Chuẩn bị kỹ để ứng phó với diễn biến bất thường của thiên tai

Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại Hội nghị trực tuyến Tổng kết công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn từ năm 2015 đến nay và triển khai nhiệm vụ những tháng tiếp theo của năm 2016, diễn ra sáng 12/5, tại trụ sở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT).

Tham dự Hội nghị có Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai; lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương. Tại các điểm cầu trực tuyến là lãnh đạo UBND, thành viên Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có ông Ngô Sơn Hải - Phó Tổng giám đốc EVN, ông Đỗ Mộng Hùng - Trưởng ban An toàn tham dự Hội nghị.

Thời tiết cực đoan, diễn biến phức tạp

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, năm 2015, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino ở mức độ cực đoan, nên tình hình thiên tai diễn biến bất thường. Nắng nóng gay gắt duy trì liên tục ở khu vực các tỉnh từ Nghệ An đến Bình Thuận và Tây Nguyên, một số nơi nhiệt độ đã vượt giá trị lịch sử với nhiệt độ cao nhất ngày phổ biến từ 39-40oC, có nơi trên 42oC. Tình hình hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng đã xảy ra trên diện rộng, ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất vụ Đông Xuân, vụ Hè Thu.

Từ đầu năm 2016, tình hình thiên tai tiếp tục diễn biến phức tạp. Khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ có lượng mưa rất thấp, nhiều hồ chứa thủy lợi, thủy điện đạt 25-40% dung tích thiết kế, thấp hơn cùng kỳ năm 2015, nhiều hồ thủy điện đã hạn chế phát điện, tập trung cung cấp nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Hạn hán đã xảy ra trên diện rộng ở Tây Nguyên (chiếm tới 70% diện tích canh tác khu vực Tây Nguyên). Các tỉnh bị hạn hán nghiêm trọng như: Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Ninh Thuận, Bình Thuận...

Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long không có lũ, nên lượng nước trữ trong hệ thống công trình thủy lợi và các vùng thấp trũng bị thiếu hụt, kèm theo mùa mưa đến muộn và kết thúc sớm, dòng chảy thượng nguồn sông Mê Kông bị giảm, mực nước thấp nhất trong 90 năm qua, xâm nhập mặn đã xuất hiện sớm hơn gần 2 tháng so với cùng kỳ trung bình nhiều năm.

Ngoài ra, từ đầu năm 2016, trên cả nước đã xảy ra 71 trận dông, lốc, sét, mưa đá gây thiệt hại về người, tài sản, sản xuất nông nghiệp và ngành Điện.

Hội nghị trực tuyến công tác phòng chống thiên tai từ năm 2015 đến nay - Ảnh VGP

Công tác dự báo còn nhiều hạn chế

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chỉ rõ những hạn chế, khó khăn trong công tác phòng chống thiên tai. Theo Phó Thủ tướng, hạn chế lớn nhất là công tác dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn. Việc quan trắc, dự báo khí tượng thủy văn, nhất là các hiện tượng thiên tai cực đoan như giông lốc, mưa lũ cục bộ vẫn còn khó khăn vì mật độ các trạm quan trắc còn quá thưa, hệ thống quan trắc chưa đồng bộ, công nghệ dự báo còn hạn chế.

Do hạn chế trong dự báo mưa, lũ, nên các cơ quan chức năng không chủ động được trong chỉ đạo vận hành hồ chứa, tích, xả nước, kết quả là đến cuối mùa mưa thì nhiều hồ không tích đủ nước, dẫn tới những khó khăn về nguồn nước cho sản xuất và sinh hoạt trong mùa khô. Một hạn chế khác là công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tính tự giác của doanh nghiệp, người dân trong phòng, chống thiên tai, sự cố, tai nạn. 

Bên cạnh đó, còn là những bất cập trong xây dựng cơ sở hạ tầng, việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước…, hay hạn chế về nguồn kinh phí đầu tư cho công tác phòng ngừa và khắc phục thiên tai.

Nhiều nhà máy thủy điện của EVN phải hoạt động cầm chừng do hạn hán nghiêm trọng - Ảnh Minh Nguyên

Sẵn sàng ứng phó với La Nina

Để chủ động phòng tránh, ứng phó hiệu quả với thiên tai, hạn chế rủi ro, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục ưu tiên các nguồn vốn để thực hiện các chương trình, đề án đã được Thủ tướng phê duyệt như: Bổ sung, nâng cao chất lượng công tác dự báo; củng cố, nâng cấp đê sông, đê biển, bảo đảm an toàn hồ chứa; xây dựng khu neo đậu tàu thuyền, di dời dân cư vùng thiên tai; xây dựng hệ thống trực canh cảnh báo sóng thần, hệ thống giám sát thông tin hồ chứa.

Phó Thủ tướng lưu ý các cơ quan truyền thông, các bộ, ngành, địa phương áp dụng các biện pháp tuyên truyền phù hợp với điều kiện cụ thể, để người dân có thể nắm được thông tin về thiên tai và chủ động phòng ngừa. Bên cạnh đó, cần tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng; làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng trong phòng, chống, ứng phó với thiên tai, sự cố.

Đối với Ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống thiên tai, Phó Thủ tướng đề nghị cần sớm chỉ đạo việc xây dựng các công cụ hỗ trợ điều hành theo thời gian thực khi có tình huống xảy ra, nhất là đối với bão mạnh, siêu bão, lũ lớn, hạn hán, xâm nhập mặn và điều tiết hồ chứa nước.

Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn chủ trì, phối hợp với các địa phương, cơ quan liên quan tiếp tục rà soát phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn; bố trí lực lượng, phương tiện tại những khu vực trọng điểm để huy động kịp thời khi có yêu cầu. Xây dựng kế hoạch và triển khai diễn tập cứu hộ, cứu nạn trong các tình huống thiên tai, sự cố. 

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương chỉ đạo theo dõi, vận hành điều tiết các hồ chứa thủy điện, bảo đảm an toàn công trình và vùng hạ du trong mùa mưa lũ, đồng thời cần phòng, chống hạn hán; chỉ đạo dự trữ hàng hóa, nhu yếu phẩm cần thiết, đặc biệt là lương thực và nước uống, sẵn sàng cung cấp cho vùng bị thiên tai khi có yêu cầu.

Trong thời gian tới, các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long vẫn phải tiếp tục khắc phục tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, các địa phương cả nước cũng phải chuẩn bị sẵn sàng phương án ứng phó với lũ lụt do tác động của La Nina.


  • 12/05/2016 04:55
  • Huyền Thương
  • 7490