'Đường dây 500kV Vân Phong – Vĩnh Tân là dự án lưới điện truyền tải quan trọng nhất giai đoạn 2021 - 2022'

Đây là dự án cấp bách mà Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) phải hoàn thành trong tháng 12/2022, đáp ứng mục tiêu truyền tải công suất của Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1, Nhà máy Thủy điện tích năng Bác Ái và công suất nguồn năng lượng tái tạo khu vực tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận vào hệ thống điện quốc gia.

Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) – ông Nguyễn Tài Anh nhấn mạnh về vai trò của dự án này, tại cuộc họp trực tuyến với EVNNPT về rà soát tình hình thực hiện các dự án giải toả công suất Nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) BOT Vân Phong I (gồm đường dây 500kV Vân Phong – Vĩnh Tân; Trạm biến áp 500kV Vân Phong và đấu nối; đường dây 500kV đấu nối TBA 500kV Thuận Nam vào ĐD 500kV Vân Phong - Vĩnh Tân), ngày 6/8. 

Dự cuộc họp còn có ông Phạm Lê Phú – Tổng giám đốc EVNNPT, ông Bùi Văn Kiên – Phó Tổng giám đốc EVNNPT, cùng đại diện lãnh đạo Ban QLDA các công trình điện miền Trung thuộc EVNNPT, đại diện đơn vị tư vấn thiết kế - Công ty CP Tư vấn xây dựng điện 2 và Công ty CP Tư vấn xây dựng điện 4.

Báo cáo tiến độ hằng tuần đến lãnh đạo EVN

Phó Tổng giám đốc EVN Nguyễn Tài Anh đề nghị EVNNPT đưa dự án này lên ưu tiên số 1. Nếu dự án chậm tiến độ, Việt Nam sẽ phải bồi thường số tiền lớn theo hợp đồng đã ký kết với chủ đầu tư NMNĐ BOT Vân Phong 1.

Cuộc họp diễn ra theo hình thức trực tuyến để phòng, chống COVID-19. Ảnh: NH

Lãnh đạo EVN cũng yêu cầu Ban Chỉ đạo Đường dây 500kV Vân Phong – Vĩnh Tân của EVNNPT họp điều độ dự án hằng tháng. Lãnh đạo Tập đoàn sẽ tham dự họp để kịp thời chỉ đạo, tháo gỡ vướng mắc. Đồng thời, yêu cầu gửi báo cáo hằng tuần về tiến độ dự án đến lãnh đạo Tập đoàn.

“Tập đoàn sẽ hỗ trợ tối đa cho EVNNPT trong việc gửi đề xuất, kiến nghị lên Chính phủ, các Bộ, ngành cũng như làm việc với chính quyền các địa phương có đường dây đi qua”, Phó Tổng giám đốc EVN Nguyễn Tài Anh nhấn mạnh.

Để đáp ứng mục tiêu đóng điện công trình theo tiến độ đã cam kết, EVNNPT đã thành lập Ban Chỉ đạo các dự án đồng bộ với NMNĐ BOT Vân Phong 1 do Tổng giám đốc EVNNPT trực tiếp làm Trưởng Ban. Đơn vị được giao quản lý dự án - Ban QLDA các công trình điện miền Trung (CPMB) - sẽ thành lập 2 ban tiền phương đặt tại 2 tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận để điều hành dự án.

Trong công tác giải phóng mặt bằng, EVNNPT/CPMB sẽ thường xuyên cập nhật, báo cáo kịp thời những vướng mắc, khó khăn cho Tỉnh ủy, UBND các tỉnh có dự án đi qua để phối hợp chỉ đạo giải quyết. 

"Tổng công ty xác định đây là dự án quan trọng nhất trong năm 2021 và 2022. Vì thế việc điều động nhân lực, phương tiện, thiết bị,… cho dự án sẽ được Tổng công ty ưu tiên để đáp ứng tiến độ", ông Phạm Lê Phú - Tổng giám đốc EVNNPT khẳng định.

Nhiều thách thức trong giải phóng mặt bằng

Theo báo cáo tại cuộc họp của ông Nguyễn Đức Tuyển – Giám đốc CPMB, dự án đã đấu thầu thành công 01 gói thầu xây lắp và khởi công xây dựng vào ngày 20/7/2021; hiện nay đang tổ chức đấu thầu các gói thầu xây lắp còn lại và các gói thầu vật tư thiết bị của dự án.

Về công tác giải phóng mặt bằng, do tình hình COVID-19 diễn biến phức tạp, cho đến nay Sở NN&PTNT các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận chưa tổ chức thẩm định, hoàn chỉnh hồ sơ để tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng (theo kế là tháng 5-6/2021). Tại tỉnh Khánh Hòa, thành phố Cam Ranh chưa có thông báo thu hồi đất; huyện Cam Lâm, Diên Khanh chưa kê kiểm được đất cho dự án, chưa có giá đất cụ thế để thực hiện việc áp giá, lập phương án bồi thường sau khi kiểm kê xong; chưa có chủ trương hỗ trợ đất nằm dưới hành lang tuyến. Tại tỉnh Ninh Thuận, các huyện Bác Ái, Ninh Phước chưa có giá đất cụ thể,...

Ảnh chụp vệ tinh vị trí cột từ 20-26 của đường dây 500kV Vân Phong - Vĩnh Tân trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa sẽ được thi công trong thời gian tới

Ông Nguyễn Đức Tuyển cho biết thêm, do tình hình dịch bệnh nên công tác họp xét nguồn gốc đất ở các xã cũng không tổ chức được. Vì vậy, chưa thể lập phương án bồi thường. Công tác thi công cũng khó khăn do hạn chế đi lại.

EVNNPT/CPMB cũng kiến nghị UBND các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận tạo điều kiện, hỗ trợ cho các đơn vị tham gia thực hiện các dự án này có thể đi lại làm việc với các sở, ngành, địa phương để hoàn thiện các thủ tục pháp lý các dự án; triển khai các thủ tục để giải phóng mặt bằng và triển khai thi công. Các địa phương cần sớm thẩm định hoàn thiện hồ sơ xin chủ trương chuyển đổi rừng để trình Chính phủ xin chủ trương chuyển đổi rừng, đất rừng.