Cấp nước đổ ải vụ Đông Xuân 2014-2015: Sẽ sử dụng tối ưu nguồn nước

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Văn Tỉnh – Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) khi trao đổi với PV Thế giới điện về công tác chuẩn bị của các đơn vị, địa phương trong công tác lấy nước đổ ải cho vụ Đông Xuân 2014-2015.

Ông Nguyễn Văn Tỉnh - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT)

Phóng viên (PV): Công tác lấy nước phục vụ vụ Đông Xuân 2014-2015 được Bộ NN&PTNT, các địa phương cũng như các công ty khai thác công trình thủy lợi đã triển khai đến đâu, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Tỉnh: Ngay sau khi có văn bản thống nhất lịch lấy nước phục vụ gieo cấy vụ Đông Xuân 2014-2015 với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Bộ NN&PTNT đã có văn bản gửi UBND, sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc bộ, công ty khai thác công trình thủy lợi liên tỉnh và các đơn vị liên quan thông báo chi tiết lịch lấy nước. Đồng thời, đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương xây dựng kế hoạch lấy nước chi tiết, chủ động trữ nước vào các khu trũng và hệ thống kênh mương, tập trung đưa nước lên ruộng theo đúng kế hoạch, sử dụng tối ưu nguồn nước, tuyệt đối không để phát sinh yêu cầu xả nước từ các hồ chứa thuỷ điện ngoài 3 đợt lấy nước nêu trên. Chấp hành chỉ đạo của Bộ, các sở NN&PTNT đã có văn bản gửi UBND các huyện, thị xã và các tổ chức khai thác công trình thủy lợi yêu cầu hoàn tất công tác chuẩn bị trước thời gian xả nước của các hồ chứa thủy điện.  

PV: Để sử dụng tối ưu nguồn nước, vấn đề nạo vét cửa cống, kênh mương dẫn nước và hệ thống ao hồ trữ nước đóng vai trò quan trọng, ông đánh giá như thế nào về công tác chuẩn bị này của các đơn vị?

Ông Nguyễn Văn Tỉnh: Nhiều hệ thống công trình thủy lợi lớn ở khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc bộ như Sông Nhuệ, Bắc Hưng Hải, Bắc Đuống… có công trình đầu mối là cống lấy nước tự chảy. Do đó, việc nạo vét kênh dẫn các cửa lấy nước và hệ thống kênh mương nội đồng là yếu tố quan trọng, giúp dòng chảy thông thoáng, tận dụng tốt nguồn nước được bổ sung từ các hồ chứa thủy điện. Bộ NN&PTNT thường xuyên chỉ đạo, khuyến cáo các địa phương phải thực hiện tốt việc này. Kế hoạch nạo vét các cửa lấy nước, hệ thống kênh mương được các địa phương chuẩn bị sớm và ngay khi kết thúc mùa mưa đã bắt tay vào thực hiện.
Đến nay, việc nạo vét cửa lấy nước, hệ thống kênh mương đã cơ bản hoàn thành, sẽ kết thúc trước thời gian xả nước chính thức. Bên cạnh đó, các địa phương cũng tận dụng các hệ thống kênh tiêu, các khu đầm ao, đất trũng để tranh thủ trữ nước, tạo nguồn nước tưới cho cây trồng trong các thời gian không có nguồn nước bổ sung từ các hồ chứa thủy điện. Nguồn nước này sẽ rất hiệu quả cho các đợt tưới dưỡng lúa.    

PV:Thưa ông, trong nhiều năm qua tổng lượng nước xả phục vụ cho nông nghiệp vụ Đông Xuân năm sau đều tăng hơn năm trước, trong khi diện tích đất nông nghiệp không tăng. Ông có thể giải thích nguyên nhân của tình trạng này?

Ông Nguyễn Văn Tỉnh: Một số năm gần đây, lượng nước xả từ các hồ chứa thủy điện có xu thế tăng lên. Qua theo dõi, sơ bộ có một số nguyên ngân như sau:
Thứ nhất, lòng dẫn hệ thống sông Hồng một số năm gần đây đã bị xói sâu hơn, so với năm 2000 trung bình gần 20%, đặc biệt lòng dẫn sông Đuống xói sâu đến hơn 40%, vấn đề này làm mất lượng nước đệm bù vào các phần bị xói.  
Thứ 2, dòng chảy cơ bản hệ thống sông Hồng trước các đợt xả xuống rất thấp, như các đợt lấy nước năm 2014, mực nước tại Hà Nội trước đợt xả 2 chỉ đạt +0,24 mét, thấp hơn nhiều so cùng giai đoạn năm 2013 (đạt +1,02 mét), năm 2012 (đạt +1,1 mét), làm tăng lượng nước xả để nâng mực nước tại Hà Nội lên trên +2,2 mét.  
Thứ 3, lượng mưa trong thời kỳ làm đất phục vụ gieo cấy thấp, dẫn đến đất ruộng và hệ thống kênh mương thủy lợi rất khô, làm tăng lượng nước đổ ải. Điển hình như vụ Đông Xuân 2013-2014, theo tính toán sơ bộ, lượng nước cần cho làm đất tăng từ 20-30% so với vụ Đông Xuân 2012-2013.
Để giải quyết nguồn nước tưới cho một số khu vực khó khăn về nguồn nước, mực nước hạ du sông Hồng thường được điều tiết tăng cao hơn so với mức +2,20 m. Điển hình năm 2014, mực nước trung bình tại Hà Nội trong đợt 2 đạt 2,47 mét, đợt 3 đạt 2,44 mét.
Với mục tiêu giảm lượng nước xả từ các hồ chứa thủy điện, Bộ NN&PTNT đang giao các đơn vị chuyên môn tổ chức nguyên cứu, xác định nguyên nhân việc hạ thấp lòng dẫn hệ thống sông Hồng và đề xuất các giải pháp hạn chế, khắc phục.   

PV: Trong đợt xả 3 đúng dịp cận Tết nguyên đán Ất Mùi, thời điểm này có gặp khó khăn gì không thưa ông? Công tác tuyên truyền để bà con chủ động lấy nước được Bộ triển khai như thế nào?

Ông Nguyễn Văn Tỉnh: Hầu như các năm đều có đợt xả nước vào thời điểm này (do trùng với đợt triều cường và đang vào thời kỳ gieo cấy) nên không gây bất ngờ cho các địa phương và bà con nông dân. Để bảo đảm việc lấy nước hiệu quả, Tổng cục Thủy lợi đề nghị các cơ quan truyền thông tăng cường công tác tuyên tuyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, góp phần tăng hiệu quả các đợt xả nước. Bên cạnh đó, các công ty khai thác ông trình thủy lợi, nhất là ở các khu vực thường gặp khó khăn về nguồn nước như tại các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, cần bố trí chế độ trực ban nghiêm túc, bảo đảm tốt việc vận hành công trình thủy lợi để tạo nguồn nước.

PV: Xin cảm ơn ông!


  • 19/02/2015 02:54
  • Theo Tạp chí Điện lực chuyên đề Thế giới Điện
  • 2377


Gửi nhận xét