EVN: Để đào tạo chuyên gia hiệu quả...

Theo kế hoạch, EVN sẽ triển khai đề án đào tạo chuyên gia. Vậy, việc phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, cũng như trọng dụng các chuyên gia phải thực hiện như thế nào để đạt hiệu quả tốt nhất? Tạp chí Điện lực xin giới thiệu ý kiến của một số chuyên gia, lãnh đạo các đơn vị về vấn đề này.

AHLĐ Thái Phụng Nê - Cố vấn Tập đoàn: 

Chủ trương của EVN là đúng hướng

Hiện nay, các công nghệ, kỹ thuật cao ngày càng phát triển, ngành Điện lại là ngành ứng dụng nhiều kỹ thuật mới như: Tự động hóa các trạm, phát triển năng lượng tái tạo… Do đó, rất cần đội ngũ chuyên gia có thể làm chủ công nghệ. Trong bối cảnh như vậy, chủ trương đào tạo chuyên gia của EVN đưa ra là rất kịp thời, đúng hướng, tôi rất hoan nghênh.

Theo tôi, việc đào tạo phải xuất phát từ thực tế nhu cầu SXKD của các đơn vị. Công tác đào tạo phải có mục đích rõ ràng, có kế hoạch cụ thể và cần được tiến hành có trọng điểm, không tràn lan. Đặc biệt, Tập đoàn cần quy hoạch được nhóm “đối tượng nguồn” sẽ tham gia đào tạo để trở thành chuyên gia: Có chuyên môn tốt, có tinh thần tự học, cầu tiến, có khả năng ngoại ngữ và đặc biệt là có lòng yêu nghề, yêu ngành,  như vậy họ mới có động lực học tập vươn lên và cống hiến hết mình cho Tập đoàn.

Quá trình đào tạo các chuyên gia cũng cần diễn ra liên tục, nâng cao kiến thức thường xuyên, không chỉ trong 1 đợt học tập là xong. Từ kinh nghiệm cá nhân, tôi thấy việc đào tạo chuyên gia cho Tập đoàn rất cần thiết phải có sự trao đổi, học hỏi từ các chuyên gia quốc tế, từ các tập đoàn năng lượng lớn trên thế giới. Quá trình hội nhập sâu rộng hiện nay tạo điều kiện rất thuận lợi để chúng ta có thể tiếp thu công nghệ tiên tiến và lĩnh hội kiến thức mới của các quốc gia trong sản xuất, truyền tải, phân phối điện, nhằm ứng dụng giúp nâng cao hiệu quả SXKD tại các đơn vị trong Tập đoàn.  

Ông Nguyễn Khắc Sơn - Tổng giám đốc Tổng công ty Phát điện 1 (EVNGENCO 1): 

Cần nguồn kinh phí đào tạo thỏa đáng

EVNGENCO 1 hiện đang quản lý khoảng 30 tổ máy nhiệt điện, thủy điện với tổng công suất đặt hơn 7.000 MW. Trong đó, có nhiều tổ máy có công nghệ và thiết bị rất hiện đại, đòi hỏi lực lượng quản lý vận hành, sữa chữa phải có đủ trình độ, năng lực cao để đảm bảo độ tin cậy vận hành và hiệu qủa phát điện. Tuy nhiên, thực tế, việc giải quyết các vấn đề kỹ thuật chuyên sâu trong lĩnh vực quản lý, vận hành, đặc biệt là trong công tác bảo dưỡng, sửa chữa các nhà máy điện gặp rất nhiều khó khăn về nhân lực tại chỗ, chủ yếu phải dựa vào các chuyên gia O&M (vận hành, bảo dưỡng) quốc tế, gây thiếu sự chủ động trong công việc, chi phí chi trả cao.

Nhận thức được vấn đề này, từ năm 2015, Tổng công ty đã xây dựng, triển khai đề án đào tạo chuyên sâu, định hướng phát triển chuyên gia O&M nhà máy nhiệt điện EVNGENCO 1 giai đoạn 2016 - 2020, định hướng 2025. Tuy nhiên, việc triển khai đề án này gặp không ít khó khăn, do Tổng công ty còn chưa kết nối được nhiều tổ chức đào tạo chuyên sâu quốc tế. Đồng thời, trình độ ngoại ngữ của người lao động còn hạn chế, là rào cản tiếp thu kiến thức... Chính vì vậy, Tổng công ty đặt rất nhiều kỳ vọng vào việc triển khai đề án đào tạo chuyên gia của Tập đoàn, từ đào tạo ngoại ngữ, tới kiến thức chuyên ngành.  

Ông Đặng Phan Tường - Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT): 

Định hình lại chất lượng chuyên gia hiện nay

EVNNPT luôn quan tâm công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đội ngũ chuyên gia hàng đầu đáp ứng yêu cầu cho quá trình phát triển của Tổng công ty. Hiện EVNNPT đã xây dựng được đội ngũ cán bộ quản lý các cấp có trình độ đáp ứng được yêu cầu công việc, có độ tuổi trung bình trẻ và có sự kế thừa hợp lý giữa các độ tuổi. 

Tuy nhiên, xét về tổng thể, nguồn nhân lực của EVNNPT vẫn còn những hạn chế như: Các cán bộ quản lý phần lớn trưởng thành từ công tác chuyên môn kỹ thuật nên thiếu hụt các kỹ năng quản trị chiến lược, tài chính, nhân sự… Một số cán bộ kỹ thuật chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu công việc, chưa hoàn toàn làm chủ công nghệ và thiết bị dẫn đến còn bị động trong công tác sửa chữa thiết bị hoặc khắc phục, xử lý sự cố.

Việc Tập đoàn phê duyệt Đề án đào tạo chuyên gia của EVN giúp EVNNPT định hình rõ ràng những mặt chưa làm được để triển khai trong thời gian tới. Trong đó Tổng công ty sẽ xây dựng chương trình đào tạo, phát triển nguồn nhân lực hàng năm và dài hạn trên cơ sở nhu cầu thực tế công việc và luôn bám sát định hướng nâng cao chất lượng đội ngũ chuyên gia kỹ thuật. EVNNPT cũng tổ chức các chương trình đào tạo nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, tổ chức các hội nghị, hội thảo theo chuyên đề, các chương trình học tập tại các đơn vị trong, ngoài nước nhằm tạo điều kiện cho cán bộ công nhân viên học hỏi, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau và học tập các đơn vị truyền tải điện hàng đầu thế giới và khu vực. 

Ông Nguyễn Đức Ninh - Phó Giám đốc Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0): 

Cần sớm ban hành tiêu chuẩn chuyên gia ở các cấp độ

Hiện nay, A0 đang quản lý và đào tạo 4 chức danh gồm điều độ viên quốc gia; kỹ sư phương thức hệ thống điện quốc gia; kỹ sư điều hành giao dịch thị trường điện và kỹ sư SCADA/EMS hệ thống điện quốc gia. Sau thời gian làm việc ít nhất 5 năm, Trung tâm mới xem xét, đánh giá năng lực cả về chuyên môn và ngoại ngữ của các kỹ sư, để lựa chọn tham gia các chương trình đào tạo chuyên gia. Tuy nhiên, thời gian qua, việc đào tạo và công nhận chức danh chuyên gia của A0 còn gặp nhiều khó khăn do chưa có định hướng rõ ràng về việc lựa chọn, đào tạo và quản lý đội ngũ chuyên gia; nguồn kinh phí đào tạo còn hạn hẹp...

Do đó, việc Tập đoàn phê duyệt đề án đào tạo chuyên gia là cơ sở và định hướng quan trọng để A0 lựa chọn, xây dựng và quản lý đội ngũ chuyên gia trong lĩnh vực phân tích hệ thống điện, đáp ứng được các nhiệm vụ EVN giao. Tuy nhiên, để Đề án đạt hiệu quả cao, theo tôi, Tập đoàn cần sớm ban hành tiêu chuẩn chuyên gia ở các cấp độ. Đây là căn cứ quan trọng để xem xét, đánh giá và lựa chọn ứng viên phù hợp. Đồng thời, EVN cũng cần nghiên cứu, xem xét việc cho phép các chuyên gia (cán bộ có khả năng và yêu thích nghiên cứu khoa học) được làm việc theo chế độ biệt phái, không cần phải thực hiện công việc hàng ngày, nhưng vẫn đảm bảo chế độ cho người lao động.  
 


  • 22/04/2018 10:03
  • Theo TCDL chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 11627