nam; chung tay phát triển đất nước trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. 

Nhân dịp sắp đến năm mới 2021 và đón xuân mới Tân Sửu, tôi xin gửi đến tất cả các vị đại biểu, các thế hệ cán bộ, công nhân, người lao động ngành Điện lực Việt Nam lời chúc năm mới tốt đẹp nhất. Xin trân trọng cảm ơn!


  • 21/12/2020 11:32
  • Nhóm PV
  • 9481