Để giữ ánh sáng cho huyện nghèo nhất nước

Chúng tôi có dịp đến với huyện Pác Nặm (tỉnh Bắc Kạn) để tìm hiểu về cuộc sống anh em công nhân ở huyện nghèo khó nhất cả nước này. Quả thực, những điều được tận mắt nhìn thấy, tận tai được nghe khiến chúng tôi không khỏi thán phục các anh bởi sự bền bỉ, không ngại khó khăn vất vả nơi mảnh đất “chó ăn đá, gà ăn sỏi” này.

Gần 100% công nhân phải thuê trọ
Ngồi tâm sự với Ban lãnh đạo Điện lực Pác Nặm chúng tôi mới thấy được lãnh đạo ở đây rất trăn trở và đau lòng khi chưa lo được nơi ăn chốn ở cho anh em công nhân. Hầu hết các anh em công nhân Điện lực Pác Nặm đều chuyển từ Điện lực Ba Bể lên. Gắn bó với ngành Điện đã nhiều năm nhưng do công việc ở miền núi khó khăn vất vả, đi lại tốn kém, không có phụ cấp ưu đãi nên anh em không có tiền tích lũy, vì vậy mà phần lớn anh em công nhân phải thuê nhà trọ.

Công nhân Điện lực Pác Nặm đến chia sẻ kinh nghiệm sử dụng điện cho bà con - Ảnh Văn Lương

Ông Lê Văn Trung – Giám đốc Điện lực Pác Nặm chia sẻ: Toàn đơn vị có 36 cán bộ công nhân viên thì có đến 34 anh em công nhân phải thuê trọ, 2 người không phải thuê trọ là một người ở Pác Nặm và tôi được Công ty tạo điều kiện cho mượn một phòng tại trụ sở Điện lực để ở. Như vậy gần 100% cán bộ anh em công nhân Điện lực Pác Nặm phải đi thuê nhà trọ.

Nói về nỗi khó khăn vất vả khi phải thuê nhà trọ, anh Lý Hùng Cường (quê ở huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc  Kạn, cách nơi làm việc 100 km) – Phó phòng Kinh doanh – Tổng hợp (Điện lực Pác Nặm) chia sẻ: Có thể nói ở đây là huyện miền núi nghèo nhất cả nước nhưng giá thuê trọ cũng không hề rẻ do không có dịch vụ cho thuê nhà, muốn thuê thì phải đến nói khó với bà con. Bà con cũng rất quý công nhân ngành Điện nên mới cho thuê. Một phòng chỉ có 15m2 mà phải thuê với giá 500-700 nghìn đồng/tháng, chưa có tiền điện, tiền nước, cũng không có nhà vệ sinh khép kín, phải đi ra rất xa nhà quây tạm tấm tre, nứa để làm nhà vệ sinh.

Còn đối với vợ chồng anh Nguyễn Anh Tuấn (quê Sóc Sơn, Hà Nội), làm việc tại tổ Trực vận hành, đã gắn bó với mảnh đất này được 10 năm. "Cái duyên, cái số" đã đưa anh kết duyên với người con gái đất Tuyên Qung cũng lên đây làm ăn. Cả 2 vợ chồng chắt bóp chi tiêu, làm lụng vất vả vậy mà đến nay cũng chưa có được tấc đất cắm dùi. Anh Tuấn thổ lộ: “Tiền lương hằng tháng bỏ ra cũng chẳng còn được bao nhiêu do phải ăn uống, sinh hoạt, đặc biệt là tiền xăng xe đi lại rất tốn kém, lại chưa kể tiền thuê nhà hay thi thoảng về quê là số tiền tích góp được mỗi tháng đã hết sạch rồi. Như vậy mong ước có nhà ở miền núi này cũng là xa vời lắm đối với anh em thợ điện ở đây”.

“Khó khăn là thế, vất vả là vậy, nhưng lãnh đạo Điện lực Pác Nặm cũng chỉ có một mong muốn lãnh đạo cấp trên quan tâm, xây một ngôi nhà tập thể cho anh em thuê với giá ưu đãi để anh em công nhân Điện lực Pác Nặm yên tâm công tác. Như vậy là tôi thấy mừng lắm rồi”, ông Lê Văn Trung- Giám đốc Điện lực Pác Nặm chia sẻ.
 
Làm nhiệm vụ chính trị là chủ yếu

Theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ thì Pác Nặm được xếp vào là 1 trong 62 huyện nghèo nhất cả nước. Mảnh đất này chỉ có  núi đồi, đá sỏi, vì vậy đến những cây ngô, cây sắn còn khó trồng nói gì đến việc trồng lúa, trồng khoai. Huyện này nghèo thật, “bới” cả huyện cũng không tìm đâu ra một thị trấn để địa phương đặt làm huyện lị, chính vì vậy, huyện đã lấy xã Bộc Bố là xã trung tâm nhất của huyện làm huyện lị. Tuy là huyện lị nhưng Bộc Bố cũng chẳng có tuyến quốc lộ nào đi qua mà chỉ có duy nhất tuyến tỉnh lộ 258B bắt nguồn từ thị trấn Chợ Rã (huyện Ba Bể) lên Bộc Bố, “mò” cả huyện lị này cũng không tìm thấy quán ăn nào, dọc 2 bên đường chỉ thấy lác đác có vài nhà mới xây, hỏi ra mới biết đó là cơ quan công quyền của huyện.

Băng đèo vượt núi để đi chốt chỉ số công tơ - Ảnh Xuân Tiến

Kể dông dài như vậy để thấy được anh em công nhân ngành Điện ở đây phải đối mặt với nhiều khó khăn vất vả như thế nào. Nói về hoạt động kinh doanh, ông Lê Văn Trung – Giám đốc Điện lực Pác Nặm cho biết: Ở đây, mục tiêu chính chưa phải là kinh doanh, chủ yếu làm nhiệm vụ chính trị, đảm bảo an sinh xã hội - đó là đưa điện về các thôn bản, đến tận nhà các bà con để bà con từng bước tiếp cận với ánh sáng, với văn minh rồi vươn lên thoát nghèo.

Ông Trung chứng minh bằng con số cụ thể: Ở huyện Pác Nặm này có diện tích trên 47.300 ha và dân số trên 26.000 người với khoảng 4.000 khách hàng, vậy mà doanh thu tiền điện một năm chỉ được khoảng 6 tỷ đồng. Dân cư ở Pác Nặm sống ở vùng cao, cực kỳ thưa thớt. Có khu vực đầu tư xây dựng trạm biến áp dung lượng 31,5 kVA mất hơn 1 tỷ đồng mà chỉ có 20 hộ dân sử dụng điện và mỗi hộ dùng chưa đến 10.000 đồng/tháng tiền điện. Suất đầu tư cực lớn và tiền sử dụng của khách hàng quá ít, mãi mãi ngành Điện không thể thu hồi lại vốn đầu tư được”, ông Trung lấy thêm dẫn chứng.

Hiện tại, Điện lực Pác Nặm quản lý 160 km đường dây trung thế và 150 km đường dây hạ thế, tính trung bình mỗi anh em công nhân phải quản lý từ 12-16 km đường dây trung và hạ thế. Tuy số lượng đường dây quản lý không lớn nhưng địa hình phức tạp, đi lại rất khó khăn nên việc quản lý rất vất vả.

Chúng tôi có mặt tại nhà ông Trương Văn Lại (43 tuổi) ở thôn Khâu Đấng, xã Bộc Bố, ông Lại cho biết: “Nhà có 7 người, nhưng mỗi tháng dùng hết 5.000 đồng tiền điện thôi, nhà chỉ có 2 bóng điện được cán bộ điện lực lắp cho, tối ăn cơm thì bật, ăn xong thì đi ngủ chứ có dùng đến điện đâu”.

Trường hợp dùng ít điện như nhà ông Lại ở Pác Nặm này không hiếm, ông Lê Văn Trung thống kê: Tỷ lệ hộ dùng dưới 10.000 đồng/tháng chiếm khoảng 20% (khoảng 800 hộ), số hộ dân của huyện sử dụng điện dưới 50kWh/tháng chiếm hơn 60%. Việc đi thu tiền điện cũng là một khó khăn ở nơi đây, theo hợp đồng bà con phải đến quầy thu để nộp tiền điện, nhưng thực tế anh em phải trực tiếp đi thu mà ban ngày đi thu thì bà con không có nhà, phải đi thu vào buổi tối, có những khách hàng phải đi lại vài lần mới thu được chưa đến 10.000 đồng.

Khó khăn là vậy, nhưng toàn thể cán bộ, công nhân Điện lực Pác Nặm vẫn đoàn kết, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chung là đảm bảo cấp điện an toàn, ổn định cho bà con. Khó khăn không làm chùn bước các anh. Các anh vẫn nguyện gắn bó với mảnh đất này để mang ánh sáng đến với bà con.
 


  • 07/04/2014 01:48
  • Theo TCĐL chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 2955


Gửi nhận xét