Chuyện dùng điện của những hộ nghèo ven đô

Sau hơn 10 năm sáp nhập vào Hà Nội, nhiều gia đình nghèo ở Thanh Oai vẫn chật vật với hóa đơn tiền điện mỗi tháng, chưa nói đến nâng cấp đường dây trong nhà.

Những đường dây điện 40 năm tuổi

Buổi sáng cuối tháng 10, căn nhà của bà Trần Thị Điển, nằm tại xã Kim An, huyện Thanh Oai, Hà Nội không khoá cửa. Gió thu se lạnh luồn qua 3 gian nhà trống trải, theo đúng nghĩa đen. Căn nhà gần như không có tài sản gì đáng giá, chiếc tivi thế hệ cũ hỏng màn hình, 3 chiếc quạt cây, hai chiếc giường chăn chiếu mỏng manh, trong bếp, chiếc bếp ga được che bằng một tấm nilon phủ lớp bụi dày, đã lâu rồi chưa được nổi lửa. Trong sân chỉ có bóng những người thợ điện sáng nay đang giúp thay đường dây.

"Đường dây điện cũ vừa mảnh, vừa mủn chắc chỉ có thể thắp sáng một bóng đèn chứ không đủ để tải một thiết bị điện hiện đại nào, kể cả đun nước bằng ấm siêu tốc" - Một thợ điện chia sẻ khi thay xong đường dây mới và thu dọn những đoạn dây điện 40 năm tuổi

Không ai tò mò vì sao cánh cổng nhà không khoá, "Nhà có gì đâu mà cần khoá", ông Lê Xuân Hòe, Trưởng thôn Kim An tổng kết ngắn gọn khi chia sẻ về hoàn cảnh của bà Trần Thị Điển. Là một trong những gia đình nghèo nhất xã Kim An, trước đây bà Điển ở cùng với gia đình em trai, nhưng sau đó, người em rượu chè, đau yếu liên miên, cả gia đình phải ra Hà Nội chữa bệnh nên căn nhà vốn là nơi sinh hoạt của 5 thành viên giờ chỉ còn lại bà Điển sinh sống. Người phụ nữ đã gần 70 tuổi, không có họ hàng thân thuộc, không có sức lao động và cũng không có kế sinh nhai.

Không ai rõ mức thu nhập hàng tháng của bà là bao nhiêu, có thể loanh quanh ở mức một triệu nhờ tiền bán rau và công làm cỏ, hoặc có thể thấp hơn, hoá đơn tiền điện mỗi tháng chỉ vài chục nghìn nhưng thường được nhà nước trợ cấp 30.000 đồng, phần còn lại bà con làng xóm giúp đỡ.

Xã Kim An sáng đèn từ 40 năm trước khi một nhà máy pin được xây dựng ở địa phương. Nhà bà Điển cũng có điện từ thời điểm đó, và cũng chừng đó năm những đường dây điện cũ kĩ, truyền tải kém trong nhà chưa từng được thay lắp.

Chi phí thay đường dây khoảng 2 triệu, nhưng với một người phụ nữ sống hôm nay chưa biết ngày mai như bà, số tiền này là quá sức chi trả. Chính vì vậy, EVNHANOI, trong chương trình hỗ trợ thay mới đường dây cho người dân trên địa bàn đã hỗ trợ gia đình. Toàn bộ đường dây cũ được tháo bỏ và thay bằng đường dây mới bền và an toàn hơn, những bóng đèn tiết kiệm điện cũng được thay thế cho những bóng cũ đã tù mù, không đủ thắp sáng. Dù biết người phụ nữ ấy ít khi sử dụng, nhưng "hy vọng bà sẽ được sử dụng điện một cách an toàn hơn, bớt đi nỗi lo những mùa mưa bão, đường dây cháy chập, hay ít nhất mùa đông tới sẽ có thể đun nước, thắp sáng và sưởi ấm", anh Thuật, thuộc nhóm thợ điện phụ trách địa bàn xã cho biết.

Căn nhà của nhiều cái "không"

Cách căn nhà của bà Điển khoảng 2km, tại xã Kim Lân là nơi sinh sống của hai mẹ con cô Trần Thị Thập (55 tuổi) và em Lê Thị Hợp (15 tuổi). Con đường dẫn vào nhà của hai mẹ con được xếp bằng những viên gạch xỉ đã bám đều rêu phong. Nhà chỉ có một phòng duy nhất, vừa là phòng khách, vừa là phòng ngủ và vừa là phòng học cho em Hợp. Ngoài bàn ghế, giường tủ đã cũ, căn nhà không có đồ đạc gì đáng giá.

Kết hôn được 20 năm, gia đình cô Thập luôn trong diện hộ nghèo. Sau khi người chồng mất năm 2019, cuộc sống của hai mẹ con càng túng quẫn. Dù mới ngoài 50 nhưng cô Thập gần như không còn sức lao động, căn bệnh thấp khớp khiến cả người luôn nhức mỏi, không thể làm bất cứ công việc gì từ việc nhỏ như dọn dẹp đến việc lớn như đồng áng. Ngoài không tiền, hộ gia đình còn sở hữu những cái "không" khác, không nhà vệ sinh, không nhà tắm, không nước sạch, không nhà bếp, không có nguồn thu nhập, không có lao động chính và cũng không có kế sinh nhai. Nơi dùng để đun nấu là một cái kiềng nhỏ đặt ngoài vườn.

Cuộc sống của hai mẹ con luôn tạm bợ suốt hơn một năm qua, leo lắt bằng số tiền thỉnh thoảng được trợ cấp dành cho hộ nghèo hoặc vay anh em họ hàng cũng như nhờ hàng xóm giúp đỡ. “Hai mẹ con nghèo quá, không giúp cũng không đành”, một người hàng xóm cho biết.

Mỗi tháng gia đình cô Thập chỉ dùng hết vài chục nghìn tiền điện vì ngoài bóng đèn và một chiếc quạt cho mùa hè, đồ điện trong nhà gần như không còn gì. Đã từ lâu cô Thập không biết ai trả hoá đơn giúp gia đình mình, “có thể xã giúp đỡ, hoặc gia đình người họ hàng gần đây trả giúp vì thương hai mẹ con, chứ cô làm gì có tiền”, người phụ nữ chia sẻ khi đứng bên thềm đợi những người thợ điện lắp đặt đường dây mới trong nhà.

Cũng như nhiều gia đình hộ nghèo khác tại huyện Thanh Oai trong thời điểm này, căn nhà của hai mẹ cô Thập cũng được hỗ trợ thay đường dây cũ và lắp đặt đường dây, công tơ, bóng đèn an toàn hơn. Hệ thống điện mới mang đến sự ổn định cho một phần cuộc sống của hai mẹ con cô Thập, giữa căn nhà với một tương lai bất ổn và vô định.

Ba triệu đồng và 7 miệng ăn

Cách đó không xa, gia đình chị Nguyễn Thị Tuyên và Nguyễn Huy Thắng là một cảnh nghèo khác tại huyện Thanh Oai. Hộ gia đình với 7 người sinh sống trong khu đất nhỏ, hai gian nhà chung một mái, khoảnh sân trước hiên chỉ đủ rộng để phơi một nửa số thóc thu hoạch vụ hè thu vừa rồi.

Ngồi bên hiên nhà, bố mẹ chồng chị Tuyên cần mẫn vót từng chiếc vành nón để tăng thêm thu nhập, mỗi ngày từ sáng đến chiều hai ông bà có thể vót được khoảng 10 chiếc. Một bó 10 chiếc vành nón bán được 18.000 đồng.

Anh Thắng, 35 tuổi, bị viêm tuỵ và gần như tháng nào cũng phải đi bệnh viện. Sức khoẻ không cho phép anh làm các công việc nặng nhọc, những khi không ốm, anh đi làm thợ xây, mỗi tháng thu nhập được gần 3 triệu đồng, đây cũng là nguồn thu nhập chính của cả nhà.

Cuộc sống xoay quanh những phép toán sinh kế. Tổng thu nhập của chồng cộng hỗ trợ hộ nghèo, tiền vót vành nón, trừ đi tiền học của 3 con, tiền điện nước, tiền ăn của 7 người, tiền thuốc cho chồng và ông bà nội, tiền sinh hoạt… thu chưa lúc nào đủ chi.

Mỗi tháng tiền điện của gia đình hết khoảng 300.000 đồng, số tiền không lớn đối với các hộ dân khác, nhưng lại chiếm gần 10% thu nhập của cả nhà. Vì vậy, việc chi 2/3 thu nhập một tháng để thay mới hệ thống điện càng là điều xa vời, dù trong nhà có trẻ nhỏ và người già.

Sự hỗ trợ của EVN HANOI đến với gia đình chị Tuyên vào đầu tháng 10, trước khi mùa đông chính thức bắt đầu. Bên cạnh hệ thống đường dây mới, gia đình chị được lắp thêm một bóng đèn năng lượng mặt trời ngay trong sân. Ngôi nhà giờ đây đã sáng sủa hơn mỗi tối, yên tâm về một hệ thống điện an toàn.

Gia đình của bà Điển, cô Thập, anh Thắng, chị Tuyên nằm trong số 800 hộ nghèo thuộc huyện Thanh Oai được hỗ trợ để thay thế thiết bị điện trong chiến dịch kéo dài suốt 3 tháng cuối năm 2020. Chiến dịch được EVNHANOI thực hiện suốt gần một thập kỷ vừa qua trải dài trên nhiều địa bàn, huyện thị. Với 2 triệu đồng, mỗi hộ sẽ được thay mới toàn bộ đường dây điện, lắp thêm công tơ và thay bóng tiết kiệm điện năng. Hàng chục tỷ đồng đã được đầu tư để giúp những gia đình nghèo.

“Tiếng là người Thủ đô, nhưng ở nhiều huyện như Thanh Oai, Chương Mỹ, Sóc Sơn, Mỹ Đức.. vẫn còn nhiều gia đình thuộc diện nghèo như chị Điển, chị Thập. Những đường dây điện mới không thể ngay lập tức giúp họ thoát nghèo, nhưng một căn nhà sáng hơn, với ánh đèn ấm áp, an toàn với đường dây đấu nối cẩn thận ít nhất cũng có thể giúp họ yên tâm trong sinh hoạt hằng ngày”, đại diện EVNHANOI chia sẻ.

Link gốc