Ông Nguyễn Thanh Đạt - Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung (CPCCREB):
Doanh nghiệp cần tính đúng, tính đủ chi phí sản xuất điện mặt trời
Bước sang năm 2017, thị trường điện mặt trời tại Việt Nam đã có nhiều khởi sắc và bắt đầu hấp dẫn các nhà đầu tư. Tính riêng tại khu vực miền Trung và miền Nam, tổng công suất nguồn điện mặt trời được đăng ký đã lên tới vài chục nghìn MW.
Hiện nay, CPCCREB cũng đang chuẩn bị các thủ tục triển khai Dự án Nhà máy điện mặt trời Điện lực miền Trung, công suất 50 MW, diện tích khoảng 70 ha tại huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa. Dự kiến, sau khi được phê duyệt, Dự án sẽ được triển khai trong vòng 15 tháng, thời gian hoạt động 50 năm.
Hiện nay, Chính phủ đã ban hành cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển điện mặt trời, đặc biệt là cơ chế hỗ trợ giá điện mặt trời với mức giá ưu đãi 2.086 đồng/ kWh (QĐ số 11/4/2017/ QĐ-TTg ngày 11/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ).
Như vậy, về cơ bản điện mặt trời tại Việt Nam đã đủ các cơ chế, chính sách để phát triển. Vấn đề còn lại là ở các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Họ cần phải tính đúng, tính đủ chi phí để đầu tư các dự án điện mặt trời, không chỉ bổ sung thêm nguồn điện sạch cho đất nước mà còn mang lại lợi nhuận cho chính các doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần ủng hộ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là bồi thường giải phóng mặt bằng, ưu tiên đất thực hiện dự án.
|