Chất lượng điện ổn, doanh nghiệp yên tâm sản xuất

Chất lượng điện ổn hơn, hoạt động sản xuất của doanh nghiệp được đảm bảo và yên tâm mở rộng quy mô, góp phần phát triển kinh tế, xã hội.

Đồng Nai là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là địa phương đi đầu trong cả nước về xây dựng và phát triển khu công nghiệp (KCN) cả về số lượng lẫn quy mô, nguồn vốn đầu tư đa dạng.

Việc Đồng Nai trở thành địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng các KCN và có tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân khoảng 12,8%/năm... là cả một nỗ lực của tỉnh này và người dân. Song để có kết quả nêu trên thì không thể không nhắc đến sự đồng hành của ngành điện, được ví như “bánh mì” của ngành công nghiệp.

Mỗi năm tiêu thụ 84 triệu kWh

Công ty Hóa chất Biên Hòa là một trong những doanh nghiệp (DN) có đầu tư vào Biên Hòa (Đồng Nai). Đây cũng là DN tiêu thụ điện lớn thứ hai ở Đồng Nai. Ông Trần Văn Trách, Phó Giám đốc kỹ thuật Công ty Hóa chất Biên Hòa, cho biết công ty chuyên sản xuất xút và clo và sự ổn định của nguồn điện đóng vai trò quan trọng trong sản xuất. Từ những dây chuyền sản xuất lạc hậu ban đầu, nhà máy này liên tục đổi mới công nghệ và tăng công suất từ vài trăm tấn xút/năm thành vài ngàn tấn/năm. “Cụ thể, công suất của nhà máy hiện là 30.000 tấn xút/năm, tăng sáu lần so với 15 năm trước. Sản lượng điện tiêu thụ hằng năm lên đến 84 triệu kWh. Chi phí cho điện năng cũng tăng từ 20 tỉ đồng vào năm 2000 thì nay là 110 tỉ đồng” - ông Trách nói.

Một số DN đầu tư ở các KCN tại Đồng Nai cũng cho rằng ngoài việc đầu tư hạ tầng đồng bộ cho các KCN thì sự đảm bảo về cung cấp điện năng đã giúp họ yên tâm đầu tư mở rộng sản xuất, áp dụng công nghệ mới, hiện đại để nâng cao giá trị sản phẩm, đảm bảo an toàn cho người lao động. Yếu tố có tính quyết định ở đây chính là nguồn điện ổn định. Vì chỉ cần một sự cố mất điện trong tích tắc, toàn bộ dây chuyền sẽ ngừng hoạt động và có thể gây thiệt hại lớn cho DN.

Thi công lưới điện tại Bình Dương - Ảnh: EVNSPC

Công nghiệp hiện đại cho nơi thuần nông

Một địa phương lân cận của Đồng Nai là Bình Dương cũng hình thành, vận hành nhiều khu - cụm công nghiệp hiện đại. Trước hiện trạng này, ít ai có thể mường tượng được cách đây khoảng 20 năm, Bình Dương vẫn còn là một tỉnh thuần nông.

Thời gian qua, Bình Dương đã bứt phá ngoạn mục khi trở thành một tỉnh công nghiệp năng động với tỉ trọng công nghiệp chiếm đến 63% trong GDP và giải quyết việc làm cho hàng trăm ngàn lao động của tỉnh nhà và các địa phương khác.

Các chính sách, thủ tục và môi trường đầu tư ở Bình Dương được đổi mới, thông thoáng hơn. Cạnh đó, hệ thống giao thông đồng bộ, kết cấu hạ tầng dịch vụ được đầu tư hoàn chỉnh cùng với việc đảm bảo cung cấp điện ổn định cho các KCN (thông qua việc đầu tư các đường dây, trạm biến áp công suất lớn)... là các ưu thế đã giúp Bình Dương thu hút các nhà đầu tư. Chính các chiến lược đầu tư bền vững, phục vụ tốt nhu cầu của DN giúp Bình Dương đảm bảo tốc độ tăng trưởng công nghiệp từ 15% đến 20%/năm. Tỉnh này đứng đầu cả nước về thu hút đầu tư công nghiệp, thu hút được cả các nhà đầu tư khó tính đến từ Mỹ, Nhật, Singapore... Năm 1995, tỉnh này chỉ có KCN Sóng Thần đầu tiên thì nay Bình Dương đã có 28 KCN với gần 1.000 DN.

Không dừng lại, Bình Dương tiếp tục phát triển về chiều sâu với những KCN ngày càng hiện đại, giúp các DN an tâm khi cần đầu tư với quy mô lớn và dây chuyền sản xuất công nghệ cao. Đơn cử Nhà máy Việt Nam Vinamilk (KCN Mỹ Phước ở Bến Cát) là một minh chứng cho sự thành công về phát triển theo chiều sâu, chuyên môn hóa cao. Ông Lý Tuấn Dũng - Giám đốc kỹ thuật Nhà máy sữa Việt Nam Vinamilk cho hay nhà máy tiêu thụ điện năng lớn (tổng công suất trên 8.400 KVA) với yêu cầu ngặt nghèo. Bởi nguồn điện dao động điện áp chỉ trong ± 5V hay chỉ gián đoạn 1/100s thì quy trình công nghệ sẽ dừng lại và muốn tiếp tục thì phải bắt đầu từ khâu đầu tiên. Điều này sẽ gây tổn hại rất lớn. Tuy nhiên, việc được cung cấp nguồn điện khá ổn định khiến hoạt động của nhà máy luôn đạt hiệu quả kinh tế cao.

Như vậy có thể thấy nguồn điện được cung ứng ổn định đã góp phần duy trì, phát triển và góp phần thay đổi, tạo được nhiều thành tựu về kinh tế, xã hội cho nhiều nơi.

Ông Toshio Kazama, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Phát triển KCN Long Bình, Đồng Nai: Nguồn cung cấp điện cho hoạt động sản xuất quan trọng như trái tim trong cơ thể của mỗi người. Khi sự cố điện xảy ra, các khách hàng không thể sản xuất được. Ở Đồng Nai, chúng tôi nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của ngành điện và mỗi khi có sự cố là ngay lập tức có điện từ nguồn dự phòng khác. Đây là lợi ích lớn đối với khách hàng, của các KCN.

Ông Võ Thiện Trường, Trưởng ban Quản lý điện VSIP, Bình Dương: Nhu cầu sử dụng điện ở KCN VSIP khá cao, khoảng 600 triệu kWh/năm và vẫn được đáp ứng đầy đủ. Nếu không có điện thì mọi hoạt động sản xuất đều đình trệ. Điện KCN được cung cấp từ lưới điện 110 kV quốc gia cho hai trạm 110 của VSIP, lưới điện trung áp 22 kV cung cấp cho khách hàng trong KCN.

 


  • 30/09/2015 09:05
  • Theo phapluattp.vn
  • 3173


Gửi nhận xét