Đừng để sơ suất nhỏ dẫn đến hậu quả lớn

Vừa qua, tại nhà số 704, tổ 4, khu 6, phường Hà Tu, TP Hạ Long (Quảng Ninh), một công nhân trong lúc tời vật liệu xây dựng từ mặt đất lên đổ mái nhà, đã làm đứt dây điện 22 kV, khiến công nhân này bị điện giật gây bỏng nặng.

Ông Nguyễn Đại Cương, Giám đốc Điện lực TP Hạ Long cho biết, mỗi khi kiểm tra thấy các công trình xây dựng có nguy cơ không đảm bảo khoảng cách an toàn đối với đường dây dẫn điện trên không, chúng tôi đều gửi thông báo để cảnh báo đến các hộ dân và đề nghị ký cam kết không vi phạm, thế nhưng vẫn có những trường hợp người dân gặp tai nạn do vi phạm khoảng cách hành lang an toàn lưới điện cao áp (HLATLĐCA).

Một hộ dân phường Cao Xanh (TP Hạ Long) vi phạm HLATLĐCA

Qua tìm hiểu được biết, hầu hết các vụ vi phạm HLATLĐCA thời gian qua, là do người dân xây dựng nhà cửa, cơi nới các công trình dân dụng, lắp đặt biển quảng cáo... vi phạm HLATLĐCA. Ngoài ra còn có việc khi lập quy hoạch sử dụng đất, cấp đất cho doanh nghiệp, cá nhân, các địa phương không khảo sát kỹ thực địa, không tính đến sự tồn tại của đường điện và thiếu phương án di dời, giải phóng mặt bằng công trình điện trước khi giao đất .

Theo báo cáo của ngành Điện, Quảng Ninh có hệ thống lưới điện cao áp dày đặc với nhiều tuyến đường dây gồm: 220 kV, 110 kV, 35 kV, 22 kV... Do tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều công trình xây dựng đã vi phạm HLATLĐCA, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố cháy nổ, điện giật, đe dọa tính mạng và tài sản của người dân.

Ông Lê Quang Toản, Trưởng Phòng An toàn, Công ty Điện lực Quảng Ninh, cho biết, trước đây, ngành Điện cũng đã ghi nhận một số tai nạn thương tâm do người dân không tuân thủ khoảng cách an toàn đối với hành lang lưới điện cao áp dẫn đến tai nạn đáng tiếc. Như năm 2010, tại phường Hồng Hà, TP Hạ Long, trong quá trình xây dựng nhà, hộ dân đã vi phạm HLATLĐCA, làm 3 người thiệt mạng; năm 2015, tại TX Đông Triều cũng xảy ra tai nạn phóng điện 110 kV làm 3 học sinh bị bỏng, sau đó 1 cháu đã tử vong, nguyên nhân do khi đi ngang qua vị trí có đường điện cao thế, các em đã vác cần câu vi phạm khoảng cách an toàn nên bị phóng điện, gây tai nạn...

Nhằm hạn chế những vi phạm HLATLĐCA phát sinh, tránh những thiệt hại về người và tài sản, những năm qua Công ty Điện lực Quảng Ninh đã đầu tư kinh phí để cải tạo, di chuyển, hạ ngầm đường điện; chỉ đạo các đơn vị điện lực trực thuộc tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về chấp hành nghiêm các quy định về HLATLĐCA bằng nhiều nội dung hình thức phù hợp với từng đối tượng, vùng miền; tăng cường kiểm tra, ngăn chặn kịp thời nguy cơ phát sinh vi phạm về HLATLĐCA. Hàng năm, Công ty đều giao chỉ tiêu cụ thể cho các đơn vị để giảm thiểu những vi phạm HLATLĐCA.

Với sự nỗ lực này, từ con số gần 1.000 điểm vi phạm HLATLĐCA cuối năm 2012, đến nay, toàn tỉnh còn 188 điểm vi phạm HLATLĐCA và 106 điểm vi phạm khoảng cách pha đất, chủ yếu là ở 3 địa phương Cẩm Phả, Hạ Long và Đông Triều. Ngành Điện cố gắng đến hết năm 2017, sẽ tiếp tục giảm còn 89 điểm vi phạm HLATLĐCA và 55 điểm vi phạm khoảng cách pha đất trên địa bàn. Mặc dù vậy, có thể thấy, với số điểm vi phạm không phải ít như trên, ẩn họa từ vi phạm HLATLĐCA vẫn còn.

Bên cạnh những nỗ lực của ngành Điện, thiết nghĩ, rất cần sự vào cuộc của các cấp chính quyền để giải quyết dứt điểm các vi phạm đang tồn tại; ngăn chặn và xử lý kịp thời ngay từ đầu các hành vi vi phạm hành lang an toàn lưới điện; đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng qua đó nâng cao nhận thức, ý thức đối với mọi tầng lớp nhân dân hiểu rõ mức độ nguy hiểm khi vi phạm hành lang an toàn lưới điện.

Bản thân mỗi người dân, vì sự an toàn của chính mình và những người xung quanh cũng cần thiết phải tìm hiểu kỹ các quy định liên quan đến HLATLĐCA. Bởi, chỉ một sơ suất nhỏ từ vi phạm HLATLĐCA cũng có thể dẫn đến những hậu quả vô cùng nghiêm trọng, thậm chí là mất đi sinh mạng quý giá...

Theo Điều 4, Nghị định số 14/2014/NĐ-CP, ngày 26/2/2014, của Thủ tướng Chính phủ ban Quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực về an toàn điện, nghiêm cấm các hành vi sau: 

1. Trộm cắp hoặc tháo gỡ dây néo, dây tiếp địa, trang thiết bị của lưới điện; trèo lên cột điện, vào trạm điện hoặc khu vực bảo vệ an toàn công trình điện khi không có nhiệm vụ.

2. Sử dụng công trình lưới điện cao áp vào những mục đích khác khi chưa được sự thỏa thuận với đơn vị quản lý công trình lưới điện cao áp.

3. Thả diều, vật bay gần công trình lưới điện cao áp có khả năng gây sự cố lưới điện.

4. Lắp đặt ăng ten thu phát sóng; dây phơi; giàn giáo; biển, hộp đèn quảng cáo và các vật dụng khác tại các vị trí mà khi bị đổ, rơi có thể va chạm vào công trình lưới điện cao áp.

5. Trồng cây hoặc để cây vi phạm khoảng cách an toàn đối với đường dây dẫn điện trên không, trạm điện.

6. Bắn chim đậu trên dây điện, trạm điện hoặc quăng, ném bất kỳ vật gì lên đường dây điện, trạm điện.

7. Đào đất gây lún sụt công trình lưới điện cao áp, trạm điện.

8. Đắp đất, xếp các loại vật liệu, thiết bị hoặc đổ phế thải vi phạm khoảng cách an toàn.

9. Sử dụng cột điện, trạm điện để làm nhà, lều, quán, buộc gia súc hoặc sử dụng vào mục đích khác.

10. Nổ mìn, mở mỏ; xếp, chứa các chất dễ cháy nổ, các chất hóa học có khả năng gây ăn mòn hoặc hư hỏng các bộ phận của công trình lưới điện.

11. Đốt nương rẫy, sử dụng các phương tiện thi công gây chấn động hoặc có khả năng làm hư hỏng, sự cố công trình lưới điện, trạm điện, nhà máy điện.

12. Điều khiển các phương tiện bay có khoảng cách đến bộ phận gần nhất của công trình lưới điện cao áp nhỏ hơn 100 m, trừ trường hợp phương tiện bay làm nhiệm vụ quản lý, bảo dưỡng, sửa chữa đường dây điện được phép theo quy định.

13. Để cây đổ vào đường dây điện khi chặt tỉa cây hoặc lợi dụng việc bảo vệ, sửa chữa công trình lưới điện cao áp để chặt cây.

14. Các hành vi khác vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp.   


  • 24/08/2017 09:35
  • Theo Báo Quảng Ninh
  • 8881