Điều gì xảy ra nếu đường dây 500 kV Bắc - Nam bị chia cắt do sự cố?

Vừa qua, các vụ cháy rừng lớn đã liên tiếp xảy ra tại nhiều tỉnh miền Trung, thậm chí có thời điểm đã ảnh hưởng tới hệ thống truyền tải 500 kV Bắc - Nam. Trang evn.com.vn có cuộc trao đổi với ông Lưu Việt Tiến – Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) xung quanh vấn đề này.

Ông Lưu Việt Tiến - Phó Tổng giám đốc EVNNPT

PV: Xin ông cho biết thông tin về vụ cháy rừng tại khu vực thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế gây sự cố đường dây 500 kV Bắc - Nam vừa qua.

Ông Lưu Việt Tiến: Sự cố vừa qua tại thị xã Hương Thủy (Thừa Thiên Huế) do các đám cháy xuất phát từ ngoài hành lang an toàn đường dây, nhưng thời tiết nắng nóng, khô hanh kèm theo gió Tây Nam rất mạnh, nên đám cháy lan nhanh vào khu vực đường dây. Đây là sự cố bất khả kháng. 

EVNNPT đã chỉ đạo Công ty Truyền tải điện 2 (PTC 2) tập trung lực lượng phối hợp với lực lượng chữa cháy để hạn chế thiệt hại do cháy gây ra. Do công tác ngăn chặn được thực hiện hiệu quả, nên đám cháy không gây thiệt hại về thiết bị, tài sản lưới điện. Đường dây đã được đóng điện trở lại ngay lúc 21h ngày 28/6/2019. 

PV: Trước đây, đã xảy ra sự cố tương tự như vậy hay chưa, thưa ông?

Ông Lưu Việt Tiến: Trong quá khứ, chưa từng xảy ra các vụ cháy rừng diện rộng (khoảng 50 -100 héc ta) gây sự cố lưới điện truyền tải như vừa qua.

PV: Nếu hệ thống truyền tải điện Bắc - Nam bị sự cố, làm mất năng lực truyền tải điện từ miền Bắc vào miền Nam, hậu quả sẽ thế nào, thưa ông?

Ông Lưu Việt Tiến: Nếu sự cố kéo dài trên đường dây 500 kV Bắc - Nam sẽ gây mất sản lượng cung cấp cho miền Trung và miền Nam (trung bình khoảng 1 tỷ kWh điện/tháng).

Miền Bắc cũng mất hỗ trợ trong trường hợp nguồn phát điện bị hạn chế như các ngày 28, 29/6/2019 (do một loạt các tổ máy nhiệt điện miền Bắc bị sự cố hoặc hạn chế khả năng phát, nên phải truyền tải công suất từ miền Trung ra hỗ trợ cấp điện cho phụ tải).

Về thiệt hại kinh tế, ngay khi sự cố gây nhảy đường dây sẽ làm mất một lượng công suất và điện năng cung cấp cho miền Nam, do chưa kịp khôi phục đường dây hoặc chưa kịp huy động các nhà máy điện khu vực miền Trung và miền Nam để bù vào. Tình huống này có thể dẫn đến phải sa thải phụ tải. Bên cạnh đó, tại miền Nam có thể phải huy động các tổ máy chạy dầu để bù vào sản lượng thiếu hụt, dẫn tới làm tăng chi phí sản xuất điện. 

Về phương thức vận hành, do cơ cấu nguồn điện nước ta còn tập trung chủ yếu khu vực phía Bắc, nếu các đường dây 500 kV Bắc - Nam đang truyền tải công suất cao bị sự cố sẽ gây ảnh hưởng lớn đến cân bằng công suất hệ thống điện, cũng như cấp điện cho miền Nam.

Công nhân PTC 2 dập những đám cháy còn sót lại sau một vụ cháy rừng thuộc địa phận Hòa Vang (TP Đà Nẵng) trong chiều ngày 30/6

PV: Trong phương thức vận hành, EVNNPT có tính đến trường hợp cháy rừng hoặc mưa bão làm hệ thống truyền tải điện Bắc – Nam bị chia cắt không?

Ông Lưu Việt Tiến: EVNNPT/các đơn vị truyền tải có phương án vận hành cụ thể trên lưới và giả định các tình huống sự cố cho từng đường dây.

Ngoài ra, hệ thống truyền tải đã được trang bị những hệ thống bảo vệ sa thải phụ tải, sa thải nguồn, sa thải đặc biệt để đảm bảo lưới điện vận hành an toàn; hạn chế tối đa mức độ, phạm vi gián đoạn cung cấp điện; đồng thời khôi phục nhanh việc cấp điện cho phụ tải.

EVNNPT vận hành hệ thống truyền tải điện và xử lý sự cố tuân thủ Quy trình xử lý sự cố hệ thống điện đã quy định, trong đó Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia chỉ huy xử lý sự cố.

Trước mùa khô hàng năm, các đơn vị thuộc EVNNPT đều thu dọn thực bì để giảm thiểu cháy rừng, ảnh hưởng đến đường dây

PV: Để ngăn ngừa những sự cố do cháy rừng tương tự có thể xảy ra, EVNNPT có giải pháp gì, thưa ông?

Ông Lưu Việt Tiến: Trước tình hình diễn biến nắng nóng tiếp tục kéo dài và liên tiếp xảy ra các vụ cháy rừng tại khu vực miền Trung, EVNNPT đã yêu cầu các công ty truyền tải điện chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, Sở NN&PTNT, Chi cục Kiểm lâm, các công ty lâm nghiệp, lâm trường và các chủ rừng để tuyên truyền về việc chấp hành và thực hiện tốt các quy định về bảo vệ hành lang an toàn lưới truyền tải điện; phối hợp tích cực trong công tác phòng cháy, chữa cháy. 

Trong trường hợp phát hiện cháy rừng có nguy cơ ảnh hưởng tới đường dây, người dân hãy thông báo ngay cho các đơn vị truyền tải điện để kịp thời xử lý.

Đơn vị truyền tải cũng tăng cường trực 24/24 tại các vị trí gần đám cháy hoặc có nguy cơ cháy cao để hướng dẫn, cảnh báo và phối hợp với các cơ quan, đơn vị chuyên môn phòng chống cháy.

EVNNPT sẽ liên tục theo dõi sát diễn biến thời tiết nắng nóng, cũng như tình trạng vận hành lưới điện truyền tải để kịp thời chỉ đạo các đơn vị trực thuộc đảm bảo vận hành an toàn hệ thống điện quốc gia.

PV: Xin cảm ơn ông!