Cổ phần hóa các Genco: Chuẩn bị cho thị trường bán buôn điện cạnh tranh

Cổ phần hóa các tổng công ty phát điện là một khâu quan trọng nhằm tiến tới thị trường bán buôn điện cạnh tranh. Trao đổi với phóng viên, nhiều chuyên gia cho rằng, việc cổ phần hóa các công ty phát điện là hướng đi đúng, nhưng cần tính toán thận trọng trước khi thực hiện, tránh “vết xe đổ” của một số doanh nghiệp nhà nước trước đây.

Hướng đi đã rõ…

Ngày 10/9/2013, tại cuộc họp tổng kết 1 năm vận hành chính thức thị trường phát điện cạnh tranh (VCGM), Phó thủ tướng CP Hoàng Trung Hải đã ghi nhận những thành quả bước đầu mà VCGM đạt được, đồng thời yêu cầu các tập đoàn: Điện lực Việt Nam, Dầu khí Việt Nam, Than & Khoáng sản Việt Nam khẩn trương xây dựng kế hoạch cổ phần hóa các tổng công ty phát điện, làm tiền đề cho việc vận hành thí điểm thị trường bán buôn điện cạnh tranh vào năm 2014.

Phó thủ tướng cũng giao cho Bộ Công Thương và các bộ ngành liên quan hỗ trợ, giám sát việc thực hiện chủ trương này, kịp thời báo cáo Chính phủ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc có thể phát sinh trong quá trình triển khai.

Đề án “Tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước” giai đoạn 2011 – 2015 cũng đã nêu rõ sự cần thiết và tính tất yếu của chủ trương cổ phần hóa. Có thể khẳng định, đây là hướng đi đúng, một mặt làm tăng tỷ lệ vốn hóa cho các doanh nghiệp, tăng tính chủ động, sự minh bạch, sức cạnh tranh, đặc biệt, tạo tiền đề cần thiết cho các doanh nghiệp vận hành theo cơ chế thị trường.

Theo ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội năng lượng Việt Nam, nếu cổ phần hóa (CPH) thành công, có thể niêm yết các tổng công ty phát điện trên thị trường chứng khoán. Đây là hướng đi phù hợp, tạo nền tảng cho việc xây dựng, hoàn thiện thị trường điện đúng nghĩa tại nước ta.

Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải chúc mừng các EVN GENCO trong lễ ra mắt. Ảnh: Vũ Lam

Đối với các tổng công ty phát điện thuộc EVN (EVN GENCO), Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV POWER), Tổng công ty Điện lực thuộc Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), là các đơn vị phát điện lớn và quan trọng, nên việc CPH càng có ý nghĩa đặc biệt. CPH không chỉ giúp các đơn vị gia tăng khả năng huy động các nguồn vốn lớn để triển khai các dự án (trước đây vẫn rất khó khăn), mà còn tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động hơn trong chiến lược sản xuất - kinh doanh của mình.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của chủ trương này, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể. Tính đến thời điểm này, EVN đã ban hành văn bản chỉ đạo và hướng dẫn 3 EVN GENCO từng bước chuẩn bị tiến hành CPH.

Để thành công: Cần chuẩn bị kỹ

 “Bài học từ việc CPH các tổng công ty 90, 91 và một số công ty thuộc sở hữu nhà nước trước đây cho thấy, mặc dù CPH là chủ trương đúng, nhưng để có được thành công, hoàn toàn không dễ dàng” –Tiến sỹ Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam khẳng định.

Theo Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Đặng Hùng Võ: “Con đường CPH của các tổng công ty nhà nước có thể khác nhau, do những tồn tại lịch sử, những đặc thù của từng doanh nghiệp. Vì vậy, để thực hiện CPH thành công, tôi nghĩ các doanh nghiệp cần sự nghiên cứu thật kỹ và xây dựng lộ trình từng bước, chậm mà chắc sẽ đảm bảo thành công hơn so với một số đơn vị đưa ra kế hoạch CPH, nhưng liên tục “lỗi hẹn”. Các tổng công ty phát điện của EVN hay là PVN, Vinacomin cũng không nằm ngoài quy luật đó”.

Xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Loãn, Chủ tịch HĐQT EVN GENCO 1 cho biết, hiện GENCO 1 cũng đang từng bước triển khai chỉ đạo về CPH. Đơn vị sẽ làm từng bước theo lộ trình và hướng dẫn cụ thể của EVN.

Cổ phần hóa sẽ tạo điều kiện cho EVN GENCO tự chủ hơn, thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Ảnh: PV

Trả lời phỏng vấn của báo chí tại cuộc họp báo quý 3 ngày 8/10/2013, Chủ tịch HĐTV PVN, ông Phùng Đình Thực cũng khẳng định, PVN đang chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh tiến độ CPH theo đúng kế hoạch và yêu cầu của Chính phủ.

CPH các EVN GENCO cũng là một trong những giải pháp được nhiều chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra phân tích, trao đổi tại Hội nghị “Khởi động chiến lược nâng cao năng lực tài chính cho EVN” hồi tháng 7/2013. Theo quan điểm của bà Victoria Kwa Kwa – Giám đốc WB tại Việt Nam, trong bối cảnh hầu hết các GENCO thuộc EVN đều khó khăn về huy động vốn, thì giải pháp CPH cần được tính đến như một chiến lược thực sự. Nhiều chuyên gia tại Hội nghị cũng có cùng quan điểm với bà Victoria Kwa Kwa. Họ đều cho rằng, CPH sẽ tạo điều kiện cho EVN GENCO tự chủ hơn, đồng thời thu hút được các nguồn đầu tư, nhất là các dòng vốn nước ngoài. Tuy nhiên, các chuyên gia của WB cũng cảnh báo, lộ trình CPH cần được tính toán kỹ, vì trên thực tế, ngành Điện một số nước đang phát triển ở châu Á cũng đã từng triển khai, nhưng đều thất bại.

Như vậy, CPH là bước đi cần thiết, tạo điều kiện để có thể vận hành thí điểm thị trường bán buôn điện cạnh tranh vào năm 2014. Tuy nhiên, lộ trình thực hiện cần phải được chuẩn bị thật kỹ càng và thận trọng.
 


  • 25/11/2013 02:22
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 4269


Gửi nhận xét