Dòng điện về đất phương Nam

Hành trình dọc theo chiều dài 21 tỉnh, thành phố từ Ninh Thuận, Lâm Đồng đến đất Mũi Cà Mau, nơi đâu cũng thấy sự “thay da đổi thịt” và thấm đẫm tình đất, tình người. Những người đi thực hiện bài ký sự này cũng được "thơm lây" với những người làm điện. Người dân và chính quyền đều ghi nhận những nỗ lực không nhỏ của họ vào sự phát triển mọi mặt của các địa phương trong suốt 40 năm qua.

Người dân Trà Vinh vui mừng đón điện - ảnh: Báo CT

Điện về thắp sáng miền Tây

Trong một lần về thăm Cà Mau, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải chỉ đạo các bộ, ngành cần đẩy nhanh điện khí hóa nông thôn và xây dựng tuyến đường từ Năm Căn đến Đất Mũi. Từ đó đến nay, Cà Mau được đổi thay nhanh chóng, đôi khi đến lạ lẫm. Từ vùng U Minh Thượng, U Minh Hạ đến Đầm Dơi, Cái Nước, Năm Căn, Ngọc Hiển…, điện đã vượt sông băng đồng về từng xóm, ấp.

Năm 2014, gần 100% hộ dân trên địa bàn Cà Mau đã có điện. Có điện, đường, có “huyền thoại” và văn hóa sông nước Nam bộ đang kéo khách du lịch đến với Cà Mau. Ở các huyện Đầm Dơi, Phú Tân, Cái Nước…, nghề nuôi trồng thủy sản phát triển nhanh chóng với chục ngàn hecta, đưa Cà Mau trở thành một trong những địa phương đứng đầu về nuôi trồng và xuất khẩu thủy, hải sản của Đồng bằng sông Cửu Long.

Không ít dịp đi thực tế địa bàn, Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Nam, kỹ sư Nguyễn Thành Duy và các cán bộ kỹ thuật và các lãnh đạo Tổng công ty Điện lực miền Nam đều đau đáu một suy nghĩ làm thế nào để nhanh chóng xóa đi những vùng lõm về điện của vùng đồng bằng bao la, trù phú và còn lắm gian nan này.

Đồng bằng sông Cửu Long là vùng có tiềm năng lớn về phát triển kinh tế, là vùng trọng điểm sản xuất lương thực, thực phẩm, hàng thủy sản của cả nước với trên 50% sản lượng lúa và trên 90% sản lượng gạo xuất khẩu, chiếm 43% sản lượng hải sản đánh bắt biển và 68% sản lượng thủy sản nuôi trồng của cả nước. Nhưng tiềm năng của vùng chưa được khai thác hiệu quả, chất lượng tăng trưởng kinh tế, kết cấu hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, mặt bằng y tế, giáo dục còn thấp hơn các vùng khác, đời sống bộ phận dân cư còn khó khăn.

Với những nhân viên điện lực, ai cũng có thể nói vanh vách xã này, ấp nọ, cồn, bãi kia làm ăn sung túc hay còn nghèo khó, trẻ em học hành, trường lớp ra sao, nơi đấy có điện hay chưa.

Tình đất đỏ miền Đông

Hàng chục vạn hộ đồng bào Churu, Lạch, K’Ho, Rắclây, S’tiêng ở các tỉnh Lâm Đồng, Bình Phước, Bình Thuận, Ninh Thuận đã có điện rất sớm trong chương trình đưa điện về các thôn, buôn của Tổng công ty Điện lực miền Nam. Có câu chuyện vui kể rằng: những năm đầu khi đưa điện về đây, nhân viên của Điện lực Bình Phước đến thu tiền điện, bà con bảo: Tưởng cái điện của Đảng, Nhà nước cho chứ, sao lại phải trả tiền à? Đấy! Bầy gà trong vườn cán bộ bắt lấy vài con.

"Miền Đông gian lao mà anh dũng" trong chiến tranh là vậy, giờ đây đã bật dậy mạnh mẽ với thế mạnh của một vùng kinh tế năng động, vùng công nghiệp, dịch vụ quan trọng của cả vùng và cả nước. Mục tiêu của Chính phủ là toàn vùng, trừ TP. Hồ Chí Minh, phải bảo đảm tốc độ tăng trưởng kinh tế cao so với bình quân cả nước, trên 10%/năm; là khu vực có đóng góp lớn cho ngân sách quốc gia. Các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có tốc độ phát triển kinh tế, thu hút đầu tư đứng trong tốp đầu của cả nước.

Tổng công ty Điện lực miền Nam triển khai dự án cấp điện lưới quốc gia bằng cáp ngầm ra đảo Phú Quốc - Ảnh: H.Hiếu

Các chuyên gia tính toán, ở Việt Nam cứ tăng trưởng GDP 1% cần tăng 1,8 - 2% điện năng thì mới đáp ứng đủ nhu cầu. Vậy mà tỉnh Bình Dương, nơi có nhiều KCN, nhu cầu điện có năm tăng kỷ lục 25 - 27%/năm, toàn tổng công ty nhiều năm liền có mức tăng trưởng 15-16%/năm, chạy đến hụt hơi. Thế nên, vào thời kỳ kinh tế tăng trưởng cao cũng là thời kỳ đầy thử thách với Tổng công ty.

Tổng giám đốc Nguyễn Thành Duy đen nhẻm, gầy, tóc bạc trắng. Không lo sao được, người ta bảo làm dâu trăm họ đã khó, còn làm dâu triệu họ thì khó thế nào?  Lo điện cho 21 tỉnh, thành với hàng trăm khu công nghiệp, hàng ngàn nhà máy lớn, khu du lịch, cảng xuất nhập khẩu đầu mối…không dễ. Năm 2004 này, Tổng công ty có trên 6,5 triệu khách hàng. Chỉ cần để  thiếu hụt, quá tải, mất điện, sai sót, vấp váp là chuyện nóng trên mặt báo chí, lên cả Quốc hội ngay lập tức.

Nỗ lực không mệt mỏi

Hành trình dọc theo chiều dài 21 tỉnh, thành phố từ Ninh Thuận, Lâm Đồng đến đất Mũi Cà Mau, nơi đâu cũng thấy sự “thay da đổi thịt” và thấm đẫm tình đất, tình người. Những người đi thực hiện bài ký sự này cũng được "thơm lây" với những người làm điện. Người dân và chính quyền đều ghi nhận những nỗ lực không nhỏ của họ vào sự phát triển mọi mặt của các địa phương trong suốt 40 năm qua, trong đó có hơn 10 năm tăng tốc điện khí hóa trên 21 tỉnh, thành phía Nam.

Mỗi năm, Tổng công ty đầu tư trung bình 2.000 tỷ đồng để phát triển hệ thống truyền tải và phân phối điện với hàng ngàn km đường dây và hàng ngàn MVA dung lượng máy biến áp. Địa bàn Tổng công ty quản lý là địa bàn phức tạp, công nhân phải gồng mình kéo dây băng qua kênh, rạch, cù lao, cồn, bãi miền Tây; qua những thôn buôn heo hút để đem điện đến cho người dân, xóa đi cơn khát điện.

Đến năm 2014 đã có 100% xã, thị trấn, 98,2% số hộ dân trên địa bàn có điện, trong đó, số hộ dân nông thôn có điện đạt 97,8%. Các huyện đảo Phú Quốc đã có điện lưới quốc gia, sắp tới là Kiên Hải; Phú Quý, Côn Đảo… đang được tổng công ty bảo đảm cung cấp điện cho phát triển kinh tế, giữ gìn an ninh biển đảo.


  • 15/12/2014 08:49
  • Theo Báo Công Thương
  • 2814


Gửi nhận xét