Cồn Cỏ đủ điện, Tết này vui hơn

Đó là cảm nhận của nhiều chiến sỹ, người dân đang sinh sống, làm việc trên huyện đảo Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị những ngày giáp Tết nguyên đán Mậu Tuất. Trong “lớp áo mới” trên hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc, dòng điện được thắp sáng 24h mỗi ngày, khiến bao thanh niên xung phong “bỏ đất ra đảo” tại đây tràn đầy niềm tin vào cuộc sống tương lai.

Hành trình cấp điện gian nan

Chúng tôi theo tàu của bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Trị ra huyện đảo Cồn Cỏ. Buổi sáng đầu xuân, trời và biển lộng gió, mùi biển mặn mòi như ướp cả vào tóc, vào khăn, áo của mỗi người. Hơn hai tiếng đồng hồ lênh đênh trên biển khơi, nếm trải cảm giác say sóng, chúng tôi mới nhìn thấy Cồn Cỏ trước mặt. Hòn đảo nhỏ xinh xắn, là địa danh anh hùng trong kháng chiến chống Mỹ, nay phủ rợp bóng cây xanh giữa bốn bề sóng nước. 

Huyện đảo Cồn Cỏ được thành lập năm 2004, ban đầu, chỉ là một huyện đảo thuần quân sự, cơ sở vật chất nghèo nàn, đơn sơ, sử dụng các máy nổ công suất nhỏ để phục vụ cấp điện. Đến tháng 10/2009, trên đảo mới đưa vào hoạt động cụm máy phát điện diesel tập trung và hệ thống đường dây hạ áp. Ban quản lý cảng cá là đơn vị sự nghiệp thuộc huyện trực tiếp quản lý vận hành hệ thống cấp điện này. Số giờ có điện trên đảo đã tăng từ trung bình 4 giờ/ngày năm 2009 lên 17 giờ/ngày năm 2017. Các nhu cầu về điện sinh hoạt và kinh doanh nhỏ trên đảo đều bị hạn chế do năng lực của hệ thống diesel, lưới điện hạ thế cũng như khả năng bù lỗ về tài chính. Cũng đã có nhiều dự án nhỏ thử nghiệm về phát điện bằng hệ thống pin mặt trời cũng như điện gió trên đảo, tuy nhiên các hệ thống này không phát huy tác dụng do đặc thù về thời tiết, công nghệ.

Nhìn ra mênh mông sóng, Phó Chủ tịch UBND huyện đảo Cồn Cỏ Trương Khắc Trưởng ưu tư nhớ đến nỗi trăn trở về điện vẫn còn hiện hữu trên đảo cách đây vài tháng: “Dù chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu sử dụng điện, nhưng mỗi năm, ngân sách tỉnh đã phải bù lỗ 1 tỷ đồng. Nếu cung cấp điện 24/24 giờ thì Quảng Trị sẽ phải bù lỗ khoảng 5 tỷ đồng/năm. Ðây là áp lực lớn đối với "đất mẹ nghèo” Quảng Trị".

Giải pháp được đưa ra lúc ấy là Tổng công ty Ðiện lực miền Trung (EVNCPC) tiếp nhận phát điện. Tháng 6/2017, EVNCPC đã thí điểm tăng cường máy phát điện 24/24 giờ, giúp cuộc sống của người dân được cải thiện rõ rệt, đặc biệt là có điện làm đá để giúp bảo quản thức ăn trong thời gian mưa bão, bảo quản hải sản đánh bắt được khi chưa có phương tiện chở vào đất liền…” Trong lời kể chợt bừng lên ánh mắt vui mừng, ông Trưởng nói tiếp: “Tới tháng 8/2017, Cồn Cỏ vui mừng nhận được quyết định của Chính phủ cho phép ngành Điện tiếp nhận tài sản và quản lý bán điện trên đảo, để từ đó có phương án kinh doanh điện hợp lý. Lộ trình đã rõ, nhưng để đánh thức được "ngọc trong cát", đúng là điện vẫn cần đi trước một bước”.

Máy phát diesel công suất 25 KVA được PC Quảng Trị đưa ra đảo tháng 6/2017 để tăng cường công suất phát điện, cấp điện 24/24 giờ

Quân, dân, thợ điện cùng đón Tết

Trạm điện Cồn Cỏ hiện nay có 6 người (1 trưởng trạm và 5 công nhân), ngày trực ba ca sáng, chiều, tối. “Do thiếu người nên ca ngày chỉ có 1 thợ điện, ca đêm mới tăng cường thành 2 người trực, ngày thường cũng như ngày Tết, quân số không thay đổi” - Anh Nguyễn Thanh Bình, Trạm trưởng Trạm điện Cồn Cỏ tâm sự và cho biết thêm: “Công việc quản lý vận hành hệ thống điện trên đảo còn nhiều có khăn do huyện đảo nằm độc lập trên vùng biển phía Đông Bắc tỉnh Quảng Trị, thường chịu ảnh hưởng nhiều cơn bão trong năm và các đợt gió mùa liên tục. Khí hậu khắc nghiệt, nên nhiều vật tư thiết bị mau xuống cấp, hư hỏng, ảnh hưởng đến hệ thống điện. Mặt khác, phương tiện vận chuyển dịch vụ ra vào đảo chưa có (chỉ có tàu công vụ của UBND huyện và tàu Quân đội), nên gặp nhiều khó khăn khi đi ra, đi vào, vận chuyển mua vật tư thiết bị thay thế, sửa chữa… Dù vậy, là những người con của quê hương Quảng Trị anh hùng, chúng tôi phấn đấu vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.

Khó khăn là vậy, nhưng cái được lớn nhất của người thợ điện nơi đây là được ăn Tết với một đại gia đình già, trẻ, lớn, bé đủ cả. Như sáng nay, tư gia của các anh thợ điện trên đảo bỗng nhộn nhịp hơn hẳn. Người dân dù bận rộn với công việc trang trí nhà cửa đón Tết, vẫn không quên “dúi” tặng thợ điện những con cá tươi rói mới bắt được ngoài biển, cảm ơn các anh đã cùng họ đón cái Tết đầu tiên đủ điện. 

Từ trong sân nhà, tiếng rổn rảng chuyện trò giữa lão ngư tên Diệu đang ngồi đan lưới bắt cá với mấy anh thợ điện vang lên không ngớt. Lão cười khà khà: “Có điện 24/24 giờ rồi, lão sẽ dành tiền mua tủ lạnh, máy điều hòa, rồi mấy thứ điện tử cho vui nhà. Đúng là... Tết này có các chú, vui hơn hẳn Tết xưa!”.

Có cùng sự phấn khởi trong lòng như lão Diệu, chị Trần Thị Quyệt (43 tuổi, sinh sống trên đảo được 11 năm), mỉm cười: “Thực sự đây là cái Tết được dùng điện 24/24h đầu tiên với người dân trên đảo nên chúng tôi ai cũng mừng vui, năm nay sẽ được xem đầy đủ các chương trình mừng Đảng, mừng Xuân, nhất là chương trình “Gặp nhau cuối năm”, một chương trình mà tôi vô cùng yêu thích”. 

Để ăn “cái Tết to” năm 2018, nhà chị Quyệt cũng đã sắm thêm chiếc tủ lạnh mới rộng hơn để dự trữ và đông lạnh hải sản, cái nghề nuôi sống gia đình chị chục năm nay, nhưng đến giờ nhờ đủ điện mới dám mơ tới bốn chữ “kinh doanh chuyên nghiệp”. Niềm phấn khởi của bà con nơi đây khiến không khí mùa xuân bao trùm cả đảo nhỏ, báo hiệu một cái Tết sum vầy, ấm cúng ngay cả đối với những người ăn Tết nơi đất khách như các chiến sỹ hải quân và thợ điện.

Tối ấy, mấy nhà dân lân cận cùng những bóng áo cam và chiến sỹ hải quân trên đảo rủ nhau dựng một chiếc “bếp dã chiến” ngay cạnh bờ biển. Một miếng sắt to được các anh cắt từ một chiếc thùng phuy dùng làm chảo nướng. Ốc, cua, mực tươi rói vừa được người dân biếu tặng giúp các anh có bữa tối thịnh soạn khiến ai cũng phải tấm tắc khen. Đây có lẽ là bữa tiệc "xa xỉ" bậc nhất đối với những người quen sống nơi đầu sóng ngọn gió. Họ vốn phải làm quen với những món ăn lưu trữ lâu ngày trong tủ lạnh. Vào thời điểm biển động, thời tiết khắc nghiệt, không có tàu ra vào tiếp tế lương thực, thức ăn khan hiếm, chiến sỹ, thợ điện và người dân trên đảo cũng đã từng chia sẻ với nhau những gì mình có, từ con cá, mớ rau, cân thịt...

Cái Tết xa quê, xa gia đình của cả thợ điện, chiến sỹ hải quân nơi đảo xa bỗng ấm áp tình người, tiếng cười vẫn vang lên không ngớt trên dải đảo xanh thẫm, vang dưới nền trời nơi lá cờ Tổ quốc căng gió như một người gác đảo kiên trung nhìn ra biển Ðông. 


  • 14/02/2018 09:53
  • Theo TCDL chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 9908