Điện thượng khẩn của Tổng giám đốc EVN về ứng phó với áp thấp nhiệt đới gần bờ

Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có Điện Thượng khẩn số 3775/EVN-AT, ngày 12 tháng 9 năm 2016 gửi các đơn vị trực thuộc về ứng phó với áp thấp nhiệt đới gần bờ.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, trên biển Đông - Khu vực vùng biển các tỉnh từ Quảng Nam - Bình Định - xuất hiện áp thấp nhiệt đới và có thể mạnh lên thành bão.

Để chủ động phòng chống, hạn chế thiệt hại do áp thấp nhiệt đới sau có thể mạnh lên thành bão và mưa lũ gây ra, Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam yêu cầu các đơn vị khẩn trương thực hiện các công việc sau:

1. Thực hiện nghiêm chỉ đạo trong Công điện của Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn.

2. Thường xuyên theo dõi các thông tin cập nhật của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương (địa chỉ website: www.kttv.gov.vn) để chủ động có các giải pháp ứng phó kịp thời. 

3. Triển khai phương án phòng chống để đối phó với áp thấp nhiệt đới, bão, xử lý kịp thời các tình huống, đảm bảo an toàn cung cấp điện, an toàn cho người, thiết bị, công trình và an toàn cho nhân dân, chuẩn bị đầy đủ người, phương tiện để khắc phục nhanh các sự cố do thiên tai gây ra. 

4. Các đơn vị quản lý lưới điện tăng cường kiểm tra để sớm phát hiện khu vực có khả năng sạt lở đất, ảnh hưởng đến cột, đường dây, trạm điện và có phương án xử lý kịp thời.

5. Các Tổng công ty Điện lực: (i) chỉ đạo các đơn vị trực thuộc đảm bảo cung cấp điện an toàn và ứng phó kịp thời với các tình huống có thể xảy ra, đảm bảo cấp điện an toàn và nhanh nhất cho các phụ tải quan trọng, các trạm bơm tiêu úng, các công trình phòng chống thiên tai trên địa bàn; (ii) phối hợp với BCH PCTT và TKCN tỉnh cung cấp điện dự phòng cho các phụ tải quan trọng khi mất nguồn điện lưới; (iii) chỉ đạo các Công ty cổ phần thủy điện trực thuộc rà soát kiểm tra công trình, nguồn điện dự phòng, theo dõi sát tình hình thuỷ văn, vận hành hồ chứa theo quy trình, phối hợp chặt chẽ với các địa phương liên quan, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người, thiết bị, công trình, hồ chứa và vùng hạ du.

6. Các công ty thủy điện kiểm tra công trình, hồ, đập, nguồn điện dự phòng, theo dõi sát tình hình thủy văn, mưa lũ, lượng nước về hồ, vận hành hồ chứa theo quy trình, phối hợp chặt chẽ với các địa phương liên quan, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người, thiết bị, công trình, hồ chứa, vùng hạ du.  

7. Các Công ty nhiệt điện tăng cường kiểm tra hệ thống mái che, hệ thống thoát nước mặt, kho nhiên liệu, bãi thải xỉ đảm bảo vận hành an toàn, tin cậy, không ảnh hưởng đến môi trường.

8. Các Ban Quản lý dự án kiểm tra công trường, theo dõi sát diễn biến mưa bão, tổ chức phòng, chống, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người, thiết bị và công trình.

9. Các đơn vị tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24h, tăng cường kiểm tra công tác chuẩn bị phòng, chống và xử lý ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, bão, mưa lũ, báo cáo các nội dung liên quan về Ban chỉ huy PCTT và TKCN Tập đoàn Điện lực Việt Nam vào 07h30 và 15h00 hàng ngày.

Chi tiết Điện có trong file đính kèm.

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương:

Hồi 14 giờ ngày 12/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 14,3 độ Vĩ Bắc; 111,1 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Quảng Nam - Bình Định khoảng 210 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50 - 60km/giờ), giật cấp 8-9. 

Dự báo trong 6 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15 - 20 km và khả năng cao mạnh lên thành bão. Đến 19 giờ ngày 12/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 14,7 độ Vĩ Bắc; 110,4 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Quảng Nam - Bình Định khoảng 150 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60 - 75 km/giờ), giật cấp 9 - 10. 

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới sau mạnh lên thành bão, vùng biển ngoài khơi các tỉnh Quảng Trị đến Bình Định có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua (Đà Nẵng-Quảng Ngãi) cấp 8, giật cấp 9-10; biển động mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3. 

Trong 6 đến 24 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15 - 20km. Đến 13 giờ ngày 13/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,8 độ Vĩ Bắc; 107,4 độ Kinh Đông, trên khu vực biên giới Việt Nam - Lào. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60 - 75km/giờ), giật cấp 9 - 10. 

Vùng biển ngoài khơi các tỉnh Quảng Trị đến Bình Định tiếp tục có gió mạnh cấp 6 - 7, vùng gần tâm bão đi qua (Đà Nẵng - Quảng Ngãi) cấp 8, giật cấp 9 - 10; biển động mạnh. 

Từ đêm nay, vùng ven biển các tỉnh Quảng Bình - Quảng Ngãi có gió mạnh cấp 6 - 7, vùng gần tâm bão cấp 7 - 8, giật cấp 9 - 10. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3. 

Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15 - 20km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp. 
Ngoài ra, từ hôm nay (12/9) đến khoảng ngày 14/9, khu vực Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển Bình Thuận-Cà Mau liên tục có mưa dông và gió mạnh cấp 6, giật cấp 7 - 9, sóng biển cao từ 2 - 3m, biển động. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1.

(Nguồn: Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương)

 

 

C%C4%90-EVN%20ngay%2012_9_2016.pdf


  • 12/09/2016 03:25
  • M.H
  • 7648