Cấp điện biển đảo: Có nên tách bạch giữa công ích và kinh doanh?

Cấp điện cho biển đảo là nhiệm vụ quan trọng được EVN thực hiện tốt trong những năm qua, góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng và thúc đẩy kinh tế biển, đảo phát triển. Tuy nhiên, những vấn đề liên quan đến khó khăn trong công tác quản lý, bán điện, tách bạch nhiệm vụ mang tính công ích với sản xuất - kinh doanh, vẫn có nhiều thông tin, nhận định khác nhau.

Tọa đàm ngắn giữa TCĐL với một số chuyên gia, nhà quản lý xoay quanh vấn đề này:

PV: Đưa điện đến các đảo là một nhiệm vụ rất khó khăn, tuy nhiên EVN đã nỗ lực đầu tư đưa điện đến 11/12 huyện đảo của cả nước. Ông đánh giá như thế nào về kết quả này?

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi - Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo: Việc EVN đưa điện đến các đảo là thực hiện Chiến lược Biển của Việt Nam đến năm 2020, nhằm cải thiện đời sống, văn hóa, tinh thần cho người dân trên đảo. Ra đảo mới thấy được quân và dân trên đảo khao khát nhận được sự hỗ trợ từ đất liền như thế nào. Chính vì thế, EVN đưa điện ra các đảo là giúp quân và dân trên đảo có cuộc sống tốt hơn. Ngoài ra, nhờ có điện, kinh tế trên đảo mới phát triển mạnh, đặc biệt đối với những nghề như đánh bắt, chế biến hải sản.

Điện còn góp phần vào việc bảo vệ an ninh chủ quyền lãnh thổ, giúp người dân yên tâm bám biển, giữ gìn biển đảo, tạo sinh kế lâu dài. Đó cũng là cách khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông.

Thượng tá Nguyễn Hồng Long – Cục Bảo vệ Chính trị V (Tổng cục An ninh – Bộ Công an): Mặc dù không phải lực lượng vũ trang nhân dân, nhưng EVN đã xác định rất rõ trách nhiệm của mình trong việc góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng của đất nước, chủ động đề xuất tiếp quản, vận hành lưới điện tại nhiều huyện đảo cả  nước. Điều này cũng khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam trên biển Đông, đồng thời xác định phương thức quản lý điện năng thống nhất trong cả nước của EVN.

Ngoài ra, EVN đã làm thỏa mãn khát khao của người dân trên đảo từ bao đời nay là được sử dụng điện quốc gia. Cùng với nước ngọt, điện đã góp phần cải thiện đáng kể cuộc sống vật chất và tinh thần của người dân trên  đảo. 

Ông Trần Viết Ngãi – Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam: Các đảo tiền tiêu của Tổ quốc là những vị trí trọng yếu trong chiến lược an ninh quốc phòng đã được một doanh nghiệp nhà nước (ở đây là EVN) đầu tư, tiếp quản, cho thấy Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm đến biển, đảo. Đưa điện ra đảo là góp phần làm tăng thêm sức mạnh quân sự của Việt Nam. Quân đội mạnh trên cơ sở có trang bị vũ khí mạnh, sức chiến đấu mạnh và sức khỏe tốt. Đưa điện ra đảo góp phần củng cố quân đội theo 3 yếu tố đó. 

Đối với nhân dân, khi có điện ổn định, đời sống của người dân được nâng lên, từ đó sức mạnh của biển đảo được phát huy và sức chiến đấu của quân đội được nâng lên. Ngoài ra, đảo chính là trung tâm hỗ trợ cho ngư dân đánh bắt xa bờ có thể vào cư trú và bổ sung nhiên liệu.

PV: Theo ông, EVN đã và sẽ gặp khó khăn như thế nào khi cấp điện và quản lý bán điện tại các huyện đảo?

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi: Theo tôi, khí hậu ở các đảo tương đối khắc nghiệt, độ ăn mòn thiết bị điện do khí hậu biển là rất cao, thiết bị điện nhanh bị hư hỏng. Cùng với đó, giông tố, thiên tai và sự cố do con người gây ra cũng là những khó khăn, buộc EVN phải đầu tư tốn kém.

Chính vì những khó khăn đó, EVN cần phải có nguồn điện dự phòng, đảm bảo duy trì cấp điện liên tục cho quân, dân trên đảo, trong khi hỗ trợ từ đất liền không phải lúc nào cũng sẵn sàng. Ngoài ra, khi đã có điện, vấn đề an toàn điện phải được đặt ra, vì thế EVN cần tuyên truyền, tập huấn cho người dân trên đảo sử dụng điện an toàn và tiết kiệm.

Thượng tá Nguyễn Hồng Long: EVN sẽ gặp một loạt khó khăn trong quản lý vận hành lưới điện trên đảo, từ khâu vật tư, thiết bị, sự bất thường của thời tiết, sự ăn mòn thiết bị từ muối biển... Do đó, phải tuyển chọn những người có trình độ chuyên môn, có bản lĩnh chính trị vững vàng và yêu đảo ra làm việc. Đặc biệt, là vấn đề kinh tế, đầu tư lớn nhưng thời gian thu hồi vốn kéo dài, thậm chí có nơi không thể thu hồi được. Đó cũng là điều cần phải suy nghĩ, cân nhắc kỹ.

Ông Trần Viết Ngãi: Khi tiếp quản lưới điện ở các đảo, EVN phải tiến hành cải tạo hệ thống lưới điện cũ, đảm bảo lưới điện vận hành an toàn. Ngoài ra, việc vận chuyển nhiên liệu phục vụ sản xuất điện ở đây không đơn giản, chi phí sản xuất điện rất lớn, trong khi giá bán điện phải thực hiện theo quy định của Chính phủ như trong đất liền.

PV: Có ý kiến cho rằng, không nhất thiết phải đưa điện lưới quốc gia tới các đảo mà cần phát triển nguồn điện tại chỗ. Ý kiến của ông về vấn đề này?

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi: Theo tôi, những đảo lớn gần bờ, đông dân cư, thì có thể đưa điện lưới quốc gia ra đảo để có nguồn điện ổn định. Còn những đảo chính, đảo lớn đông dân cư, nhưng xa đất liền thì xây dựng nguồn điện tại chỗ như điện gió, điện mặt trời, nhưng chỉ cần có điện ở trung tâm xã đảo đã là tốt lắm rồi. EVN có thể xin ý kiến Chính phủ về những đảo có quá ít dân cư, có cần thiết phải đưa điện lưới đến không. 

Hiện nay, trừ quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nước ta có tới 2.774 đảo trong đó có 70 đảo có người sống và hàng nghìn đảo hoang sơ, nhưng người dân cũng tự ý chuyển đến đó ở. Thực tế, có những hòn đảo phải để hoang sơ thì mới có giá trị. Không nhất thiết đảo nào cũng phải có người ở.

Thượng tá Nguyễn Hồng Long: Đúng thế, tôi đã từng đi đến 10 tiếng đồng hồ mới thấy 1 đảo, vì thế tôi nghĩ rằng, không cần thiết đưa điện lưới quốc gia đến đó, cần xây dựng nguồn điện tại chỗ sẽ có hiệu quả kinh tế cao hơn, như điện gió, điện mặt trời hoặc nguồn điện diesel là tốt nhất. Ngoài ra, việc sử dụng nguồn tại chỗ cũng giúp công tác đảm bảo an ninh cho đường dây được đảm bảo hơn. Thực tế, đưa đường dây vượt biển, chắc chắn việc đảm bảo an ninh sẽ gặp những khó khăn hơn nhiều.

Ông Trần Viết Ngãi: Theo tôi, EVN cần làm quy hoạch, tính toán tổng mức đầu tư về đưa điện đến các đảo, trình Chính phủ xem xét, phê duyệt.

PV: Việc đưa điện đến các đảo được xác định là nhiệm vụ chính trị, nhưng cũng khiến EVN chịu lỗ từ việc kinh doanh bán điện. Vậy theo ông, ngành Điện có cần tách bạch nhiệm vụ mang tính công ích xã hội với nhiệm vụ sản xuất và kinh doanh điện, đảm bảo hoạt động kinh doanh điện có hiệu quả?

Ông Trần Viết Ngãi: Tôi cho rằng, hoàn toàn nên tách việc đưa điện ra đảo, vùng sâu vùng xa là công ích và hạch toán riêng, báo lỗ hàng năm cho Chính phủ và nhân dân biết để có cách điều tiết nguồn kinh phí. EVN cần công khai mức đầu tư như thế nào, quản lý vận hành hết bao nhiêu, nhiên liệu đầu vào cũng như doanh thu ra sao… Kinh doanh điện ra đảo, vùng sâu vùng xa chắc chắn không thể có lãi, mà chỉ phấn đấu giảm lỗ. Còn trong đất liền, EVN phấn đấu giảm giá thành sản xuất điện.

Thượng tá Nguyễn Hồng Long: Theo tôi, nếu tách bạch khâu công ích và sản xuất kinh doanh đơn thuần thì Chính phủ đâu cần EVN? Bởi, xây dựng là để bảo vệ Tổ quốc và bảo vệ Tổ quốc để xây dựng đất nước. Hiện nay, kinh tế gắn với quốc phòng, những  gì người dân không làm được thì Chính phủ làm, mà EVN chính là thay mặt Chính phủ để làm nhiệm vụ đó. EVN làm chính là phục vụ mục tiêu an ninh quốc gia. Nếu nói về lợi nhuận kinh tế đơn thuần, việc đưa điện tới các đảo hay vùng sâu vùng xa chắc chắn là bị lỗ, nhưng EVN vẫn phải làm, phải ưu tiên đầu tư và lấy lãi từ chỗ khác bù vào. Giá điện hiện nay tại các đảo, vùng sâu vùng xa không thể hạch toán độc lập, Chính phủ vẫn đang hỗ trợ bằng những cơ chế cụ thể. Đó là thể hiện chính sách nhân văn của đất nước xã hội chủ nghĩa.

PV: Để đưa điện tới các đảo, xã còn lại cần nguồn kinh phí rất lớn. Theo ông, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ như thế nào để EVN hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao?

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi: Rõ ràng đây là chủ trương lớn, EVN là doanh nghiệp nhà nước và hạch toán kinh tế độc lập, tính chất thương mại vẫn có và là đầu tầu kinh tế XHCN.

Để đạt được mục tiêu, Chính phủ cần chỉ đạo các địa phương tạo mọi điều kiện đầu tư xây dựng các dự án điện trên đảo. Ngoài ra, cần xây dựng lộ trình từng bước giảm lỗ khi kinh doanh bán điện trên đảo. Muốn làm được điều này, cần sớm ban hành chính sách tam ngư (gồm ngư dân, ngư nghiệp, ngư trường), giúp dân trên đảo phát triển mạnh kinh tế, thu nhập tăng gấp 2 lần đất liền.

Thượng tá Nguyễn Hồng Long: Theo tôi, để tạo cơ chế đặc thù cho EVN vay vốn là rất khó. Vì thế Chính phủ, hay EVN cần làm tốt công tác vận động, tuyên truyền, huy động nguồn lực từ bà con Việt kiều, các Tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, chung tay đưa điện tới các đảo, nhưng EVN phải đảm bảo được tính công khai, minh bạch về sử dụng các nguồn vốn.

Ông Trần Viết Ngãi: Chính phủ nên phát hành trái phiếu doanh nghiệp và vay dài hạn, cho vay trong nước với giá ưu đãi và vay dài hạn có thể tới 50 năm. Ngoài ra, còn cho phép vay từ các tổ chức quốc tế như WB, ADB… Những ngân hàng đang rất mong muốn được tham gia thực hiện mục tiêu này, nhưng trước mắt Chính phủ phải có bảo lãnh vốn vay. 


  • 17/08/2017 11:10
  • Theo TCĐL chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 7209